Những đóng góp của chùa Tam Bảo với việc phát huy truyền thống yêu nước - Phật Giáo Việt Nam
22:29 +07 Thứ hai, 29/04/2024

Những đóng góp của chùa Tam Bảo với việc phát huy truyền thống yêu nước

Thứ hai - 26/03/2012 04:24
Những đóng góp của chùa Tam Bảo với việc phát huy truyền thống yêu nước

Những đóng góp của chùa Tam Bảo với việc phát huy truyền thống yêu nước

(HDPT) - Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chùa Tam Bảo đã đóng góp một phần công sức của mình vào các phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân trong tỉnh.
 

 

 

 

 

 

 

NHỮNG ĐÓNG GÓP CỦA  CHÙA TAM BẢO

VỚI VIỆC PHÁT HUY TRUYỀN THỐNG YÊU NƯỚC

 

 

Đại Đức Thích Thiện Chí

UV. Thường trực,  Phó VP BTS THPG Kiên Giang

Trưởng Ban Quản Trị Chùa Tam Bảo Tp. Rạch Giá

 

Chùa Tam Bảo đã được Bộ Văn Hóa công nhận là một “Di Tích Lịch Sử Văn Hóa Cách Mạng”, là một ngôi chùa cổ nổi tiếng của đồng bào Phật tử thành phố Rạch Giá, chùa có một quá trình lịch sử hơn hai thế kỷ, được hình thành từ những năm cuối thế kỷ XVIII, trong thời Nguyễn Ánh chạy trốn nghĩa quân Tây Sơn. Trải qua bao bước thăm trầm thịnh suy, chùa Tam Bảo đã gắn bó với mảnh đất Rạch Giá này và đã góp phần vào công cuộc đánh đuổi giặc ngoại xâm giải phóng tỉnh nhà.

Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, chùa Tam Bảo đã đóng góp một phần công sức của mình vào các phong trào giải phóng dân tộc của nhân dân trong tỉnh. Trước khi có Đảng, nhân dân Rạch Giá đã phát huy truyền thống yêu nước và khí phách anh hùng vùng lên làm cuộc đấu tranh chống lại sự áp bức bóc lột của thực dân Pháp. Nhưng tiếc thay do chưa có được sự lãnh đạo của Đảng, thiếu đường lối đúng đắn cho nên các phong trào bị đàn áp và dập tắt.

Từ những năm hai mươi của thế kỷ trước, nước ta đã xuất hiện luồng tư tưởng mới chủ nghĩa Mác – Lênin do Nguyễn Ái Quốc truyền bá, không bao lâu tư tưởng đó lan rộng khắp nơi trong nước dẫn đến sự ra đời của  Đảng. Tại vùng đất xa xôi hẻo lánh này, chùa Tam Bảo có vị trí là cơ sở bí mật để vận động phong trào yêu nước, Hòa Thượng Thích Trí Thiền (thế danh Nguyễn Văn Đồng) đã biến ngôi chùa Tam Bảo nơi Ngài đang trụ trì thành một cơ sở liên lạc, gặp gỡ, đi lại của các chiến sĩ cách mạng. Bên cạnh đó, những Hòa thượng trong chùa Tam Bảo đều là những con người yêu quê hương đất nước nồng nàn, các Ngài đã vận dụng sáng tạo các nguyên lý của Đức Phật vào một đất nước có giặc ngoại xâm. Dù trong giới luật của Phật là không được sát sanh, nhưng trong hoàn cảnh quê hương đất nước như vậy thì việc sát sanh để cứu muôn người, đánh đuổi quân xâm lược để cứu dân tộc cứu quê hương đất nước đó là Từ bi. Lịch sử mãi mãi ghi nhận những tấm gương cao cả của những nhà sư đã hy sinh cả cuộc đời mình cho quê hương cho dân tộc. Hòa thượng Thích Thiện Chiếu đã thực hiện nhiều hoạt động Phật giáo nhằm làm sống lại Phật giáo chánh tín, mang âm hưởng dân tộc và hơn hết là phát huy tinh thần yêu nước cho Tăng sĩ, Phật tử trong thời kỳ này. Hòa thượng Thích Trí Thiền đã cùng với các nhà sư khác tại chùa Tam Bảo ra sức phát huy tinh thần độc lập dân tộc, thuyết giảng về lòng tin và quyền tự chủ, đem đạo vào đời, tình yêu quê hương, tình yêu dân tộc. Bởi vì một khi đạo vào đời sẽ là một yếu tố thắt chặt tinh thần yêu nước, ý thức độc lập dân tộc, tạo nên khí phách hiên ngang được thể hiện rõ qua hình ảnh của Hòa thượng Thích Thiện Ân, tên tuổi của Ngài đã đi vào trang sử của tỉnh Kiên Giang, một con người Việt Nam anh hùng bất khuất trước mọi sự tàn bạo của kẻ thù. Hòa thượng và các bạn đồng chí của mình hoạt động cách mạng dưới lớp áo của Hội Phật Học Kiêm Tế, xuất bản tạp chí Tiến Hóa, ngoài ra các Ngài còn chứng minh đường lối nhập thế của mình bằng cách tổ chức phát thuốc, chuẩn tế, nuôi dưỡng cô nhi… Đó là những chứng tích về công đức lớn lao của các vị Hòa thượng chân tu có đạo hạnh cao.

Di tích lịch sử văn hóa cách mạng chùa Tam bảo còn là nơi ghi dấu chiến tích anh hùng của thời đại chống thực dân Pháp bằng việc chế tạo và tàn trữ vũ khí, nơi in truyền đơn là đầu mối giao liên giữa Xứ ủy Nam Kỳ với Tỉnh ủy Rạch Giá. Sự hy sinh cao đẹp của thiền sư Thích Thiện Ân và các nhà sư yêu nước của chùa Tam Bảo đã góp phần viết lên những trang sử vàng cho Phật giáo Kiên Giang.

Cuối những năm 1940 và đầu năm 1941, chùa Tam Bảo được dùng làm trạm giao liên và là nơi chôn dấu vũ khí của Liên Tỉnh Ủy miền Tây và tỉnh Rạch Giá. Tháng 6 năm 1941, cơ sở cách mạng này bị lộ. Đêm 16 tháng 6 năm 1941 lính mật thám ập vào chùa, Hòa Thượng Thích Trí Thiền bị đày biệt xứ ra Côn Đảo 5 năm. Do không chịu nổi cảnh hà khắc khốn khổ, trong lần đấu tranh tuyệt thực, Hòa thượng đã hy sinh tại Côn Đảo vào năm 1943. Sự kiện trên cho thấy, chùa Tam Bảo có một phần đóng góp làm dầy thêm trang sử đất nước. Qua thời gian đó, chùa bị  đóng cửa. Cho đến sau Cách mạng tháng tám thành công, chùa bắt đầu một giai đoạn lịch sử mới, chùa được bảo quản qua các đời trụ trì, các Ngài tiếp tục trùng tu và giữ gìn. Năm 1955 sinh hoạt của chùa Tam Bảo được khởi sắc, do nơi đây là trụ sở của Hội Phật Học Nam Việt. Nhưng đến giai đoạn 1959 – 1963, do ảnh hưởng chích sách kỳ thị tôn giáo của Ngô Đình Diệm, nhiều phong trào đấu tranh chống lại chế độ độc tài Mỹ - Diệm của Phật giáo diễn ra sôi nổi nhất là ở Sài Gòn. Hòa với phong trào chung, nhiều Tăng Ni, Phật tử chùa Tam Bảo cũng góp phần vào các cuộc đấu tranh đó bằng nhiều hình thức ứng phó linh hoạt. Chùa Tam Bảo là nơi che chở cho cán bộ, các Phật tử góp phần trong việc chuyển giao các truyền đơn và tin tức hàng tuần đến tay quần chúng dù bị chánh quyền Mỹ ngụy kiểm soát nghiêm ngặt.

Khi phong trào đấu tranh của toàn dân cũng như của Tăng Ni, Phật tử càng lên cao, đồng bào phật tử Kiên Giang đứng lên lật đổ ách thống trị của Mỹ ngụy. Thể hiện tinh thần yêu nước, Hòa thượng Thích Bổn Châu đã bí mật tuyên truyền vận động đường lối cách mạng trong tín đồ Phật tử, bằng hết khả năng của mình Hòa thượng đã làm cho tuyệt đại đa số Phật tử tin tưởng vào chính quyền cách mạng. Hòa thượng còn đi đầu trong cuộc thống nhất Phật giáo. Với uy tín của Hòa thượng, chùa Tam Bảo đã trở thành Văn phòng Ban Trị sự Tỉnh hội phật giáo Kiên Giang.

Trong quá khứ, chùa Tam Bảo đã đóng góp cho lịch sử quê hương qua những hoạt động cách mạng của các nhà sư yêu nước. Khi đất nước hoàn toàn giải phóng, ngày vui của toàn dân tộc nói chung tỉnh Kiên Giang nói riêng, cũng là ngày chùa Tam Bảo tiếp tục một giai đoạn lịch sử mới. Vào những năm đầu giải phóng, chùa Tam Bảo vẫn luôn đi đầu trong các Phật sự tại địa phương, Hòa thượng Thích Bổn Châu đi đầu vận động xây dựng lò hỏa táng đầu tiên của tỉnh Kiên Giang, song chùa vẫn xem việc cứu đời cứu người là hàng đầu, bởi chiến tranh đã qua đi để lại một hậu quả nặng nề đè nặng lên mảnh đất này. Xót xa trước cảnh đói nghèo bệnh tật của người dân, Hòa thượng Thích Bổn Châu đã phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách”, Tuệ tĩnh đường đầu tiên được thành lập tại chùa Tam Bảo để xem mạch hốt thuốc miễn phí cho dân nghèo, đến nay với bề dầy ba mươi năm trưởng thành, Tuệ tĩnh đường chùa Tam Bảo vẫn vững chắc trong hoạt động phục vụ sức khỏe cho dân lao động nghèo. Song song đó chùa vẫn tích cực trong công tác từ thiện xã hội như cứu trợ đồng bào lũ lụt, chăm sóc và vấn an những gia đình có công với cách mạng, bà mẹ Việt Nam anh hùng… những việc làm đó đã góp phần vào việc xây dựng một nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc. Ngày 28 tháng 3 năm 1997, Tăng Ni và Phật tử trong toàn tỉnh vinh hạnh đón tiếp bằng Tổ Quốc ghi công do Chính phủ Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam truy tặng hai vị sư liệt sĩ: Hòa thượng Thích Trí Thiền và Hòa thượng Thích Thiện Ân, những người đã mở đầu cho truyền thống tốt đạo đẹp đời của Phật giáo Kiên Giang.

Ngày nay, trong thời đại văn minh tiến bộ, sự giao lưu với nước ngoài làm không ít vấn đề tiêu cực phát sinh, nhưng với chức năng giáo dục của Phật giáo nói chung và chùa Tam Bảo nói riêng, qua những việc làm cụ thể sẽ có tác dụng rất lớn góp phần hạn chế bớt tiêu cực nẩy sinh trong xã hội đồng thời thúc đẩy tiến bộ xã hội cũng như giữ gìn đạo đức phẩm giá con người, mang lại nền độc lập phồn vinh cho quê hương đất nước. Từ đây di tích lịch sử Văn hóa Cách mạng chùa Tam Bảo sẽ tiếp tục phát huy vai trò của mình trong lòng xã hội mới. Tăng tín đồ Phật giáo Kiên Giang càng thêm tự hào vì có một ngôi chùa lịch sử đã góp phần vinh quang cho tỉnh nhà. Chính tại nơi đây các vị sư và đồng bào Phật tử Rạch giá đang noi gương người đi trước nối tiếp con đường cách mạng trong giai đoạn lịch sử mới, cùng toàn dân đi theo con đường đổi mới của Đảng và Nhà nước, nhằm từng bước xóa đói giảm nghèo, tiến tới thực hiện mục tiêu “Dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng văn minh tiến bộ”./.

 
(GHPGVN)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này