Đền, chùa Yên Thường: Cụm di tích mang nhiều giá trị lịch sử - Phật Giáo Việt Nam
21:09 +07 Thứ hai, 29/04/2024

Đền, chùa Yên Thường: Cụm di tích mang nhiều giá trị lịch sử

Thứ năm - 22/11/2012 10:35
(HDPT) - Tọa lạc trên diện tích hơn bốn nghìn mét vuông tại thôn Yên Thị, xã Yên Thường, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội, cụm di tích đền, chùa Yên Thường mang nhiều nét cổ kính, hoang sơ nhưng lại ẩn chứa nhiều giá trị lịch sử.
 

Sư thầy Thích Đàm Lương, trụ trì chùa cho biết, chùa Yên Thường còn có tên gọi khác là Phúc Nương Tự, được lập bia từ ngày 27 tháng 10 niên hiệu Hoằng Định thứ bảy (tức năm 1606)…

Tương truyền, các quan viên, chức sắc thôn trưởng cùng già trẻ lớn bé ở thôn Yên Thị, xã Yên Thường, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, đạo Kinh Bắc, nước Đại Việt thời bấy giờ đồng lòng trùng tu chùa Phúc Nương là nơi danh lam thắng cảnh. Đây là chùa lớn và có từ sớm, in đậm nhiều dấu tích của lịch sử đời Lê Sơ. Bia "Trùng tu Phúc Nương tự bi" do Nguyễn Chuyết Phu - Tiến sĩ khoa Kỷ Sửu đời Vua Mạc Mậu Hợp (1589), làm quan đến chức Hình khoa Cấp sự trung soạn năm Hoằng Định thứ bảy (1606) cho biết, chùa Phúc Nương là danh lam của đất Đông Ngàn, từng được nhiều người có thần thế góp sức sửa sang như Tán trị Khai quốc công thần Thái sư Lương Quốc công, Trung Nam vương Lê Thạch, Tán trị Khai quốc công thần Thái uý Tán Quốc công, Mục Chiêu Trưng Vương Lê Khôi, Thiếu bảo Lê Quốc Trinh... Nay các vị chức sắc và mọi người thôn Yên Thị tuân lệnh Thái uý Ngạn Quốc công Trịnh Đỗ tra rõ được số ruộng chùa mà ngài Thái thường tự Khanh, Văn Thụy tử Đàm Đình Tuyên đã biên chép đầy đủ, bèn khắc vào bia để lưu truyền lâu dài. Mặt sau khắc tên các vị: Lê Khôi, Đàm Đình Tuyên, Trịnh Đỗ và 140 quan viên hương trưởng cúng số ruộng đất để phụng thờ Tam Bảo. Công đức ấy thật là to lớn như núi cao, sáng mãi như mặt trời, mặt trăng. Dân làng thấy vậy nên quyết định ghi lại sự tích trùng tu nhà chùa vào đá truyền lại đời sau. Sau năm 1945, ngôi chùa được trùng tu lại và giữ nguyên cho tới tận bây giờ. Chùa vẫn giữ được nét đơn sơ, cổ kính, thanh tịnh và tôn nghiêm khác hẳn những ngôi chùa mới phục dựng.

Cụm di tích đền, chùa Yên Thường, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội.
Sát cạnh chùa là đền, còn có tên gọi Từ Vũ Yên Thường, thờ Quận công Nguyễn Đình Huấn, một quan võ trông nom việc trị an ở Kinh thành Thăng Long, sau được phong tước Quận công. Khi làm quan, ông để tâm giúp đỡ quê hương nên tám thôn, xã trong vùng thờ ông làm Thành hoàng hoặc Phúc thần. Đền Yên Thường được xây dựng khoảng cuối thế kỉ XVIII (thời Lê), mang nhiều giá trị lịch sử và nghệ thuật. Về nghệ thuật, ngôi đền đạt giá trị cao mà các di tích cùng loại của đương thời không sánh kịp. Về kết cấu, đền có vùng ngoài rộng phong quang. Tiếp đến là Tam quan ba gian, sân có tượng chầu đến ngôi đền thờ theo lối bổ dọc ba gian và một chái ở phía trước, còn giữ được nét khởi dựng tương tự chùa Tây Phương, Quốc Oai, Hà Đông (nay thuộc Hà Nội). Có thể nói, hình thức thờ này ít thấy ở miền Bắc và có ảnh hưởng của Đông Nam Á. Nét nổi trội của đền là các đồ thờ bằng đá. Mở đầu là đôi chó đá khá lớn, trông đơn giản nhưng đầy tính dân gian; trong Tam quan là bộ hộ sĩ đá, hai tượng võ cầm chùy, đầu đội mũ bì biện vành kim khôi cánh hoa cúc, áo mặc hai lớp, ở vai ngực có các mặt hổ phù chạm nổi. Qua Tam quan đến sân có bốn tượng võ vẻ mặt dữ tợn hoặc hiền từ cầm kiếm đứng chầu, có vị râu loe hình quạt, vị râu nhọn… Trong đền thờ ở gian ngoài có năm nhang án. Riêng nhang án đặt chính giữa, ở hai góc ngoài là đôi sư tử, phía trong là hai lọ hoa, giữa là bát hương. Tất cả tạo thành một khối đá với bốn mặt khắc chữ Hán niên đại Cảnh Hưng. Hai nhang án bên nhỏ hơn bày theo chiều dọc. Gian hậu cung có một khán đá và hai bài vị ở hai bên đặt trên một phiến đá lớn hình chữ nhật, chạm khắc theo hình kiểu long đỉnh, bốn góc mái khum có chỏm. Đền còn lưu giữ quyển Tộc phả Nguyễn Đình ghi từ đời Quận công Nguyễn Đình Huấn, do cử nhân Ngô Đông sao chép năm 1940...

 

Trải qua nhiều biến cố thăng trầm của lịch sử, hiện nay cụm di tích này vẫn giữ nguyên trạng của công trình kiến trúc nghệ thuật cổ với nhiều hiện vật có giá trị như ngai, các đồ thờ tế bằng đá có giá trị... Sư trụ trì Thích Đàm Lương cho biết, đang có kế hoạch trùng tu, tôn tạo đền, chùa Yên Thường thêm đẹp đẽ phong quang nhưng vẫn giữ nguyên những nét kiến trúc cũ. Đồng thời, kêu gọi những tấm lòng hảo tâm, công đức của các phật tử gần xa cùng chung tay góp sức để cụm di tích thêm khang trang bề thế.

Bài và ảnh: Minh Ngọc

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này