Phật Giáo Việt Nam - 8 vấn đề đầy trăn trở về GHPGVN
01:14 +07 Chủ nhật, 28/04/2024

8 vấn đề đầy trăn trở về GHPGVN

Chủ nhật - 11/03/2012 01:39
(HDPT) - Tăng ni, phật tử có nhận thức và tư duy đúng đắn để có những hoạt động Phật sự ích đời lợi đạo thực sự chứ không phải là khẩu hiệu hình thức mị dân, mị chính trị về phương châm hoạt động của tổ chức mình.
 

 


 

Căn cứ Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và thực hiện Thông tư hướng dẫn của Trung ương Giáo hội, các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong cả nước đã và đang tổ chức Đại hội đại biểu cấp huyện hội, tỉnh hội để tiến tới Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VII vào tháng 11 năm 2012.
 
Đây là Phật sự quan trọng đối với Tăng ni, Phật tử Việt Nam ở trong nước và ở nước ngoài cũng như sự quan tâm của cộng đồng xã hội đối với tổ chức Giáo hội được hình thành trên cơ sở hợp nhất 09 tổ chức hệ phái Phật giáo trong cả nước vào năm 1981 và tiếp tục kế thừa lịch sử 2000 năm Phật giáo Việt Nam.
 
Do đó Đại hội VII có một ý nghĩa hết sức quan trọng trong việc đánh giá những kết quả thành tựu Phật sự 5 năm qua, định hướng chương trình hoạt động Phật sự trong 5 năm tới, suy cử thành phần nhân sự Hội đồng Trị sự và các chức danh của Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự nhiệm kỳ (2012-2017) và một số nội dung chương trình nghị sự khác.
 
Đại hội Đại biểu các cấp Giáo hội Phật giáo Việt Nam nhiệm kỳ (2012-2017) diễn ra trong bối cảnh đất nước trải qua gần 30 thực hiện chính sách đổi mới toàn diện đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên tất cả các lĩnh vực đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng, ngoại giao. Đó là những kết quả chung của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện mục tiêu nhiệm vụ xây dựng phát triển và bảo vệ đất nước dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
 
Đặc biệt, Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa long trọng tổ chức các hoạt động Phật sự thiết thực chào mừng kỷ niệm 30 năm thống nhất các tổ chức hệ phái Phật giáo trong cả nước thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam (07/11/1981-07/11/2011), đây là dịp để Tăng ni, Phật tử cả nước cũng như các cấp Giáo hội có điều kiện nhìn lại chặng đường xây dựng và phát triển của tổ chức Giáo hội trên cơ sở những lý luận và thực tiễn biện chứng khoa học, khách quan, chủ quan về những Phật sự đạt được, chưa đạt được, để tiếp tục phát huy những thành tựu và khắc phục những yếu kém, hạn chế trong suốt chặng đường 30 năm qua.
 
Tuy nhiên, qua các bản báo cáo trình trước đại lễ kỷ niệm 30 năm thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam vừa qua từ trung ương hội đến giáo hội các địa phương cũng như một số giáo hội địa phương tổ chức đại hội gần đây đều chưa quan tâm đến những hạn chế yếu kém đối với công tác tổ chức và công tác nhân sự của các cấp giáo hội từ trung ương đến địa phương như thế nào.
 
Đây là những vấn đề then chốt bảo đảm sự phát triển và đáp ứng yêu cầu của tình hình mới hiện nay cả về đạo pháp và dân tộc, cả phạm vi trong nước và phạm vi quốc tế mà bất kể một cơ quan tổ chức, đoàn thể nào cũng phải quan tâm đến công tác tổ chức và công tác nhân sự.
 
Công tác tổ chức là công tác đặc biệt bao hàm những nội dung liên quan đến nguyên tắc hoạt động của tổ chức như thế nào; hệ thống tổ chức đó được thể hiện ra sao; cơ cấu tổ chức và biên chế của cơ quan đó được sắp đặt theo mô hình nào, cũng như những nguyên tắc vận hành và mối liên hệ phối kết hợp trong và ngoài hệ thống tổ chức. Công tác nhân sự là công tác có tính hệ thống liên quan đến con người từ khâu đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, lựa chọn, sắp xếp vị trí công tác cũng như cơ chế chính sách trong việc sử dụng nguồn nhân lực đối với mỗi cơ quan tổ chức, thông qua đó phát huy năng lực có tính chuyên môn của từng cá nhân con người có khả năng trong quá trình thực hiện chức năng nhiệm vụ. Đó là những nội dung căn bản nhất đối với công tác tổ chức và công tác nhân sự mà chúng ta cần phải quan tâm giải quyết.
 
Những nội dung liên quan đến công tác tổ chức của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã được thể hiện căn bản trong bản Hiến chương (điều lệ) của tổ chức và quy chế hoạt động của Ban Thường trực Hội đồng Trị sự, Ban Trị sự Tỉnh, Thành hội và Ban đại diện Phật giáo các quận huyện hội, cũng như nội quy hoạt động của các ban, viện trực thuộc Hội đồng trị sự.
 
Song một thực trạng hiện nay là công tác tổ chức của Giáo hội mới chỉ đạt được về mặt hình thức và mô hình (lý thuyết), còn nội dung và chất lượng (thực tế) của nó chưa đạt được những yêu cầu của công tác tổ chức đặt ra và đó là nguyên nhân trực tiếp đã và đang tác động đến sự tồn tại và phát triển của tổ chức Giáo hội non trẻ này.
 
Giáo hội Phật giáo Việt Nam ra đời tại Hội nghị Đại biểu thống nhất Phật giáo Việt Nam tổ chức vào tháng 11 năm 1981 tại Thủ đô Hà Nội, trên cơ sở 09 tổ chức hệ phái Phật giáo có mặt tại Việt Nam lúc đó. Hội nghị đã thông qua Hiến chương (điều lệ), trong đó đã xác định nguyên tắc thống nhất của tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam là: thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức. Đồng thời vẫn tôn trọng và duy trì các truyền thống hệ phái, cũng như các pháp môn và phương tiện tu hành đúng chính pháp. Phương châm hoạt động của giáo hội là “đạo pháp – dân tộc – chủ nghĩa xã hội” và dựa trên nguyên tắc tuân thủ luật Phật và pháp luật Nhà nước.
 
Đây chính là những nguyên tắc căn bản nhất của tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã được xác định rõ ràng và đến nay dù đã trải qua 30 năm thành lập với 06 lần đại hội đại biểu toàn quốc, 04 lần tu chỉnh hiến chương và nguyên tắc căn bản này vẫn tiếp tục được khẳng định như là nền tảng, kim chỉ nam xuyên suốt trong quá trình tổ chức và thực hiện các hoạt động Phật sự của Giáo hội trong thời gian qua.
 
Tuy nhiên, trước sự thay đổi không ngừng của đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội trong phạm vi đất nước cũng như thế giới đã và đang tác động ảnh hưởng trực tiếp đối với tất cả chúng ta. Những nguyên tắc căn bản của Giáo hội Phật giáo Việt Nam như đã nêu trên đang thu hút sự chú ý của nhiều thành phần xã hội trong nước cũng như ở nước ngoài và đang đặt ra nhiều vấn đề cần phải bàn thảo và xem xét lại, đặc biệt trước thời điểm diễn ra Đại hội Đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam lần thứ VII, tổ chức vào cuối năm 2012, trong đó có nội dung sửa đổi hiến chương, chúng tôi nêu những vấn đề này để quý vị lãnh đạo Giáo hội cũng như những ai quan tâm cùng chia sẻ vấn đề này.
 
Thứ nhất: với nguyên tắc thống nhất ý chí và hành động, thống nhất lãnh đạo và tổ chức, tôn trọng và duy trì các truyền thống hệ phái, pháp môn, phương tiện tu hành đúng chính pháp. Chúng tôi cho rằng đây chỉ là những nguyên tắc mang tính hình thức chung chung, còn những quy định cụ thể mang tính thể chế hóa nguyên tắc này lại không có, cho nên không củng cố được ý chí và hành động, không thống nhất lãnh đạo và tổ chức, mà các tổ chức, hệ phái tham gia thống nhất thành lập giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như mỗi cá nhân là thành viên của tổ chức đã và đang chỉ coi Giáo hội Phật giáo Việt Nam là bình phong, là cái vỏ bọc bên ngoài để chuẩn bị mọi phương diện cần thiết khi thời cơ đến là tái thành lập tổ chức, hệ phái của mình, thậm chí là hình thành một hệ phái Phật giáo mới.
 
Chúng ta hãy quan sát và suy nghĩ một thực tế thời gian qua và hiện nay, trong quá trình vận động thống nhất các tổ chức hệ phái Phật giáo ở Việt Nam năm 1980, căn bản các tổ chức hệ phái và chức sắc, tín đồ của các tổ chức Phật giáo đều tham gia và nhất trí cao việc thống nhất và thành lập nên Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Bên cạnh đó, cũng không phải là ít cơ sở thờ tự, nhiều chức sắc tu hành và nhiều tín đồ đã đứng ngoài cuộc và nhất quyết không gia nhập và như vậy Phật giáo trong nước từ năm 1981 đến nay đã đương nhiên tồn tại mà có người gọi là “Phật giáo Nhà nước’ và “Phật giáo ngoài Nhà nước”.
 
Thậm chí có những địa phương vì vấn đề này đã trở thành điểm nóng của tình hình trong nước và có tai tiếng ở quốc tế vì giữa hai tổ chức Phật giáo này.
 
Mặc dù Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam được Nhà nước công nhận: Giáo hội Phật giáo Việt Nam là Giáo hội đại diện cho Phật giáo Việt Nam trong mọi quan hệ trong nước và quốc tế. Song đến nay liên quan đến Phật giáo, Nhà nước đã công nhận tổ chức Phật giáo Hòa Hảo (1999); Tịnh Độ Cư sỹ (2007); Tứ Ân Hiếu nghĩa (2010); Bửu Sơn Kỳ Hương (2007)…
 
Vậy, giáo hội Phật giáo Việt Nam có còn là tổ chức giáo hội duy nhất đại diện cho Tăng ni, Phật tử Việt Nam trong nước và ngoài nước nữa không?
 
Rồi một hiện thực nữa là có những vị hiện đang là chức sắc trong tổ chức trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã và đang có xu hướng củng cố tăng ni, tín đồ, phật tử, cơ sở tự viện cũng như tư tưởng giáo lý, giáo luật, giáo lễ với danh nghĩa là truyền thống của tổ đình, sơn môn, hệ phái.
 
Có những vị Tăng ni theo truyền thống hệ phái này hệ phái kia, đến địa phương khác nhận chùa làm trụ trì. Để tiếp cận cho thuận lợi với việc hoàn tất thủ tục hành chính, hòa hợp với truyền thống của nhân dân tín đồ địa phương, quý vị tăng ni sẵn sáng thay hình đổi dạng, để sớm hoàn tất mọi quy định bước đầu của tổ chức Giáo hội và cơ quan quản lý Nhà nước về tôn giáo tại địa phương.
 
Khi đã hoàn tất thủ tục bổ nhiệm trụ trì, quý vị tăng ni tuyên truyền với nhân dân, tín đồ phật tử hành trì theo trường phái của mình, rồi tiến hành tổ chức trùng tu tôn tạo cơ sở thờ tự theo lối kiến trúc của hệ phái và thay đổi cả tên của cơ sở thờ tự.
 
Những vấn đề nêu trên đã và đang diễn ra và ngày một sâu sắc, làm cho nội bộ tổ chức Giáo hội âm thầm phân hóa, dẫn đến sự mất hoàn kết trước hết trong Tăng ni, Phật tử và sau là ảnh hưởng đến cộng đồng xã hội. Đó chính là nguy cơ phá vỡ nguyên tắc thống nhất tổ chức giáo hội Phật giáo Việt Nam trong một tương lai gần.
 
Thứ hai:  phương châm hoạt động “đạo pháp – dân tộc – chủ nghĩa xã hội” cũng đang là nguyên do của nhiều đả kích, phê phán, tẩy chay của một bộ phận Tăng ni, Phật tử và một số thành phần khác trong xã hội.
 
Có người cho rằng phương châm chỉ cần xác định đạo pháp với dân tộc là đủ, hoặc đạo pháp với thời đại, thậm chí có người khẳng khái nói rằng tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng không thể đồng hành với chủ nghĩa xã hội. Những quan điểm này cũng đã xuất hiện cách đây đã lâu rồi chứ không phải bây giờ mới xuất hiện.
 
Trong quá trình vận động thống nhất Phật giáo trước năm 1981, nhiều vị Tăng ni, Phật tử trong các tổ chức hệ phái Phật giáo lúc đó cũng đã bị ảnh hưởng, phân vân về việc lựa chọn phương châm hoạt động này, có người trung ngôn đã kịch liệt phản đối, có người thì lặng yên để cho xong chuyện.
 
Và đến nay sau 30 năm lại rầm rộ phê phán đến từ nhiều vị Tăng ni, Phật tử, cư sĩ, thậm chí là có cả những vị làm công tác trong hệ thống chính trị cũng suy nghĩa và cho rằng cần phải xem xét thay đổi nội dung này.
 
Phật giáo vốn không tách khỏi cuộc sống nhân gian, điều đó đã được thể hiện xuyên suốt trong hệ thống giáo lý và đã được chứng minh trong suốt lịch sử 2000 năm Phật giáo đồng hành với dân tộc Việt Nam, đặc biệt trong suốt 30 năm qua, nhờ phương châm đó mà Phật giáo đã có chỗ đứng trong lòng xã hội và đã làm được nhiều thành tựu đóng góp chung cho đất nước.
 
Đây là những vấn đề thuộc về lý luận và thực tiễn cần phải làm sáng tỏ trước hết trong hệ thống tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam, thông qua đó tăng ni, phật tử có nhận thức và tư duy đúng đắn để có những hoạt động Phật sự ích đời lợi đạo thực sự chứ không phải là khẩu hiệu hình thức mị dân, mị chính trị về phương châm hoạt động của tổ chức mình.
 
Thứ ba: trong quá trình tổ chức và hoạt động, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tuân thủ luật Phật và pháp luật Nhà nước. Pháp luật Nhà nước thì đã rõ ràng, chúng ta là tổ chức, là công dân thì phải tuân thủ. Luật Phật chế lại không cụ thể, nên không được thực thi trong tổ chức hoạt động hành chính đạo của tổ chức Giáo hội.
 
Vì thế mà suốt 30 năm qua bộ máy hành chính đạo của tổ chức Giáo hội vận hành không có hiệu quả và đó là những nguyên nhân làm cho tổ chức giáo hội thiếu quy phạm trong quan hệ hành chính đạo. Để Luật Phật không chỉ là giới kinh được tuyên đọc trong những ngày bá tát theo nghi thức tụng giới thì những vấn đề liên quan đến Luật Phật chế cần phải được cụ thể hóa và ứng dụng trong công tác hành chính đạo của tổ chức giáo hội.
 
Thứ tư: trụ sở của tổ chức hành chính Giáo hội hiện nay từ trung ương giáo hội đến giáo hội các địa phương đều không có một cấp nào có một trụ sở giáo hội ngang tầm với danh xưng của nó.
 
Trung ương Giáo hội được đặt tại chùa Quán Sứ, Hà Nội và là nơi điều hành chính của Văn phòng I Trung ương và Văn phòng II đặt tại Thiền viện Quảng Đức, thành phố Hồ Chí Minh. Đây là hai trụ sở tương đối độc lập trong công tác điều hành và quản lý các hoạt động Phật sự, song chưa đáp ứng yêu cầu của một trụ sở trung ương, đầu nào của tổ chức giáo hội cả nước.
 
Chùa Quán Sứ trải qua hàng trăm năm xây dựng và phát triển đều là trung tâm Phật giáo chung của miền Phật giáo miền Bắc trước đây và sau này là Phật giáo cả nước. Tuy nhiên, một trụ sở của tổ chức giáo hội với 58 tỉnh thành hội, 11 ban ngành Phật chuyên ngành hoạt động và Văn phòng Trung ương thì chùa Quán Sứ không đáp ứng được những yêu cầu của một trụ sở của Phật giáo cả nước. Nhìn bề thế, cơ ngơi là vậy, song cung cách quản lý lại không tập trung và thiếu thống nhất, cho nên lâm vào tình trạng là “nhiều sư nhiều vãi không người đóng cửa chùa”, rồi nhiều vấn đề bất cập giữa công tác hành chính Giáo hội và phục vụ tín ngưỡng của chùa. Cho nên có thể nói là chùa Quán Sứ ngày nay quá hạn chế trên mọi phương diện.
 
Thiền viện Quảng Đức trong mấy năm nay được đầu tư nâng cấp nên có phần cơ ngơi khang trang hơn, nề nếp làm việc cũng tốt hơn. Song đó cũng chỉ là Văn phòng II trung ương giáo hôi mà thôi.
 
Chính vì trụ sở của Giáo hội không đáp ứng được yêu cầu của một trụ sở trung ương giáo hội, nên hầu hết là các thành viên trong ban lãnh đạo từ Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự và các ban ngành viện trực thuộc trung ương không có nơi làm việc tại trụ sở, quý vị đành phải sử dụng ngôi chùa làng, chùa phố do bản thân quý vị tu hành trụ trì để lấy chỗ đi lại và hội họp cho các ban ngành của mình.
 
Cho nên Giáo hội đã sinh ra một mô hình mới là “lãnh đạo ở đâu thì trụ sở ở đó”. Và đây là nguyên do dẫn đến công tác điều hành các công tác Phật sự của Giáo hội trong phạm vi toàn quốc không được tập trung, hiệu quả hoạt động Phật sự của ban ngành viện trung ương không có kết quả.
 
Chung cảnh với trụ sở trung ương giáo hội thì trụ sở của các tỉnh, thành hội và quận huyện hội cũng tương tự và có phần bi đát hơn rất nhiều. Là vì trong quá trình xúc tiến thành lập tổ chức giáo hội các địa phương, hầu hết là quý vị Tăng ni trụ trì và được dự kiến làm lãnh đạo đều sẵn sàng là sử dụng ngôi chùa của quý vị làm trụ sở của giáo hội và mọi người đều coi đây là thuận duyên và quyết định như vậy.
 
Song quý vị lãnh đạo của tỉnh, huyện đó viên tịch, hoặc không tham gia lãnh đạo Ban Trị sự, Ban đại diện nữa thì lại không tạo điều kiện cho việc sử dụng ngôi chùa đó làm trụ sở nữa. Và như thế là chủ trương “tân lãnh đạo tân trụ sở” là vậy.
 
Thứ năm: Giáo hội Phật giáo Việt Nam có 03 cấp hành chính: trung ương; tỉnh và huyện. Song với nguyên tắc tổ chức giáo hội như trên trình bày, hệ thống tổ chức giáo hội hiện nay quá lỏng lẻo về nguyên tắc tổ chức, hoạt động Phật sự quá yếu kém và không đáp ứng được những yêu cầu của tình hình mới.
 
Hội đồng Chứng minh với chức năng nhiệm vụ làm chỗ dựa tinh thần “đạo pháp” cho Tăng ni, Phật tử nương theo, cho nên chư tôn đức thành viên trong Hội đồng đều là những vị ở tuổi xưa nay hiếm. Trong các kỳ đại hội, hội nghị của trung ương quý ngài hiện diện để chứng minh các hoạt động Phật sự và ban đạo từ động viên tăng ni, phật tử tinh tấn làm phật sự ích đạo lợi đời.
 
Hội đồng Trị sự là cấp điều hành cao nhất của giáo hội về các mặt hoạt động của giáo hội giữa hai kỳ đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc, với chức năng nhiệm vụ là ấn định chương trình hoạt động Phật sự trong năm theo tinh thần nghị quyết và chương trình hoạt động Phật sự đã được đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc thông qua, rồi đôn đốc kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình đó. Giúp Hội đồng trị sự là có một Ban Thường trực Hội đồng Trị sự với quý vị chủ chốt và 11 ban ngành viện trực thuộc trung ương hoạt động chuyên ngành theo quy định của giáo hội.
 
Nhiệm vụ và chức năng to lớn là vậy, bộ máy điều hành đầy đủ vị trí và hoành tráng là thế, song hình như đây mới chỉ là những sa ban biểu diễn với cộng động xã hội và tương lai sẽ được triển khai hoạt động là như thế.
 
Tại Hội nghị Thống nhất Phật giáo năm 1981, giáo hội mới thành lập có 6 ban ngành viện chuyên ngành, thì nay đã có 10 ban ngành viện chính thức và 01 ban mới thành lập theo nghị quyết của trung ương giáo hội năm 2010. Rồi các ban ngành viện đòi hỏi phải có con dấu riêng để chủ động triển khai các chương trình hoạt động Phật sự, Nhà nước cũng chấp thuận tạo điều kiện chấp thuận cấp mỗi ban ngành viện một con dấu tròn.
 
Song đến nay kiểm điểm lại các ban ngành viện hầu hết mới sử dụng con dấu để đóng giấy mời ra mắt nhân sự của ban ngành viện mình sau mỗi kỳ đại hội, hoặc có ban mạnh mẽ hơn là tổ chức vài lần hội thảo ở bắc trung nam để thu thập tư liệu rồi nghiên cứu biện pháp hoạt động Phật sự của ban ngành viện mình trong nhiệm kỳ kế tiếp.
 
Ban Trị sự tỉnh thành hội và Ban đại diện quận huyện hội cũng nằm trong tình trạng chung là như vậy. Ngày đầu mới thành lập giáo hội, cả nước có trên 20 tỉnh thành hội, đến nay phát triển lên đến 58/63 tỉnh thành hội trong cả nước. Nhìn vào con số cứ tưởng rằng là giáo hội đã và đang phát triển, nhìn vào thực tế thì mới hay là đó mới chỉ là số lượng và chất lượng các hoạt động Phật sự chưa có.
 
Nhà nước tạo điều kiện để giáo hội kiện toàn tổ chức và phát triển nhân sự để xúc tiến thành lập tổ chức Phật giáo theo địa giới hành chính, song khi thành lập xong rồi thì một số tổ chức giáo hội địa phương mất đoàn kết nội bộ, không hoạt động gì, thậm chí có địa phương cả một nhiệm kỳ không tổ chức hội họp triển khai công tác Phật sự, không báo cáo sơ kết, tổng kết, giáo hội trung ương cũng không hề hay biết, hoặc có biết cũng chỉ nghe vậy thôi.
 
Tình hình thực tế đối với hệ thống tổ chức giáo hội là vậy, tuy nhiên khi nghe báo cáo nhiều vị lãnh đạo từ trung ương đến địa phương đều cảm thấy lạc quan hoan hỷ về những tổng hợp báo cáo kết quả của các ban ngành, viện, tỉnh, thành hội và quận huyện hội. Cứ mỗi dịp sơ kết, tổng kết Phật sự, Ban đại diện Phật giáo gọi điện hỏi chùa này chùa kia đã làm được gì rồi tổng hợp thành báo cáo của quận huyện, Ban Trị sự tỉnh thành hội lại lấy kết quả báo cáo của các quận huyện hội thành báo cáo của tỉnh thành hội và Hội đồng Trị sự trung ương lại lấy báo cáo từ các ban ngành viện trực thuộc và các tỉnh thành hội thành báo cáo cả nước.
 
Với mô hình này, kết quả công tác Phật sự trong suốt thời gian qua chính là kết quả hoạt động Phật sự của Tăng ni, Phật tử hiện đang trụ trì, sinh hoạt tại các cơ sở tự viện – một cấp không phải là hành chính theo hiến chương giáo hội. Còn những cấp được gọi là hành chính có tên có tuổi, có con người mà tăng ni, phật tử trao quyền, trao vị trí thì lại ngồi yên.
 
Thật là không công bằng, khen thưởng thì lãnh đạo hưởng, việc làm hàng ngày để tạo nên thành tích của Tăng ni Phật tử thì lại không quan tâm.
 
Vậy vấn đề đặt ra là có nhất thiết phải là cứ nhiều cấp hành chính trong tổ chức giáo hội mới là hiệu quả hay không có hiệu quả? Nhà nước cũng đã và đang thí điểm việc xóa bỏ một số cấp hành chính trung gian, như xóa bỏ Hội đồng nhân dân cấp xã và cấp huyện. Giáo hội hãy coi đây là kinh nghiệm để xem xét hệ thống tổ chức hành chính của mình cho hiệu quả.
 
Thứ sáu: hệ thống tổ chức hành chính của giáo hội hiện nay quá cồng kềnh, không hiệu quả, không thích ứng với tình hình hiện nay.
 
Ban Thường trực Hội đồng Chứng minh do Hội đồng Chứng minh suy cử với các chức danh: Pháp chủ, Phó Pháp chủ, giám luật và chánh phó thư ký. Ngôi vị là vậy, nhưng thực tế cũng như những thành viên Hội đồng Chứng minh khác, vì quý vị đều là cao niên lạp trưởng, tuổi cao sức yếu và lại thiếu công cụ để thực hiện chức năng nhiệm vụ của mình.
 
Ban Thường trực Hội đồng Trị sự do Hội đồng Trị sự suy cử với chức năng nhiệm vụ thay mặt Hội đồng Trị sự điều hành các hoạt động chung của giáo hội trong phạm vi cả nước giữa các kỳ họp của Hội nghị Trung ương. Chức danh Hội đồng Trị sự là Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng – Phó Thư ký, Trưởng Ban viện chuyên ngành và các ủy viên thường trực, thư ký, pháp chế, kiểm soát, thủ quỹ.
 
Căn cứ Hiến chương, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự được coi là bộ phận quan trọng nhất, được Hội đồng Trị sự giao quyền để thay mặt điều hành các hoạt động Phật sự. Song Ban Thường trực Hội đồng Trị sự như hiện nay đều làm việc không tập trung, cho nên không thực hiện được hết chức năng nhiệm vụ của mình mà Hội đồng Trị sự giao phó, mà chủ yếu là nằm trong sự điều hành hành chính của vị Tổng Thư ký thông qua 2 Văn phòng Trung ương. Đây là nguyên do dẫn đến nhiều vấn đề bất cập trong nội bộ tổ chức giáo hội, cả những yếu kém và hạn chế cả về mặt tổ chức và công tác nhân sự.
 
Thứ bảy: nguyên tắc vận hành và mối liên hệ phối kết hợp trong và ngoài hệ thống tổ chức. Hệ thống tổ chức của giáo hội Phật giáo Việt Nam từ trung ương đến giáo hội địa phương là một tổ chức tôn giáo, các cấp điều hành đều của giáo hội đều do đại hội suy tôn, suy cử, thay mặt Tăng ni, Phật tử cả nước để điều hành các hoạt động Phật sự trong đối nội và đối ngoại. Như vậy, nguyên tắc hoạt động của giáo hội là tập trung dân chủ, cá nhân phụ trách, y cứ luật Phật và pháp luật của Nhà nước.
 
Nguyên tắc là vậy, song với những vấn đề bất cập hiện nay của công tác tổ chức giáo hội như trên đã trình bày, thì nguyên tắc tập trung dân chủ, cá nhân phụ trách ở nhiều cấp giáo hội đã không được thực thi, nhiều biểu hiện độc đoán, chuyên quyền và “vấn đề thành tâm cúng dường” đang là những vấn đề làm cho nội bộ tổ chức giáo hội ngày một ảnh hưởng, thậm chí là nhiều biểu hiện xa hoa lãng phí, lợi ích sơn môn, hệ phái, cá nhân, xa rời giới luật đã và đang gây nên sự bức xúc trong tăng ni, phật tử và cộng đồng xã hội.
 
Thứ tám: công tác nhân sự còn nhiều bất cập. Con người là chủ thể để làm nên thành công hay thất bại. Chính vì vậy, trong nhiều năm qua, giáo hội chưa quan tâm lớn đến công tác đào tạo và rèn luyện con người nói chung và đội ngũ nhân sự đảm trách các công tác Phật sự điều hành hoạt động của các cấp giáo hội. Nhân sự ban lãnh đạo từ Hội đồng Chứng minh, đến Hội đồng Trị sự, Ban Trị sự tỉnh, thành hội và Ban đại diện Phật giáo cấp huyện đều là những vị cao niên lạp trưởng, trưởng thành chủ yếu qua nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau và đến nay đều không theo kịp được xu hướng của thời đại.
 
Mặt khác do điều kiện sức khỏe hạn chế, nên rất ngại triển khai các công tác Phật sự. Vấn đề kiêm nhiệm nhiều chức vụ trong một người hiện nay cũng đã và đang là những cản trở cho việc xây dựng và phát triển tổ chức giáo hội, thậm chí là có nguy cơ độc đoán độc quyền và vụ lợi.
 
Sắp xếp nhân sự đảm trách các chức danh, vị trí công tác Phật sự mới chỉ quan tâm đến việc tuần tự, hài hòa vai vế, chứ chưa thực sự quan tâm đến năng lực, khả năng của từng người, nên kìm hãm sự phát triển chung của tổ chức giáo hội.
 
Nhiều trường đào tạo chức sắc tu hành, song lại thiếu cơ sở và cơ chế rèn luyện, nên chất lượng đào tạo Tăng ni không cao. Nhiều cơ sở giáo dục đào tạo đang thay theo số lượng, hình thức mà không quan tâm đến điều kiện tu dưỡng hạnh kiểm của Tăng ni.

 

Trên đây là một số vấn đề có tính chất nội dung nguyên tắc về công tác tổ chức và công tác nhân sự mà giáo hội cần quan tâm giải quyết, để đáp ứng điều kiện phát triển chung của xã hội, đáp lại sự mong đợi của cộng đồng đối với Phật giáo, một tôn giáo luôn đồng hành với dân tộc suốt chiều dài lịch sử, hầu mong quý vị lãnh đạo quan tâm, bạn đọc cùng chia sẻ và phân tích.

 
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này