Thiền kết hợp với niệm Phật - Phật Giáo Việt Nam
13:17 +07 Thứ hai, 29/04/2024

Thiền kết hợp với niệm Phật

Thứ năm - 15/12/2011 16:16
Thiền kết hợp với niệm Phật

Thiền kết hợp với niệm Phật

(HDPT) - Niệm Phật kết hợp với hơi thở một cách máy móc gò bó như phương pháp hít hơi vào niệm ba chữ: Nam Mô A, thở hơi ra niệm: Di Đà Phật; Hơi thở khi bị khống chế ép buộc theo lối này sẽ phát sinh phản ứng phụ như tức ngực, khó thở, choáng váng, nhức đầu…
 

 

 

 

Thiền kết hợp với niệm Phật

 

A. ĐIỀU THÂN ĐÚNG TƯ THẾ
1. Tư Thế:
- Bắt chân kiết già, giữ lưng thẳng, bất động nhưng mềm mại.
- Biết rõ toàn thân nhất là ở vùng bụng dưới (đan điền).
- Toàn thân buông lỏng, mềm mại đến từng thớ thịt từ đầu mặt, vai, lưng, từng ngón tay, từng ngón chân.
* Tránh hai cực đoan:
- Gồng cứng cả người để giữ lưng thẳng (sẽ làm nhức đầu, mệt mỏi, căng thẳng).
- Hoặc tư tế ngồi dễ dãi để lưng khòm cúi (dễ bị hôn trầm, tu lâu nhưng không tiến bộ).
2. Lợi Ích:
- Điều thân đúng tư thế và thuần thục giúp khắc phục những chướng ngại thường mắc phải của người tu như: hôn trầm hoặc nhức đầu, mất ngủ… 
B. KẾT HỢP HƠI THỞ VỚI NIỆM PHẬT
1. Cách dụng công:
- Khi điều thân thuần thục sẽ biết được hơi thở đi vào và hơi thở ra một cách tự nhiên.
- Đến lúc này vừa biết rõ toàn thân vừa kết hợp câu niệm Phật với từng hơi thở vào, hơi thở ra một cách thong thả nhẹ nhàng.
- Đến khi tâm an tịnh rồi, chỉ biết rõ hơi thở vào, hơi thở ra, còn câu niệm Phật sẽ buông luôn.
- Ghi nhớ: Hơi thở kết hợp với câu niệm Phật phải tự nhiên nhẹ nhàng không gượng ép. 
2. Chú ý:Tuyệt đối tránh các trường hợp:
+ Niệm Phật kết hợp với hơi thở một cách máy móc gò bó như phương pháp hít hơi vào niệm ba chữ: Nam Mô A, thở hơi ra niệm: Di Đà Phật; Hơi thở khi bị khống chế ép buộc theo lối này sẽ phát sinh phản ứng phụ như tức ngực, khó thở, choáng váng, nhức đầu…
+ Hoặc có pháp môn vừa niệm Phật, vừa hít hơi dẫn khí theo vòng chu thiên. Khi tập trung tinh thần để dẫn khí đi, sẽ vô tình làm lực kéo lên đầu gây nghịch khí (tẩu hỏa nhập ma), rối loạn tâm thần, tim mạch… 
C. CÔNG ĐỨC – ĐẠO ĐỨC – KHÍ CÔNG LÀ NỀN TẢNG CẦN THIẾT.
1. Công Đức:

- Khi phước mỏng công đức thiếu sẽ phát sinh nhiều chướng ngại về tinh thần lẫn vật chất, rất khó cho việc tiến tu.
- Vừa tu tập thanh lọc nội tâm nhưng phải siêng năng làm phước, sống đời vị tha làm tất cả công đức mang lại an vui hạnh phúc cho con người.
2. Đạo Đức:
- Người thiếu Đạo đức giới hạnh khuyết lỡ tạo nhiều lỗi lầm, cho dù quả báo xấu chưa đến nhưng tâm sẽ phiền động rối loạn bất an và đời sống tu tập bị thoái đọa.
- Vừa siêng năng tu tập vừa kiểm soát nội tâm luôn giữ lòng khiêm hạ thấy mình nhỏ bé trước chư Thánh và mọi người… để tiêu trừ tâm kiêu mạn, luôn hoan hỷ trước thành công của người khác, dứt bỏ tâm ích kỷ, hẹp hòi, hơn thua, đố kỵ, ác độc…
3. Khí Công:
- Một cơ thể bệnh hoạn yếu đuối, bạc nhược sẽ gây trở ngại rất lớn cho việc tu tập.
- Chọn những động tác khí công có hiệu quả, kiên trì tập luyện hàng ngày để giữ ổn định sức khỏe.
- Cần phải tiết chế sự ăn uống, tránh những thức ăn thực phẩm dẫn đến những căn bệnh thời đại như tiểu đường, béo phì, cao huyết áp… 
D. LUÔN GIỮ GÌN SỰ ĐOÀN KẾT HÒA HỢP TRONG ĐẠO PHẬT.
- Tất cả pháp môn tu đều là phương tiện và kết quả giải thoát giác ngộ mới là cứu cánh, cho nên các tông phái đều chọn Bát Chánh Đạo là điểm quy đồng chung để xây dựng sự hòa hợp trong đạo Phật.
- Trên bước đường tu tập cần thông tỏ tất cả các pháp môn để tùy duyên hóa độ cho chúng sinh đạt đến mục tiêu chung, tuyệt đối tránh tình trạng ca ngợi tông phái của mình, công kích, chê bai tông phái khác… 

KHẨU QUYẾT TU THIỀN

Thiền là điều phục tâm
Nhưng muốn điều phục tâm
Phải điều hòa hơi thở
Muốn điều hòa hơi thở
Phải điều hòa được thân
Cộng với phước vô ngần
Vì vậy lúc ban đầu
Trồng công đức thật sâu
Sống hiền lành chân chánh
Theo Thánh đạo nhiệm mầu
Vào thiền ngồi kiết già
Đúng tư thế Phật Đà
Giữ toàn thân mềm mại
Và bất động sâu xa
Khi vọng tưởng khởi lên
Khiến hiện tại bị quên
Lúc đó nhờ Công Đức
Giúp ta quay lại liền
Rồi trở lại Điều Thân
Xem khắp cả tay chân
Có chỗ nào gồng cứng
Hay nhúc nhích gì chăng
Rồi biết Thân Vô Thường
Ngày nào sẽ lên đường
Rã tan thành cát bụi
Xương thành bột bay luôn
Cứ kiên nhẫn Điều Thân
Không cần phải đi nhanh
Điều Thân thật thuần thục
Đường đạo đã đến gần
Rồi nhìn thấy trong thân
Có hơi thở vào ra
Để giữ gìn mạng sống
Không một phút lìa xa
Có hai điều cực đoan
Khiến hơi thở bất toàn
Một là quên hơi thở
Hai là thở rộn ràng
Quên hơi thở, quên tu
Tâm chìm đắm mịt mù
Vì vậy luôn gắng nhớ
Từng hơi thở nhiệm mầu
Hơi thở vào, biết vào
Hơi thở ra, biết ra
Không cố gắng điều khiển
Theo ý muốn của ta
Có lúc hơi thở nhiều
Có lúc chẳng bao nhiêu
Nhưng chỉ cần biết rõ
Chẳng cần thêm một điều
Hơi thở là của thân
Khi Biết Rõ Toàn Thân
Là biết luôn hơi thở
Không cần phải phân vân
Nhớ thật kỹ một điều
Dù hơi thở thế nào
Cũng không được điều khiển
Chỉ cần biết mà thôi
Biết thật rõ hơi vào
Biết thật rõ hơi ra
Biết toàn thân phía dưới
Tỉnh giác và an hòa
Vẫn giữ thân vững vàng
Bất động mà nhẹ nhàng
Và biết từng hơi thở
Tâm dừng bước lang thang
Nhiều trạng thái của tâm
Vi diệu và lạ lùng
Thay phiên nhau xuất hiện
Sẽ khiến ta hiểu lầm
Thấy tâm thức rỗng không
Lòng thanh thoát vô cùng
Ta sẽ tưởng mình đắc
Một quả Thánh nào chăng
Thật ra, ta hãy còn
Đứng ngoài cửa mõi mòn
Chưa vào được cánh cổng
Của ngôi đền Chí Tôn
Trong ngôi đền thẳm sâu
Có chiếc ghế nhiệm mầu
Tên gọi là Vô Ngã
Chờ đợi ta đã lâu 


Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật (3 lần)

 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này