Hà Nội: Khóa tu lần thứ IV tại Thiền viện Di Đà - Phật Giáo Việt Nam
10:10 +07 Thứ sáu, 03/05/2024

Hà Nội: Khóa tu lần thứ IV tại Thiền viện Di Đà

Thứ năm - 05/04/2012 05:12
Hà Nội: Khóa tu lần thứ IV tại Thiền viện Di Đà

Hà Nội: Khóa tu lần thứ IV tại Thiền viện Di Đà

(HDPT) - Chiều ngày 24/03/2012, tại Thiền viện Di Đà (Thôn Bạch Liên, xã Liên Phương, huyện Thường Tín, Hà Nội) bắt đầu đi vào khóa tu đầu năm 2012 với sự tham dự đông đảo của các thiền sinh từ 9 tỉnh thành thuộc khu vực phía Bắc và ngay địa phương.
 

 

Khóa tu diễn ra từ ngày 24 – 26/03/2012 (Nhằm ngày mùng 2 – 4/03/năm Tân Mão) dưới sự hướng dẫn trực tiếp của TT.Thích Minh Tuân và TT.Thích Chân Quang cùng chư tôn đức Tăng Ni Thiền Tôn Phật Quang.

Sau hơn 2 tháng tạm xa vắng Thiền viện Di Đà, hôm nay các thiền sinh được dịp gặp nhau cùng tu học nên ai nấy đều vui mừng hớn hở. Thật là một dấu ấn khó quên trong lòng Thầy trò và Phật tử bốn phương. Ấn tượng nhất là sự quan tâm đặc biệt của TT.Thích Minh Tuân đối với các Phật tử. Thượng tọa đã tận dụng khoản sân rộng, cố gắng xây dựng một nhà vòm rất kiên cố, tạo nên một Chánh điện mở trông thật trang nghiêm để thiết lập đạo tràng tu Thiền. Các Phật tử ý thức được điều ấy nên cố gắng tranh thủ thời gian trong cuộc sống của mình để tham dự khóa tu đông đủ. Và do Phật tử có nhu cầu tu học nên số lượng thiền sinh mới tham dự ngày càng đông, trong số đó có nhiều gương mặt trẻ.

Có lẻ, cảm ứng đạo giao nan tư nghì, nhờ tấm lòng cao cả vì con đường hoằng dương Phật pháp của Thượng tọa Thiền chủ và nhờ sự ham tu ham học của đại chúng cảm ứng, nên những ngày qua khí trời mát mẻ, không rét lắm, giúp cho các thiền sinh tham dự khóa tu được an tâm hơn.
 
Trong 3 ngày diễn ra khoá tu, dưới sự hướng dẫn của quý thầy, quý sư cô, các thiền sinh nghiêm túc thực hành theo thời khóa lễ Phật, tụng Kinh sám hối, ngồi thiền, kinh hành, tham vấn, tập thể lực, thính Pháp, v.v… Qua những lần tham vấn sau mỗi thời ngồi Thiền, các thiền sinh được TT.Thích Chân Quang giải đáp cặn kẻ, giúp cho đại chúng có cái nhìn sâu sắc hơn về Thiền để mọi người càng nỗ lực tinh tấn hơn trong việc tu tập.
Vào cuối Khóa tu lần này có hơn 400 Phật tử quy y tại Thiền viện Di Đà.
 
Theo thông lệ, vào sáng ngày thứ ba của Khóa tu, các thiền sinh được nghe bài Pháp thoại do TT.Thích Chân Quang đảm trách. Bài Pháp thoại của Khóa tu đầu có tựa đề Ý CHÍ CỦA MỘT NGƯỜI TU THIỀN ĐỊNH để hướng dẫn mọi người dù làm việc gì tuy rất cố gắng nhưng không bốc khởi bản ngã. Nhờ vậy, con đường tu của mình được bền lâu và dễ thành công hơn.
 
Mở đầu bài Pháp thoại, Thượng tọa đề cập có 3 hạng người giữ gìn cho Phật pháp được trường tồn:
 
- Thứ nhất là người có tu chứng tâm linh Thiền định
- Thứ hai là người tuy không chứng được tâm linh Thiền định thì cũng giữ được giới hạnh thanh tịnh.
- Thứ ba là người biết thuyết Pháp.
 
Lý tưởng nhất là ba trong một, tức là một người xuất gia tu hành phải đạt được ba điều đó. Một là tu chứng tâm linh. Hai là giữ được giới hạnh thanh tịnh. Ba là có khả năng thuyết Pháp. Nếu các vị xuất gia mà được như vậy thì Phật pháp rất hưng thịnh.
 
Tiếp theo, Thượng tọa phân tích, dẫn chứng cho thính chúng thấy sức mạnh của Thiền đối với đạo Phật là như thế nào. Qua đó khuyến tấn Chư Tăng Ni, Phật tử phải có quyết tâm phục chấn Thiền phong ở vùng nôi Kinh Bắc này. Phải làm sao cho Phật giáo miền Bắc trở thành Phật giáo Thiền, cả người xuất gia lẫn người tại gia phải hâm mộ tu Thiền. Đó là biểu hiện lòng hiếu kính và đền ơn Chư Tổ của chúng ta trong việc phục hưng đạo Phật.
 
Thượng tọa góp ý trong việc phục chấn Thiền phong của Việt Nam ngày hôm nay không phải ta đi theo đúng khuôn mẫu cả mấy nghìn năm trước của Chư Tổ (vì Thiền Việt Nam của mấy nghìn năm trước kéo dài từ những tông Tì Ni Đa Lưu Chi, Tông Vô Ngôn Thông, Thảo Đường và tới cả Trúc Lâm) mà phải dựng một dòng Thiền như thế nào để có thể dung nhiếp được cả ngàn xưa và ngàn sau. Dòng Thiền đó bao gồm 4 yếu tố:
 
1/ Mang tính tâm linh chứng ngộ của Chư Tổ; 2/ Thiền đó phải phù hợp với con đường Thiền mà Đức Phật đã dạy ở Ấn độ hơn 2.500 năm trước; 3/ Nếu đem những nguyên lý của khoa học, y học vào đối chiếu so sánh, khảo sát thì ta hoàn toàn hợp lý; 4/ Thiền của ta ngày hôm nay phải đáp ứng, hoá giải hoặc giái đáp được những thắc mắc, lý luận, tâm tình, triết học, trình độ của con người trong thời đại mới này.
 
Như vậy, con đường Thiền chúng ta dựng lại nó phải bao quát và lớn hơn rất nhiều. Ta dựa vào quá khứ cái chiều sâu tâm chứng của Chư Tổ, dựa vào những kỹ thuật tâm chứng của Phật đã dạy, nhưng ta vẫn tham khảo thêm kiến thức của khoa học hiện đại. Chúng ta dựng cái Thiền phong đủ để đáp ứng được tâm tình, ước mơ, khát vọng sống, triết lý sống của con người trong thời đại ngày hôm nay. Tuy nói “Dung nhiếp được hết”, nhưng không phải là trộn lẫn, mà ta có hệ thống. Hệ thống đó có cái chuẩn xác và toàn diện nên khiến điều gì liên quan tới Thiền, ta đều lý giải, ứng dụng, chắt lọc được hết. Dòng Thiền đó phải dung nhiếp được của Việt Nam và của Thế giới. Một ngày nào đó những nhà khoa học, triết học hay bất cứ Thiền phái nào của hiện đại đến ta giao lưu tìm hiểu Thiền của Việt Nam thì họ vẫn thấy hợp lý và khâm phục. Nói chung, ta ước mơ dựng lại một dòng Thiền của Việt Nam có tầm cỡ như vậy.
 
Tuy nhiên, tu Thiền không phải dễ. Chính vì tu khó nên ta mới cần ý chí và ý chí trong Thiền nó khác với nhiều loại ý chí ở trên đời này, bởi vì Thiền trông rất là tĩnh lặng. như hư vô nhưng lại đòi hỏi sự cố gắng phi thường. Do đó, người đến với Thiền phải chuẩn bị một sự nỗ lực rất lớn, cần có đủ ý chí và sức lực mới đi trọn con đường này, còn người lười nhác - ít lập trường sẽ theo không nổi. Dưới đây là một ví dụ minh hoạ làm rõ tínhnăng “Ý chí của Thiền” nó khác thực sự là thế này:
 
Thượng tọa dùng hình ảnh một người võ sĩ tập luyện vất vả, một thời gian sau họ trở nên mạnh mẽ cứng cỏi vì nghị lực nó hiện lên trong đôi mắt, nhưng mà cái tâm lúc đó vẫn còn lành. Cho đến khi người đó bước lên võ đài thi đấu thì cái tâm đã thay đổi, ta nhìn vào đôi mắt họ bắt đầu thấy có cái ác, cái hung dữ hiện ra, vì trên đấu trường làphảiđánh bại đối thủ cạnh tranh của mình để giànhchiếnthắng. Thì người đó cũng là người có ý chí, dám chiến đấu, gan dạ, không sợ hãi. Tuy nhiên, cái ý chí đó không phải của Thiền mặc dù có cố gắng. Riêng Thiền cũng hết sức cố gắng nhưng càng cố gắng đi đúng hướng thì cái tâm trống dần, tĩnh lặng dần…
 
Một người võ sĩ thành công cũng giống như người đi học khi đạt được bằng cấp, luôn có điều gì đó tự hào với thành tích, kết quả của mình, vì những cái cố gắng đó, cái ý chí đó đều làm bốc khởi bản ngã. Có thể nói bản ngã và ý chí là anh em sinh đôi. Ngược lại, Thiền là con đường diệt ngã mà vẫn phải cố gắng, phải có ý chí. Đây là một nghịch lý và là một sự khó khăn. Còn tất cả mọi chuyện trên đời, khi cố gắng mà có kết quả rồi thì ta đều tự hào (bản ngã bốc lên).
Bước tiếp theo, Thượng tọa lí giải để rèn luyện ý chí trong Thiền chúng ta phải làm gì:
 
- Người tu Thiền không bao giờ được tính tới thời gian. Ai tu mà tính đến thời gian là rơi vào tà kiến. Nên nhớ, người ham tu cho nhanh không thể chứng được Thiền và Thiền cũng không phù hợp với người tu từ từ. Cả hai quan điểm tu như trên đều sai lầm cả. Cái đúng là tu đều đặn, ổn định mà không dằn ép, không nôn nóng. Nên nhớ, tu Thiền là khó nên phải cố gắng, tuy cố gắng mà không hấp tấp đó là cái trung đạo trong việc tu tập Thiền định.
 
- Ta dùng tất cả công đức trong đời sống để dồn về cho Thiền. Ngược lại Thiền cũng chi phối ba nghiệp trong đời sống của ta. Khi một người tu Thiền thì người đó làm việc gì cũng thành việc phúc, vì Thiền làm cho họ suy nghĩ điều tốt, nói điều lành và làm những điều thiện. Những điều phúc đó dồn lại để thành Thiền. Một người tu Thiền đúng thì đời sống phải thay đổi. Ví dụ người nóng thì tu một thời gian phải hết nóng, người ích kỷ tu một thời gian không còn ích kỷ, người ham hưởng thụ tu một thời gian phải hết hưởng thụ. Quan trọng là người ngoài nhìn thấy người tu đó nhẹ nhàng, thanh thản, bình tỉnh, hiền lành hơn, vì sống Thiền thì họ tự nhiên như vậy.
 
- Có hai loại chánh niệm là chánh niệm trong đời sống và chánh niệm trong lúc ngồi thiền và mỗi loại chánh niệm đòi hỏi một sự cố gắng - một ý chí khác nhau. Bằng trí tuệ và sự trải nghiệm của mình, Thượng tọa phân tích và hướng dẫn một cách rõ ràng,thấu đáo phương pháp tu chánh niệm trong lúc ngồi Thiền và giữ chánh niệm trong đời sống là như thế nào.
 
- Khi ứng dụng được chánh niệm lúc ngồi thiền và trong đời sống thì trí tuệ trong ta hiện ra, quan điểm đạo lý thay đổi rất lạ, tức là thay đổi cái muốn của ta,vì muốn là bản chất của tâm, có tâm là có muốn. Nhưng khi tâm có chánh niệm,tĩnh giác thì những gì trước kia ta thích, ta muốn bỗng dưng nay không còn muốn nữa. Và cái muốn là thước đo trình độ tu tập của ta. Bằng những ví dụ cụ thể trong đời sống, Thượng tọa đã minh chứng cho thấy sự thay đổi cái muốn của một người tu được chánh niệm tỉnh giác.
 
- Có 2 trường hợp tạo thành ý chí:
 
1/ Ý chí được tạo thành do phước.
 
Cái phước tạo thành ý chí khác cái bản ngã tạo thành ý chí. Cái phước tạo thành ý chí thì tự nhiên, nhẹ nhàng. Còn bản ngã tạo thành ý chí thì trông sốc nổi, bồng bột, khoe khoang và kiêu ngạo. Khi thấy một người tu Thiền mà người đó lúc nào cũng làm ra vẻ tinh tấn hơn người, ta biết người này dùng bản ngã để tạo thành ý chí. Ngược lại, chúng ta thấy một người rất siêng tu tập mà trông họ nhẹ nhàng, kín đáo thì người này tu đúng đường. Họ dùng cái phước của mình để tạo thành ý chí, thấy họ rất cố gắng nhưng tự nhiên, bởi tâm hồn của họ được cấu tạo nên bởi phúc của kiếp trước. Bây giờ tinh tấn tu tập thiền định nhưng lúc nào cũng biết kiềm chế, kín đáo không bộc lộ khoe khoang; còn người mà dùng bản ngã để tinh tấn - để có ý chí thì cái bản ngã bộc lộ theo, thường có một chút bày tỏ khoe khoang. Người tu tập Thiền định đi theo con đường của Thánh mà bộc lộ khoe khoang, kiêu mạn thì thế nào cũng đổ vỡ.
 
-          Trường hợp thứ hai tạo thành ý chí là như lý tác ý.
 
Như lý tác ý là một mệnh lệnh mà tự mình đưa ra cho chính mình, rất là ngắn gọn và quyết liệt. Thượng tọa đưa ra nhiều ví dụ để phân biệt cho thấy như lý tác ý khác với chánh tư duy là thế nào. Trong Thiền định ta cũng nhờ như lý tác ý mà tinh tấn. Mỗi khi thấy mình tu hành dãi đãi, phải quở trách rầy la chính mình, ra lệnh cho chính mình phải tinh tấn để tạo thành tinh tấn. Cái như  lý tác ý đó nó nhẹ nhàng nhưng mà kiên quyết.
 
- Thượng tọa cũng chỉ ra một số điều phải tránh trong sự dụng công tu tập và giải thích vì sao. Những điều cần phải tránh đó là: Khi tinh tấn tu ta tránh ép tâm để vào định. Tránh vạch ra một chỉ tiêu đạt kết quả trong thời gian nào đó mà chỉ tinh tấn trong từng giờ từng phút. Tránh để người chung quanh nhận biết ta tinh tấn tu, ngồi Thiền một mình phải kín đáo. Tránh có ý nghĩ quyết liệt tu để mau chứng đạo.
 
- Để cho ý chí tự nhiên xuất hiện thì lúc nào chúng ta cũng phải trau dồi 3 yếu tố căn bản, đó là: đạo đức, công đức và khí công. Đạo đức là một nội tâm tốt đẹp; công đức là sự tích tụ của những việc làm lợi ích cho cuộc đời, cho đạo Pháp, cho đất nước quê hương; khí công khác với thể dục vì khí công có hơi thở hỗ trợ nên ứng dụng được sinh lý não tốt hơn, làm cho ta có tiềm lực. Trong khí công, cái thế chim bay rất nhẹ, người tập cảm thấy khoan khoái dễ chịu, nhưng cái nhẹ nhàng buông lỏng đó lại làm khai thông kinh mạch. Đó là một dạng khí công hỗ trợ cho Thiền. Khi chúng ta có đạo đức, công đức và có khí công thì ý chí trong Thiền định là điều tự nhiên.
 
- Khi tu bắt đầu có kết quả, tâm bỗng nhiên sáng tỏ, yên tĩnh, người rỗng rang, ít vọng tưởng nhưng phải nhớ rằng “ Những khi tâm con tỉnh giác, càng nhớ thân này vô thường”, chỉ an trú trong đó mà đi tiếp. Còn người không biết cứ chiêm ngưỡng cái tâm rỗng rang đó là sai.
 
- Khi một người tu tiến thì bớt ngủ. Bây giờ mà ngủ là thấy tiếc nhưng nếu kiên quyết không ngủ nữa là một cực đoan, hoàn toàn sai. Ta phải cân đối sức khỏe của mình với sinh lý của cơ thể. Do đó sự tinh tấn của người tu Thiền khi có kết quả là phải đối diện với vấn đề giấc ngủ, giai đoạn này là không ráng thức mà cũng không ham ngủ.
 
Bài Pháp thoại đến đây kết thúc và Khóa tu lần IV năm 2012 tại Thiền viện Di Đà cũng khép lại trong tinh thần thương yêu, hoan hỷ và an lạc./.
 
Dưới đây là hình ảnh của khóa tu Thiền lần IV tại Thiền viện Di Đà, diễn ra từ ngày 24 – 26/03/2012:

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 
Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này