Phật giáo Bắc Ninh – Giữ gìn truyền thống và hội nhập cùng phát triển - Phật Giáo Việt Nam
02:05 +07 Chủ nhật, 19/05/2024

Phật giáo Bắc Ninh – Giữ gìn truyền thống và hội nhập cùng phát triển

Chủ nhật - 22/07/2012 09:17
(HDPT) - Bắc Ninh được biết đến là cái nôi của Phật giáo dân tộc, với đặc điểm cũng như thế mạnh về bộ máy lãnh đạo được hình thành sớm nên các phong trào Phật sự của tình nhà rất sôi nổi so với các tỉnh thành trong cả nước nói chung.
 

 

 

Nơi khởi nguồn của đạo Phật tại Việt Nam

Bắc Ninh là nơi được coi là cái nôi của Phật giáo Việt Nam, vào thời điểm thế kỷ thứ I trước và sau công nguyên, nơi đây đã đón nhận Phật giáo chính nhờ sự dừng chân của những nhà sư Phật giáo Ấn Độ trên bước đường truyền.  Từ đó đến nay, Phật giáo tại vùng đất này đã không ngừng phát triển. Nhắc tới ngôi chùa gắn liền với dấu tích và sự hình thành, phát triển của Phật giáo Bắc Ninh phải kể tới chùa Dâu, ngôi chùa nằm bên con sông cổ vẫn được gọi là sông Dâu. Chùa Dâu là ngôi chùa cổ nhất Việt Nam được mệnh danh là “ đệ nhất cổ tử trời Nam”.

Ngôi chùa đã gắn liền với bao biến cố thăng trầm của Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo nơi vùng Kinh Bắc nói riêng từ những ngày ở buổi sơ khai. Khi Phật giáo bắt đầu được truyền thừa vào Việt Nam nguyên, Chùa Dâu được xây dựng ở cổ thành Luy Lâu ( thời thuộc Hán) từ thế kỷ thứ 2 sau Công nguyên, nay thuộc  xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh, cách Hà Nội khoảng 30km.

1307977044_chua_dau_bacninh.jpg

Chùa Dâu – Đệ nhất cổ tự trời Nam ( nguồn Internet) 

Chùa  Dâu ban đầu được đặt tên là Pháp Vân tự theo câu chuyện dân gian về Man Nương và 4 vị thần Tứ Pháp. Qua việc nghiên cứu về tài liệu lịch sử và nhưng cổ vật còn lại của chùa Dâu cùng kết quả nghiên cứu về lịch sử Phật giáo Việt Nam của các nhà sử học , chùa Dâu được khẳng định là tổ đình của Phật giáo Việt Nam xuất hiện các đây gần 200 năm.

Sự thành hình và phát triển của trung tâm Phật giáo Luy Lâu ( thuộc  Bắc Ninh ngày nay) đã tạo nền tảng cho sự phát triển của Phật giáo cả nước trong suốt quá trình hơn 2000 năm lịch sử.

Giữ gìn truyền thống làm nền tảng phát triển

Đại đức Thích Đức Thiện – Chánh Thư ký kiêm Trưởng Ban quan hệ Quốc tế tỉnh hội Phật giáo Bắc Ninh đã chia sẻ, khẳng định bề dày lịch sử truyền thống của Phật giáo Bắc Ninh gắn liền với tiến trình phát triển của Phật giáo dân tộc. Ban đại diện Phật giáo tỉnh được hình thành từ năm 1981, khi mới thành lập GIáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất tới nay đã trải qua 6 kỳ đại hội. Trên toàn tỉnh hiện có khoảng  340 vị Tăng ni và 260 ngôi chùa, trong đó có nhiều ngôi cổ tự được xếp hạng di tích lịch sử cấp tỉnh và cấp quốc gia như chùa Dâu, chùa Phật Tích.

DSC_0219_523x350.jpg

Đại đức Thích Đức Thiện - Chánh Thư ký kiêm Trưởng Ban quan hệ Quốc tế

 tỉnh hội Phật giáo Bắc Ninh ( ảnh Chính Tâm) 

Điểm nổi bật của Phật giáo Bắc Ninh là sự giữ gìn và phát huy truyền thống quý báu từ xa xưa khi nơi đây vẫn luôn giữ được sự đoàn kết, hòa thuận của toàn thể Tăng ni trong tỉnh cũng như sự hòa hợp của hai tôn giáo lớn cùng phát triển đó là đạo Phật và Thiên chúa giáo.

Bắc Ninh được biết đến là cái nôi của Phật giáo dân tộc, với đặc điểm cũng như thế mạnh về bộ máy lãnh đạo được hình thành sớm nên các phong trào Phật sự của tình nhà rất sôi nổi so với các tỉnh thành trong cả nước nói chung. Điển hình là năm 2009, con số gần 4 triệu lượt người về chiêm bái Phật ngọc tại chùa Phật Tích – Bắc Ninh đã làm nên 1 dấu ấn đậm nét cho Phật giáo nơi đây. Tiếp đó, năm 2010 Ban Trị sử Phật giáo tỉnh Bắc Ninh  cũng đã tham gia tích cực trong công tác tổ chức Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội.

Công tác từ thiện cũng được Ban Trị sự đặc biệt chú ý, hỗ trợ giúp đỡ đồng bào lũ lụt, tặng quà cho gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn, gia đình thương binh liệt sĩ và tổ chức các chuyến từ thiện lên vùng cao nơi sinh sống của các đồng bào người dân tộc miền núi.

Dưới sự lãnh đạo của nhị vị Hòa thượng, trong thời gian qua  Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Bắc Ninh  vẫn luôn duy trì đều đặn các hoạt động hành chính và hoạt động Phật sự của tỉnh hội. Công tác trùng tu tôn tạo chùa cảnh được lãnh đạo tỉnh hội Phật giáo Bắc Ninh chú trọng trong việc giữ gìn nét kiến trúc truyền thống gắn liền với truyền thống văn hóa Phật giáo của quê hương nói riêng và của cả dân tộc nói chung.

Về công tác Hoằng pháp và hướng dẫn Phật tử, tại một số chùa trong tỉnh đã tổ chức được những buổi thuyết giảng về giáo lý cho Phật tử và hướng dẫn Phật tử tụng kinh hằng ngày, truyền thụ Tam quy ngũ giới, lồng ghép giáo lý vào các hoạt động hè của thanh niên Phật tử trong kỳ nghỉ hè.

Bên cạnh những thế mạnh và nhiều thành tự đã đạt được trong thời gian qua, Phật giáo tỉnh Bắc Ninh cũng còn có những mặt khó khăn, hạn chế: trên địa bàn tỉnh còn nhiều chùa chưa có sư trụ trì vì số lượng Tăng ni còn hạn chế. Có nhiều vị sư chưa hoàn tất thủ tục hành chính khi nhận chùa trụ trì, hoặc tự liên hệ nhận chùa qua Phật tử có sự phát sinh mâu thuẫn, gây khó khăn cho công tác Tăng sự của tỉnh hội. Đội ngũ hoằng pháp và công tác hướng dẫn Phật tử cũng còn nhiều thiếu sót. Nhiều công trình chùa cảnh được xây dựng mới hoặc tôn tạo đã phá vỡ kiến trúc truyền thống có từ lâu đời của Phật giáo nơi đây.

Nói đến phương hướng hoạt động Phật sự trong nhiệm kỳ tới của Phật giáo tỉnh nhà, Đại đức Thích Đức Thiện chia sẻ : Trong thời gian tới, tỉnh hội Phật giáo Bắc Ninh sẽ tiếp tục ổn  định  công tác tổ chức nhân sự, trẻ hóa và kiện toàn thành phần nhân sự trong từng ban ngành. Đại hội Phật giáo tỉnh nhiệm kỳ 2012 – 2017 mang tính chất là đại hội đổi mới, hòa hợp và phát triển. Ban Trị sự đặc biệt chú ý tới việc giữ gìn văn hóa truyền thống Phật giáo tỉnh nhà làn nền tảng cho sự phát triển bền vững và lâu dài của Phật giáo Bắc Ninh nói  riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung. 

 

 

Chính Tâm thực hiện

 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này