Thiền tông có đủ trí tuệ vô hạn và sức sáng tạo - Phật Giáo Việt Nam
02:00 +07 Thứ hai, 29/04/2024

Thiền tông có đủ trí tuệ vô hạn và sức sáng tạo

Thứ năm - 15/12/2011 16:53
Thiền tông có đủ trí tuệ vô hạn và sức sáng tạo

Thiền tông có đủ trí tuệ vô hạn và sức sáng tạo

(HDPT) - Theo cách nói truyền thống thì Thiền Tông được sáng lập vào thời kỳ Ngụy Tấn Nam Bắc Triều của Trung Quốc, thủy tổ là Bồ Đề Đạt Ma người Ấn Độ. Căn cứ theo lịch sử Phật giáo, Ngài là “vị tổ thứ 28” của “Tây Thiên”.
 

 

 

 

Thời Lương Võ Đế, Ngài từ Thiên Trúc vượt biển đến Trung Quốc truyền giáo, được xưng là “Đông Độ Sơ Tổ” của Thiền Tông. Ngài đưa ra chủ trương “tịch giáo ngộ tông”, chủ yếu là mượn “kinh Lăng Già” để truyền pháp, trên thực tế vẫn lấy phương pháp tiệm tu tọa thiền là chính. Tương truyền Ngài ở chùa Thiếu Lâm ở Tung Sơn quay mặt vào tường chín năm, nên Ngài được gọi là “Bích quán Bà la môn” (Bà la môn quay mặt vào tường quán xét). Bích quán chính là “dừng các duyên bên ngoài, tâm không thổn thức, tâm như tường vách, có thể là đạo của con người”, đây hiển nhiên vẫn là phương pháp tọa thiền truyền thống của Phật giáo, thiền tông do đại sư Huệ Năng sáng lập sau này thì khác hẳn. Nhưng Ngài lại xưng mình truyền ngoài giáo pháp, và đề xướng cương lĩnh truyền giáo “trực chỉ nhân tâm, kiến tánh thành Phật, bất lập văn tự”. (chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật, không lập văn tự). Đây thật sự là giáo nghĩa cơ bản của Thiền Tông sau này. Cho nên có thể nói sự truyền giáo của Tổ sư Đạt Ma là thiền học của Ấn Độ đã chuyển hóa Thiền Tông của Trung Quốc, nói Ngài là Sơ Tổ cũng không có gì quá đáng vậy.

Tổ sư Đạt Ma truyền pháp cho Huệ Khả, cũng gọi là “Đông Độ Nhị Tổ”. Trong “Tục Cao Tăng Truyện” có ghi : “Thích Tăng Khả, một tên khác là Huệ Khả, họ Cơ, người ở Hổ Lao… Năm 40 tuổi, Ngài gặp Bồ Đề Đạt Ma du hóa ở Tung Lạc, Huệ Khả chỉ gặp một lần đã mến mộ, đảnh lễ làm Thầy, theo học sáu năm, nghiên cứu tinh thông nhất thừa, sự lý đều kiêm dung không đắm vào khổ vui…” Huệ Khả không để lại kinh luận cho đời, pháp mà Ngài phụng sự vẫn là ý “kinh Lăng Già” do Tổ sư Đạt Ma truyền lại, “lập ra giềng mối” vẫn lấy tọa thiền làm việc chính .

Huệ Khả truyền pháp cho Tăng Xán, người đời xưng là “Tam Tổ” của Thiền Tông. Không có những nghiên cứu về họ tên của Ngài. Trong “Tứ Thụy Bi” (bia ban cho tên Thụy) ghi trong “Long Hưng Biên Niên Tụng Luận” có chép về cuộc đời của ngài Tăng Xán, và có ghi thêm “bài minh tín tâm” truyền thuyết do Ngài trước tác. Văn bia ghi rằng: “Thiền sư hiệu là Tăng Xán, không biết người ở đâu, xuất hiện vào giữa thời kỳ Chu Tùy, được truyền giáo từ đại sư Huệ Khả, ở lại Nghiệp Trung, đắc đạo ở núi Tư Không, cho thân tướng chẳng phải thật, nên hiển thị có bệnh lở loét; cho pháp vô ngã nên ở không chọn nơi… bài minh viết :Tánh tịnh của con người, lúc sanh đã có. Trí mê ở bên ngoài, nhiễm ô nên vọng thức…. Như Lai thương xót, lập ra phương pháp cứu độ. Hết vọng thành chân, để chứng nguồn giác, gợi mở tâm ấn, để lại cho đời sau… Cảnh giới người Phật, ở trong ràng buộc mà không ràng buộc, ai trói ai mở. Các pháp nhưu vậy, pháp này không biến hoại”. Căn cứ theo đây có thể thấy, pháp mà Thiền Sư Tăng Xán phụng sự vẫn là sự kế thừa và phát huy nghĩa thuyết “tự tánh thanh tịnh” của “kinh Lăng Già” do Tổ sư Đạt Ma truyền lại.

Tổ thứ tư của Thiền Tông là đại sư Đạo Tín. “Tục Cao Tăng Truyện” ghi: “ngài họ Tư Mã, người ở đâu chưa rõ.” Trong “ Ngũ Đăng Hội Nguyên” chép: “Nhà ở Hà Nội, sau chuyển đến huyện Quảng Tế ở Kỳ Châu. Mới sanh ra đã rất khác lạ, lúc còn nhỏ đã thích các pháp môn giải thoát của Không Tông, như có thói quen từ kiếp trước. Kế thừa tổ phong, giữ tâm không mê muội…” Thiền quan của đại sư Đạo Tín, có một thuyết gọi là “luận thiền tông của Tổ thứ tư”. Thuyết đó như sau: “Phàm trăm ngàn pháp môn, đều trở về một chỗ, diệu đức như hà sa, đều tại nguồn tâm. Tất cả giới môn, định môn, huệ môn, thần thông biến hóa, đều như mộng huyễn. Không có tam giới để ra khỏi, không có bồ đề để mong cầu đạt được. Người và loài phi nhân, tánh tướng bình đẳng. Đại đạo thênh thang, tuyệt hẳn suy tư”. Thiền quan của Đạo Tín tuy vẫn kế thừa pháp của Tổ sư Đạt Ma nhưng lại có sự thay đổi và phát triển rất lớn, không còn hoàn toàn là giáo nghĩa của “kinh Lăng Già”.

Đại sư Hoằng Nhẫn, người đời xưng là Tổ thứ năm. “Cao Tăng Truyện” ghi: “Ngài họ Châu, nhà ở Tầm Dương bên trái sông Hoài, có nơi lại nói Ngài là người Hoàng Mai. Năm 7 tuổi, xuất gia theo đại sư Đạo Tín. Đại sư Đạo Tín biết Ngài có thể dạy dỗ được, liền “đem hết những hiểu biết của mình truyền lại cho Ngài.” Theo tài liệu ghi chép Ngài có trước tác “luận Tối Thượng Thừa”. Luận này ghi rằng: “…. thân tâm vốn thanh tịnh, không sanh không diệt, không có phân biệt, tự tánh tâm thanh tịnh tròn đầy, đó là thầy của Ta”. “Cũng lại như thế, tâm tất cả chúng sanh vốn thanh tịnh,  chỉ vì phan duyên, vọng tưởng, phiền não, bị các đám mây đen che phủ, nhưng có thể lắng động thủ hộ tâm, vọng niệm sẽ không sanh, pháp Niết bàn tự nhiên hiển hiện. Nên biết tự tâm vốn thanh tịnh”. Những câu thuyết pháp này mang sắc thái tư tưởng của Thiền Tông sau này, đã có thể thấy manh mối của tư tưởng đốn giáo của Thiền Tông. Đồng thời Ngài cũng đã không cố chấp vào nghĩa của kinh Lăng Già, nên nói: “Từ Ngũ Tổ trở đi bắt đầu lấy kinh Kim Cang để truyền trao,… mà Lăng Già không còn truyền nữa”. Từ đó càng phản ánh rõ có sự thay đổi lớn trong thiền pháp của Ngài. Nhưng đại sư Hoằng Nhẫn vẫn chưa thoát khỏi truyền thống thiền học vốn có, vẫn còn “mượn giáo để ngộ tông-mượn kinh để ngộ thiền”.

Tóm lại, Truyền pháp của Tổ thứ năm Thiền Tông, chủ yếu vẫn là truyền thiền học của Phật giáo Ấn Độ. Từ ngài Đạt Ma cho đến ngài Hoằng Nhẫn đều là những nhân vật quá độ từ thiền học đến thiền tông. Kiến lập Thiền Tông đích thực là những vị bắt đầu từ ngài Huệ Năng trở đi. Ngài Hoằng Nhẫn truyền pháp cho Huệ Năng. Ngài Huệ Năng, đời xưng là Lục Tổ Thiền Tông. Liên quan đến thân thế của ngài Huệ Năng trong “Huệ Năng Truyện” ở sách Cao Tăng Truyện đời nhà Tống, “Lục Tổ Đại Sư Duyên Khởi Ngoại Ký” của Pháp Hải đều có ghi chép lại. Đại sư Huệ Năng (638-713) họ Lư, phụ thân Ngài nguyên làm quan ở Phạm Dương, sau bị đày đến Tân Châu Lĩnh Nam (nay là huyện Tân Hưng tỉnh Quảng Đông). Đại sư Huệ Năng xuất thân như vậy. Không lâu sau đó, phụ thân qua đời ngay nơi bị lưu đày, ngài nhờ vào sự “thủ chí cúc dưỡng” của mẹ. Huệ Năng lớn lên, mưu sanh bằng nghề đốn củi để, phụng dưỡng mẹ già. Vì gia đình Huệ Năng lụn bại, từ nhỏ Ngài đã không được học hành, những Ngài lại rất thông minh, rất có khả năng lãnh hội Phật pháp. Theo truyện chép lại : Một hôm Ngài đang bán củi ở chợ, nghe người ta tụng đọc kinh Kim Cang, lập tức “có sự tỉnh ngộ”, bèn hỏi khách đang tụng kinh gì, người khách nói ông ta học được từ Hòa thượng Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn. Ngài liền từ biệt mẫu thân, giã từ Lãnh Nam đến núi Bằng Mộ Hoàng Mai ở Kỳ Châu-Tỉnh Hồ Bắc lễ bái Hòa thượng Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn. Lúc Ngài vừa gặp Hòa thượng Hoằng Nhẫn, thầy trò hỏi đáp đã đem lại ấn tượng tốt cho đại sư Hoằng Nhẫn. Lúc đó, Hòa thượng Hoằng Nhẫn nói với Ngài: “Người Lĩnh Nam, là mọi rợ làm sao có thể làm Phật?” Huệ Năng trả lời thẳng thắn, mạnh mẽ: “Người có Nam có Bắc, Phật tánh không có Nam Bắc, mọi rợ và Hòa thượng khác nhau, nhưng Phật tánh đâu sai khác!” Đại sư Hoằng Nhẫn nghe xong, nhìn thấu Ngài là bậc rất có “căn khí”, bèn cho ở lại, bảo Ngài làm việc ở trong phòng giã gạo của chùa. Sau khi làm việc được khoảng 8 tháng, đại sư Hoằng Nhẫn muốn truyền pháp cho đệ tử. Bảo đệ tử trình kệ tụng lên, để khảo sát sự cao thấp trong cảnh giới chứng ngộ của đệ tử. Đệ tử lớn của đại sư Hoằng Nhẫn là Thần Tú được công nhận là người kế thừa pháp trong tương lai. Ngài viết một bài kệ tụng:

“Thân là cây bồ đề,

 Tâm là đài gương sáng,

 Giờ giờ thường lau chùi,

Đừng để dính bụi bặm.”

 

(Thân thị bồ đề thọ,

Tâm như minh cảnh đài,

Thời thời cần phất thức,

Mạc sử hữu trần ai.)

Trình lên cho đại sư Hoằng Nhẫn thẩm duyệt. Bài kệ tụng này rõ ràng thừa nhận sự tồn tại khách quan của “thân” và “tâm”, trái ngược với quan niệm Chân Như Bản Thể luận của Phật giáo, hiển nhiên là cảnh giới chứng ngộ chưa cao. Nhưng Thần Tú là đệ tử lớn lại không tiện công khai nói ra.

   Đại sư Huệ Năng nghe đọc bài hệ tụng của Thần Tú, cũng thấy cảnh giới ngộ của Thần Tú chưa cao, bèn nhờ người viết bài hệ tụng của mình ra trình cho đại sư Hoằng Nhẫn.

“Bồ đề vốn không cây,

Tâm không phải gương sáng,

Phật tánh thường thanh tịnh,

Chỗ nào dính bụi bặm.”

 

(Bồ đề bổn vô thọ,

Minh cảnh diệc phi đài,

Phật tánh thường thanh tịnh,

Hà xứ nhiễm trần ai.)

Đại sư Hoằng Nhẫn thấy cảnh giới ngộ của tác giả bài hệ tụng này rất cao, liền quyết định truyền pháp cho Ngài, nhưng biết đệ tử sẽ tranh đấu kịch liệt để kế thừa Pháp, sợ có người sẽ hại Huệ Năng, nên chỉ có thể lén truyền pháp y vào ban đêm, và bảo Huệ Năng ngay trong đêm phải trốn đi. Thế là Huệ Năng tiếp thọ pháp y, ngay trong đêm từ Hoàng Mai trốn trở về Lĩnh Nam. Đến Lĩnh Nam ẩn náu ở đó suốt 19 năm, sau này, nghe nói, nhân Huệ Năng nghe hai người tranh cãi “Sự lay động của gió và phướn”, mỗi người đều cho mình là đúng, không phân thắng bại, Huệ Năng bèn nói chen vào : “không phải phướn động, gió động, mà tự tâm người động”. Được Thiền sư Ấn Tông khen ngợi, và được biết chuyện Huệ Năng nhận pháp y, nên dưới sự chủ trì của Thiền sư Ấn Tông, Huệ Năng được xuống tóc, thọ giới - Huệ Năng chính thức xuất gia. Ít lâu sau, Huệ Năng chính thức đến Tào Khê (nay huyện Khúc Giang tỉnh Quảng Đông) mở đạo tràng truyền bá giáo pháp. Huệ Năng còn được xưng là “Tào Khê đại sư” cũng do đây mà ra vậy. Huệ Năng ở Lĩnh Nam lập tông truyền giáo, đối lập với Thần Tú ở Hoàng Mai. Thần Tú ở phía Bắc nên gọi là “Bắc Tông”; Huệ Năng ở phía Nam nên gọi là “Nam Tông”. Huệ Năng truyền giáo tại Tào Khê, hoằng truyền Thiền tông tới hơn 30 năm, viên tịch năm 76 tuổi. Mấy mươi năm truyền giáo, Huệ Năng hoằng dương giáo nghĩa, xác lập toàn bộ tông chỉ tư tưởng của Thiền tông, những lời lẽ truyền giáo của Ngài sau này được đệ tử thu tập lại thành một quyển gọi là “Đàn Kinh”. Nhờ sư khai sáng của Ngài Huệ Năng, Thiền tông mới chính thức thành lập ở Trung Quốc, tông chỉ độc đáo của Thiền tông, như tư tưởng cơ bản của luận Chân Như Phật Tánh, phương pháp tu hành sáng tâm thấy tánh, không lập văn tự, tự lực tự độ, đốn ngộ thành Phật… mới được đề xuất thành hệ thống, cho nên ngài Huệ Năng mới thực sự là người sáng lập Thiền tông. Nhưng lúc ngài Huệ Năng còn tại thế, sự truyền bá của Thiền tông vẫn chỉ hạn chế ở vùng Lĩnh Nam. Sau khi ngài qua đời, Thần Hội đệ tử của ngài mới anh dũng xông ra, đem Thiền tông phía Nam truyền xuống phía Bắc. Thiền tông của Huệ Năng mới được truyền bá rộng rãi và cuối cùng thay thế luôn cả Bắc tông. Sau này trở thành Nam Tông nhất thống thiên hạ. Huệ Năng là một người lao động không biết chữ, lại khai sáng ra một tông phái thịnh hành trong xã hội phong kiến Trung Quốc hơn cả 1000 năm, đây là một sự kiện hiếm thấy, thể hiện rõ nét sự thần kỳ phi phàm của Thiền tông. Huệ Năng dùng trí tuệ đặc biệt của mình dung hợp tư tưởng đông tây thành một mối, khai sáng ra tông phái Phật giáo thực sự mang sắc thái Trung Quốc, thành tích và công lao của Ngài trong lịch sử thật bất hủ. Sau khi Huệ Năng lập tông, mọi người vân tập, đệ tử kế thừa pháp có hơn 40 người như Hành Tư, Hoài Nhượng, Thần Hội, Huyền Giác, Huệ Trung, Pháp Hải… Trong đó đặc biệt có hai vị Nam Nhạc Hoài Nhượng và Thanh Nguyên Hành Tư hoằng truyền thịnh hành nhất.

Nam Nhạc truyền xuống hình thành hai tông Qui Ngưỡng và Lâm Tế; Thanh Nguyên truyền xuống hình thành ba tông : Tào Động, Vân Môn, Pháp Nhãn. Đây là “Ngũ Gia” Thiền tông nổi tiếng trên thế giới. Dưới đây chia ra để giới thiệu sơ lược.

1. Tông Qui Ngưỡng :

Kết hợp Qui Sơn (Linh Hựu) và Ngưỡng Sơn (Huệ Tịch) mà thành tên của Tông.

Một trong hai vị sáng lập ra tông này là Linh Sự Chiêm (771 – 853), ngài họ Triệu. Trong “Cảnh Kí Lục” ghi Ngài 16 tuổi xuất gia, là “thượng thủ đệ tử” của Hoài Hải trên núi Bách Trượng ở Giang Tây. Sau ở Qui Sơn Đàm Châu (nay là Trường Sa tỉnh Hồ Nam), cho nên gọi là “Qui Sơn Linh Hựu”. Một vị khai Tông khác là Huệ Tịch (807 – 883), Ngài họ Diệp, người Quảng Đông, 17 tuổi xuất gia, từng học Thiền với đại sư Linh Hựu hơn 10 năm. Sau ở Ngưỡng Sơn – Viên Châu (nay là Nghi Xuân – Giang Tây), cho nên gọi là “Ngưỡng Sơn Huệ Tịch”.

Tư tưởng và thiền pháp cơ bản của Tông Qui Ngưỡng là “Tam Chủng Sanh”. Tông phong mà Tông Qui Ngưỡng tiếp dẫn người học là thẩm xét kỹ lưỡng, thầy trò xướng họa, sự lý phải song hành, thể và dụng của lời nói như tranh cãi nhưng thật ra ngầm khế hợp. “Nhân Thiên Nhãn Mục” hình dung gia phong của Tông này là: “Tông Qui Ngưỡng, cha hiền con hiếu, trên bảo dưới nghe; ngươi muốn ăn cơm ta liền dâng thức ăn; ngươi muốn qua sông ta liền chống thuyền; cách núi thấy khói liền cho biết lửa; cách tường thấy sừng liền biết là trâu.”

Các tông phái của Thiền tông, tông Qui Ngưỡng được phát triển sớm nhất, nhưng suy vong cũng khá sớm. Pháp truyền được khoảng 150 năm.

2. Tông Lâm Tế:

Tông Lâm Tế là tông kế thừa Tông Qui Ngưỡng rồi thành lập nên một tông phái mới, người sáng lập ra tông này là Thiền sư Nghĩa Huyền, trú ở thiền viện Lâm Tế Trấn Châu Hà Bắc (nay là huyện Chánh Định tỉnh Hà Bắc), nên gọi là Tông Lâm Tế.

Nghĩa Huyền (? – 867) người Nam Hoa - Tào Châu, Ngài họ Hình. Lúc nhỏ đã mang chí xuất trần, rồi xuống tóc thọ giới, kính mộ Thiền tông. Ban đầu theo hội chúng của Thiền sư Hoàng Bá Hi Vận tham thiền tu tập, hành vi nghiệp quả thuần nhất. Thời đó, Thượng tọa Thiền sư Mục Châu thấy ngài có nhiều khí chất đặc biệt, nên khuyên ngài trực tiếp đến tham kiến Thiền sư Hi Vận. Ba lần tham vấn đại ý của Phật pháp, ba lần bị ăn gậy của Thiền sư Hi Vận mà sau đó được ngộ. Thiền sư Hoàng Bá Hi Vận rất coi trọng Ngài, nên nói: “Tông phái của ta đến tay của ngươi sẽ hưng thịnh ở đời.” Về sau ngài trú ở Trấn Châu, tông môn được hưng long. Nội dung thiền pháp Lâm Tế tiếp dẫn người học rất phong phú. Như, Tam Huyền Tam Yến, Tứ Khoa giản, Tứ Chiếu Dụng, Tứ Tân Chủ… hình thành nên một hệ thống thiền pháp dẫn dắt người học một cách linh hoạt. Chính vì vậy mà vào thời kỳ cuối đời nhà Đường thời Ngũ Đại Tông, phái này phát triển một cách nhanh chóng, trở thành một tông phái có ảnh hưởng lớn nhất đối với Thiền tông Ngũ Gia thời kỳ cuối, và được truyền thừa lâu xa nhất. Về gia phong của Lâm Tế, sách “Ngũ Gia Tông Chỉ Toản Yếu” ghi rằng: “Gia phong của Lâm Tế, toàn cơ đại dụng, gậy, hét đều dùng, ngựa phi hổ chạy, sao băng điện chớp, mang ý chí ngút tận tầng xanh, dùng phương pháp rất đặc biệt; co duỗi, nắm thả, sống chết tự tại. Dẹp sạch hết thảy cái thấy thường tình, thoát khoie những ràng buộc. Lấy vô vị chân nhân làm tông, hoặc gậy hoặc hét, hoặc dựng phất trần mà hiểu thiền.” Tông phong của Lâm Tế cơ dụng mãnh liệt, giống như tướng công chỉ huy quân lữ cả trăm ngàn vạn người, như lấy búa sắt đánh vào đá, hiện cơ dụng như ánh lửa lóe sáng. Cho nên trong “Ngũ Gia Tham Tường Yếu Lộ Môn” viết : “Tông Lâm Tế chiến cơ phong”, từ xưa đã có tên gọi “tướng quân Lâm Tế, sĩ quân Tào Động “. Tóm lại, phương pháp hướng dẫn tu tập của tông Lâm Tế linh hoạt đa dạng, một dao xông thẳng, cơ phong mãnh liệt, cắt đứt tình kiến, làm cho hành giả tỉnh ngộ. Tông này lưu truyền rộng nhất và lâu nhất cũng nhờ vào gia phong hoàn hảo của nó.

3. Tông Tào Động:

Tên của tông Tào Động có được là do người khai sáng ra tông này là thiền sư Lương Giá ở Động Sơn, huyện Cao An tỉnh Giang Tây và đệ tử của ngài là thiền sư Bổn Tịch ở Tào Sơn huyện Thanh Sơn. Để thuận tiện trong ngôn ngữ người đời sau đã đảo ngược tên chùa của thầy trò, không gọi là tông Động Tào mà gọi là tông Tào Động.

Thiền sư Lương Giá (807-869), ngài họ Du, người ở Gia Ký - Cối Kê (nay thuộc tỉnh Triết Giang). Tuổi còn nhỏ đã rất thông minh, đảnh lễ thiền sư Thắng Mặc ở Ngũ Tiết xuống tóc xuất gia. Năm 21 tuổi thọ giới cụ túc ở Tung Sơn, sau đó du phương tham học. Đầu tiên ngài đến chỗ thiền sư Nam Tuyền, ngài Nam Tuyền rất khen ngợi. Kế đến ngài đến tham yết thiền sư Qui Sơn, lại tham học với thiền sư Vân Nham. Sau đó trở về Động Sơn hoằng hóa. Lúc sắp viên tịch ngài dạy rằng: “người xuất gia tâm không lệ thuộc vào vật, là bậc tu hành chân chánh, sống nhọc chết uổng, sầu bi ích gì”, “Việc của nhà sư, đại khái là lúc sắp lâm chung, chớ có huyên động”. Ngài ngồi ngay thẳng trong trượng thất, nhập địng mà đi.

Tào Sơn Bổn Tịch (840-901), ngài họ Hoàng, người ở huyện Bô Điền-Tuyền Châu-tỉnh Phúc Kiến, lúc còn nhỏ theo Nho học, năm 19 tuổi đến Linh Thạch ở Phúc Châu xuất gia. 21 tuổi thọ giới cụ túc, sau đó đến tham yết thiền sư Động Sơn Lương Giá, được thiền sư Lương Giá xem trọng, thầm trao tông chỉ của Động Sơn. Sau khi rời Động Sơn ngài đến Tào Khê lễ bái tháp Lục Tổ Huệ Năng. Sau đó còn đến ở lại Cát Thủy ở Giang Châu truyền bá thiền pháp. Vì nhớ lại di phong của Lục Tổ, nên đổi tên ngọn núi Cát Thuỷ đang ở thành tên núi Tào, sau ngài ở núi Hà Ngọc, mở hai đạo tràng, học giả vân tập.

Tư tưởng và thiền pháp chủ yếu của tông Tào Động là “năm vị vua tôi”. Gia phong của tông này trong “ Ngũ Gia Tham Tường Yếu Lộ Môn” có chép : “suy cứu tâm địa”, gia phong rất miên mật. Phương pháp tiếp hóa trong người học giống như người nông phu cày bừa kỹ càng ruộng đất, tỉ mỉ nhiều lần, diệu dụng gần gũi, cho nên trong chốn tòng lâm có câu: “Tướng quân Lâm Tế, sĩ quân Tào Động”. Tông này lưu truyền một thời gian cũng khá lâu.

4. Tông Vân Môn:

Do người sáng lập ra tông này là Văn Yển trụ ở thiền viện Quan Thái (nay là thiền viện Đại Giác) ở núi Vân Môn – Thiều Châu (nay là phía Bắc huyện Nhũ Nguyên tỉnh Quảng Đông) cho nên có tên là “tông Vân Môn”.

Văn Yển (864-949), ngài họ Trương, người ở Gia Hưng-Cô Tô (nay là phía Nam huyện Gia Hưng tỉnh Triết Giang). Trong quyển “Truyền Pháp Chánh Tông Kí” có viết “ngài bẩm tính thông minh, từ nhỏ đã khác hẳn với trẻ em cùng tuổi”, xuất gia theo luật sư Chí Trừng ở chùa Không Vương khi còn rất nhỏ. Lớn lên, xuống tóc ở Tỳ Lăng Đàn, làm thị giả cho luật sư Chí Trừng trong mấy năm. Sau tham yết thiền sư Mục Châu, thiền sư Mục Châu chỉ đến gặp thiền sư Tuyết Phong Nghĩa Tồn, thiền sư Nghĩa Tồn ngầm truyền trao tông ấn cho. Sau đó ngài lần lượt đến thăm viếng Động Nham, Sớ Sơn, Tào Sơn, Thiên Đồng, Qui Tông, Quán Khê…., sau đến Tào Khê lễ bái tháp Lục Tổ, lại đến chỗ của đại sư Linh Thọ Như Mẫn. Được đại sư Như Mẫn coi trọng, cử làm thủ tòa, cuối cùng kế thừa Pháp tịch của đại sư Như Mẫn, lúc già ngài trở về thiền viện Quang Thái ở Vân Môn hoằng pháp. Tông chỉ của Vân Môn nổi tiếng với câu “Vân Môn Tam Cú” ( ba câu của Vân Môn) : “Hàm cái càn khôn cú, tuyệt đoạn chúng lưu cú, tùy ba trục lãng cú.” (có giải thích sau), về gia phong của tông Vân Môn, trong “Ngũ Gia Tham Tường Yếu Lộ Môn” bình luận rằng : “lựa lời lẽ”, thiền sư Pháp Diễn bình rằng: “cờ hồng phấp phới”, ý là, tông này có gia phong, tông chỉ tác dụng của ngôn ngữ đốn cơ. Tiếp hóa người học không cần nhiều lời mỏi miệng, chỉ trong một câu ngắn gọn, vượt ngoài ngôn ngữ ý niệm, không chấp vào cái thấy phàm tình, núi cao vực thẳm, ngắn gọn trong sáng, cởi mở thẳng thắn.

5. Tông Pháp Nhãn :

Do người sáng lập ra tông này là thiền sư Văn Ích sau khi viên tịch được vua Lý đời Nam Đường ban cho hiệu là thiền sư Pháp Nhãn, cho nên người đời sau gọi Tông này là “tông Pháp Nhãn”.

Văn Ích (885 – 958), đời thứ 8 dòng họ Thanh Nguyên. Người ở Dư Hàng, họ Đán. Năm 7 tuổi xuất gia theo thiền sư Toàn Vĩ ở thiền viện Tân Định Trí Thông, đến lễ bái thiền sư Quế Thâm tại chùa La Hán - Đàm Châu; sau trụ ở thiền viện Thanh Lương - Kim Lăng (nay là Nam Kinh tỉnh Giang Tô), xưa nay được xưng là “Thanh Lương Văn Ích”. Lúc tông Pháp Nhãn thành lập, các tông phái khác đã hình thành từ lâu rồi, và bắt đầu xuất hiện nhiều lệch lạc, vì thế Văn Ích viết quyển “luận 10 điều của tông môn” để chỉ ra 10 điều tệ hại tồn tại trong thiền tông đương thời, và đề ra nguyên tắc “tất cả hiện thành” và chủ trương “lý sự không hai, cốt ở chỗ viên dung”, “không chấp trước tìm cầu bên ngoài, tất cả đều do tâm tạo.” Tông phong của tông Pháp Nhãn chỗ giản đơn rõ ràng gần giống như Vân Môn, chỗ ẩn mật gần giống như Tào Động. Trong “Ngũ Gia Tham Tướng Yếu Lộ Môn” viết : “tông Pháp Nhãn đầu tiên lợi ích tế độ”, bàn thẳng đến sự đấu cơ sắc bén, đó là gia phong của tông Tào Động. Ngay trong một câu có thể thấy rõ, suốt thấu dưới ánh mặt trời, tùy đối tượng mà đưa ra cơ phong thích hợp, tiếp cơ tự tại, cho nên gọi là “tiên lợi tế”. Trong “Qui Tâm Lục” viết : “Tông phong của Pháp Nhãn, cho thuốc đúng bệnh, đúng cơ thuận lợi, trừ sạch cái thấy biết phàm tình”. Vào thời Sơ Tống tông Pháp Nhãn phát triển đến cực thịnh, rồi dần dần suy vi, đến thời Trung Tống thì cành lá cũng chấm dứt, thời gian kéo dài chưa tới 100 năm.

Thiền tông phát triển đến thời đại nhà Tống vẫn còn là thời kỳ hưng thịnh.

Sự phát triển rầm rộ của Thiền tông thời nhà Tống chủ yếu biểu hiện ở chỗ xuất hiện “Đăng Lục” và “Ngữ Lục”. “Ngữ Lục” của Thiền tông vào thời đại nhà Đường đã có, thời nhà Tống lại càng nhiều hơn. Nhưng “Đăng Lục” của Thiền tông chỉ được sáng tác vào thời đại nhà Tống, chủ yếu có “Cảnh Đức Truyền Đăng Lục” 30 quyển, do Đạo Nguyên đời Tống biên soạn. “Liên Đăng Hội Yếu” 3 quyển, do Ngộ Môn đời Tống biên tập. “Ngũ Đăng Hội Nguyên” 20 quyển, do Phổ Tế đời Tống biên tập. “Cổ Tôn Túc Ngữ Lục” 48 quyển do Trách Tạng đời Tống chủ biên. Một số lượng lớn Đăng lục xuất hiện, đã phản ánh Thiền tông do không dùng văn tự mà chuyển biến thành đại lập văn tự. Văn tự thiền và Khán thoại thiền rất thịnh hành. Nhưng loại văn hóa này hoàn toàn không phải trái ngược với giáo nghĩa trong tông chỉ cơ bản của thiền sư Huệ Năng. Đại lập văn tự cũng vẫn là ở trong nguyên tắc “bất lập văn tự”, lợi dụng văn tự làm công cụ dẫn dắt. Tham thoại đầu trong khán thoại thiền tức là lấy việc tham “những lời không thể giải thích” làm phương pháp dẫn dắt, mục đích cuối cùng là phá trừ vọng niệm, đạt được minh tâm kiến tánh (có giải thích ở sau). Vì thế, thiền tông đời nhà Tống vẫn đang tiếp tục phát triển.

Thiền Tông triều đại nhà Tống kế thừa phái Lâm Tế trong Ngũ Gia Tông Phái, tiếp tục truyền thừa, sau đó lại phát triển thành hai phái Dương Kỳ và Hoàng Long, sau này gọi là Ngũ Gia Thất Phái. Dưới đây giới thiệu sơ lược về hai phái.

1. Phái Dương Kỳ :

Phái Dương Kỳ là một chi phái của tông Lâm Tế. Do người sáng lập ra phái này là thiền sư Phương Hội thiết lập đạo tràng thuyết pháp ở núi Dương Kỳ-Viên Châu (nay là phía Bắc huyện Bình Hương tỉnh Giang tây), nên người đời sau gọi là phái Dương Kỳ.

Thiền sư Phương Hội (992-1046) người ở Nghi Xuân – Viên Châu, ngài họ Lãnh, đời thứ 8 của dòng Lâm Tế, đắc pháp từ thiền sư Thạch Sương Sở Viên đệ tử truyền pháp đời thứ 6 của thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền. Lần lượt khai đường thuyết pháp ở núi Dương Kỳ - Viên Châu và núi Vân Cái - Đàm Châu. Tư tưởng của phái này được phản ánh trong “Cổ Tôn Túc Ngữ Lục” và “Hội Hòa Thượng Ngữ Lục”. Tư tưởng cơ bản của phái này dựa theo Lâm Tế Chánh Tông, nhấn mạnh ở chỗ “tất cả thành tựu trong hiện tại”, “Một là tất cả, tất cả là một”, “một hạt bụi vừa đưa lên, đại địa gồm thâu trong đó”. Tông phong này mang đầy đủ phong cách của cả hai tông Vân Môn và Lâm Tế. Đương thời tôn xưng thiền sư Phương Hội kiêm trưởng bối Bách Trượng Hoài Hải và Hoàng Bá Hi Thiên, đều đạt được đại cơ đại dụng của Mã Tổ, nên nói tông này như Rồng. Trong “Cổ Tôn Túc Ngữ Lục” ghi: “yếu chỉ của Dương Kỳ, muôn Thánh đều dụng. Ban khắp đại chúng, quả nhiên hết sáng. Một lời của Dương Kỳ, đều được tròn đầy. Nếu ai bàn luận thật là muôn vàn.”

Nhân vật trong phái Dương Kỳ Phương Hội rất nhiều, người có nhiều ảnh hưởng nhất đó là Pháp Diễn đệ tử truyền thừa của thiền sư Phương Hội; đệ tử của Pháp Diễn, một vị trong “ba Phật” là Phật Quả Khắc Cần; và truyền đến Tông Cảo đệ tử của Khắc Cần. Khắc Cần viết quyển “Bích Nham Lục”, Tông Cảo đề xướng “khán thoại thiền”. Vào hai triều đại Tống Nguyên, Thiền pháp của phái này được một truyền nhân Nhật Bản sáng lập thành một phái khác, vào thời đại Liêm Thương ở Nhật Bản, trong 24 phái của Thiền tông, thì có 12 phái xuất phát từ pháp hệ Dương Kỳ.

2. Phái Hoàng Long.

Phái Hoàng Long cũng là một chi phái của Tông Lâm Tế, người khai sáng là Huệ Nam, hoằng pháp ở núi Hoàng Long - Long Hưng (nay là thành phố Nam Xương tỉnh Giang Tây) nên đời sau gọi phái này là phái Hoàng Long.

Thiền sư Hoàng Long Huệ Nam (1002 – 1069), đời thứ 8 từ Lâm Tế xuống, là con nhà họ Chương ở Ngọc Sơn - Tín Châu (nay là huyện Ngọc Sơn tỉnh Giang Tây). Ngài xuất gia năm 11 tuổi, 19 tuổi thọ giới cụ túc. Theo thiền sư Lặc Đàm Hoài học thiền Vân Môn, được Lặc Đàm ấn chứng, cho lập tòa riêng tiếp độ chúng Tăng, danh tiếng vang xa. Sau vân du khắp nơi. Năm thứ 3 niên hiện Cảnh Khẩu đời nhà Tống (1036) chấn hưng thiền tông ở núi Hoàng Long - Long Hưng và tự nói rằng: “Hoàng Long ra đời, đương thời vận suy, đánh lại tiếng trống pháp đang suy đồi, chỉnh đốn lại huyền cương đã bại hoại.” Pháp tịch của ngài hưng thịnh một thời.

Truyền pháp của Hoàng Long có “Hoàng Long Tam Quan” (giải thích ở sau). Thiền sư Hoàng Long Huệ Nam ban đầu học thiền Vân Môn, được Thiền sư Vân Phong Văn Duyệt chỉ điểm, lại tham học với Thiền sư Thạch Sương mà đại ngộ, ngài hiểu rõ được việc dùng ngôn từ cứng nhắc mà dạy cho người khác là sai lầm. Nhưng trên phương pháp hướng dẫn vẫn là tham học tông phong Vân Môn. Nơi tu học của ngài rất nghiêm khắc, người ta ví như hổ. Phái Hoàng Long lưu truyền rộng rãi nhất có ba hệ Tổ Tâm, Khắc Văn, Thường Tổng. Hệ Tố Tâm sau truyền qua Nhật Bản. Phái Hoàng Long từ hưng thịnh đến suy vong chỉ trong vòng hơn 100 năm.

Đầu thời Minh, Thiền tông vô cùng phát triển, trung kỳ trở về sau vẫn còn hưng thịnh. Cuối thời Minh, Sĩ đại phu đã lục tục bỏ thiền, ảnh hưởng của thiền tông lại có phần rộng lớn. Thiền Tông trong thời đại nhà Minh, trong năm tông chỉ có hai phái Lâm Tế và Tào Động vẫn còn qui mô nhất định, còn ba phái kia đã sớm bị chôn vùi. Những nhân vật tiêu biểu cho Tông Lâm Tế vào đời nhà Minh có Đức Bảo (1512 – 1581), ông viết bộ “Tiếu Nham Tập” 4 quyển. Về phương diện tu tập, Đức Bảo đổi tham thiền của Thiền tông thành “niệm” Thiền. Viên Ngộ (1566-1642) hiệu là Mật Vân, đệ tử Đạo Trai biên tập ngữ lục của ngài thành “Thiên Đồng Mật Vân Ngộ Thiền Sư Ngữ Lục” 13 quyển. Viên Ngộ đổi “tham” thiền, “niệm” thiền thành “khán” thiền, thiền pháp cũng sáng tạo mới mẽ khác người. Pháp Tạng (1573 – 1635) có trước tác “Ngữ lục” 30 quyển, giải thích về quan điểm và thiền pháp của thiền tông truyền thống, biểu hiện rõ kiến giải độc đáo sáng tạo, như đều có những kiến giải của mình về Tổ sư thiền, Như Lai thiền, khán thoại đầu, thiền cơ… Những nhân vật đại biểu cho tông Tào Động thời nhà Minh chủ yếu là Huệ Kinh (1548 – 1618), hiệu là Nguyên Minh, ngài họ Bùi. Được xưng là cao tăng “trung hưng” tông Tào Động. Thiền pháp của ngài chủ yếu là nhấn mạnh “khán thoại đầu.”

Thiền Tông đời nhà Thanh vẫn còn có ảnh hưởng khá lớn. Thiền tông đời nhà Thanh cũng giống như đời nhà Minh, vẫn là truyền thừa của Tông Lâm Tế và Tông Tào Động. Những nhân vật đại biểu cho thời kỳ này có Hữu Thông (1614-1675) Ẩn Nguyên (1592-1673), lúc về già nhận lời thỉnh cầu của Nhật Bản và đã trở thành vị tổ khai sáng tông Hoàng Bá ở Nhật Bản. Đạo Trai (1592-1674) viết bộ “Thiền Đăng Thế Phổ” 9 quyển, Đạo Hùng (1598-1673) viết bộ “Giáo Ngoại trực chỉ”. Từ thời Minh Thanh trở về sau, thiền tăng các phái đua nhau soạn Đăng Lục, Thế Phổ, phong khí thịnh hành, các loại Đăng Lục, Thế Phổ sách vở rất nhiều, không sao kể xiết.

Liên Hải dịch

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này