Phật giáo Lạng Sơn trong việc truyền bá Phật pháp - Phật Giáo Việt Nam
15:18 +07 Thứ hai, 29/04/2024

Phật giáo Lạng Sơn trong việc truyền bá Phật pháp

Thứ sáu - 23/03/2012 08:58
(HDPT) - Lạng Sơn, tỉnh phên dậu nơi địa đầu Tổ Quốc với những đa dạng văn hóa tín ngưỡng. Hơn 80% dân số trong tỉnh là bà con các dân tộc như Tày, Nùng, Dao v.v... Trong đó, bà con dân tộc Kinh chỉ chiếm thiểu số trong cộng đồng.
 

 

 

 

 

 

 

 

Một số kinh nghiệm thực tế của Phật giáo Lạng Sơn

trong việc truyền bá Phật pháp đến vùng sâu

vùng xa, vùng bà con dân tộc thiểu số

 

Đại đức Thích Quảng Truyền

Ủy viên HĐTS - Ủy viên TT Ban Hoằng pháp TW

Phó Ban Thường trực Phật giáo tỉnh Lạng Sơn

 

Lạng Sơn, tỉnh phên dậu nơi địa đầu Tổ Quốc với những đa dạng văn hóa tín ngưỡng. Hơn 80% dân số trong tỉnh là bà con các dân tộc như Tày, Nùng, Dao v.v... Trong đó, bà con dân tộc Kinh chỉ chiếm thiểu số trong cộng đồng.

Với một nền văn hóa đa dạng mang màu sắc riêng của mỗi dân tộc đã tạo cho Lạng Sơn những nét văn hóa riêng với nhiều phong tục tín ngưỡng đẹp. Tuy nhiên bên cạnh đó, cũng còn không ít những hủ tục lạc hậu, mê tín đã và đang ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống của bà con. Đặc biệt, lợi dụng sự thật thà, chất phát của bà con, đã có một số kẻ xấu đến truyền đạo trái phép, gây chia rẽ trong cộng đồng, làm mất an ninh trật tự...

Với truyền thống 2000 năm "Hộ quốc - An Dân" và những giáo lý thánh thiện, gần gũi với đời sống thường ngày của Đạo Phật, việc truyền bá Phật pháp đến với bà con các vùng sâu, vùng xa, vùng bà con dân tộc ít người là một việc làm cấp thiết, giúp cho đời sống tinh thần của bà con được an ổn, dần bỏ đi những hủ tục lạc hậu, tránh bị kẻ xấu lợi dụng, đảm bảo được an ninh chính trị, tạo sự đoàn kết trong cộng đồng... Để làm được việc này là cả một quá trình bền bỉ, khắc phục mọi khó khăn với một tấm lòng nhiệt thành vì Đạo Pháp, không ngại gian khổ... Trong những năm qua, Phật giáo tỉnh Lạng Sơn đã từng bước đem ánh sáng Phật pháp đến với bà con và bước đầu đã gặt hái được những thành tựu.

Với một số kinh nghiệm thực tế trong quá trình truyền bá Phật pháp đến với bà con vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, chúng tôi xin trình bày ra đây nhằm chia sẻ kinh nghiệm ngõ hầu tìm ra những giải pháp hay hơn nữa để làm cho ánh sáng Phật pháp được lan tỏa đến mọi vùng miền của Tổ quốc, giúp cho bà con các dân tộc anh em, cùng chung sống trong ngôi nhà đoàn kết hòa hợp của Phật giáo Việt Nam, xây dựng đất nước ta dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Trước hết, chúng ta cần đánh giá những thực tế của đời sống bà con như bản sắc văn hóa, đời sống kinh tế, mặt bằng dân trí v.v... Đặc biệt là quan điểm về Phật giáo của lãnh đạo địa phương là tối quan trọng.

Đa số bà con đều không biết Phật pháp là gì, cuộc sống của bà con đơn giản chỉ là sự tần tảo trong cuộc sống còn quá nhiều thiếu thốn, trình độ dân trí chưa cao. Đời sống tâm linh của bà con ở nhiều nơi bị thần thánh hóa với những đức tin quá nặng màu sắc mê tín, dị đoan. Bà con thường rất thật thà, chất phác và nếu đã tin ai thì sẽ tin đến cùng và ngược lại.

Bên cạnh đó, với quan điểm và sự nhìn nhận về Phật giáo của hàng ngũ lãnh đạo ở địa phương còn hết sức bỡ ngỡ vì từ trước tới nay, họ chưa từng tiếp xúc với Phật giáo bao giờ.

Căn cứ vào những đặc thù nêu trên, người đi hoằng pháp phải là người hiểu rõ về phong tục tập quán, ngôn ngữ và nét văn hóa riêng của mỗi dân tộc, từ đó tạo nên một hình ảnh và đức tin cho bà con qua việc thường xuyên gần gũi với bà con, giúp đỡ về vật chất, tinh thần, đi sâu đi sát với cuộc sống thường ngày của bà con... Kinh nghiệm thực tế cho thấy, khi đã được bà con tin yêu, có một hình ảnh tốt trong lòng bà con, lúc đó chúng ta mới dần dần hướng đạo cho bà con thì chắc chắn sẽ thu được kết quả tốt.

Từ một địa phương trắng về Phật giáo. Năm 2007 Phật giáo tỉnh Lạng Sơn mới được thành lập.

Khi ấy, nói về Phật giáo là một điều gì đó còn rất xa lạ. Từ hàng ngũ một số lãnh đạo địa phương cho đến nhân dân, họ chỉ hiểu một cách đơn giản về Đạo Phật là cầu cúng, mê tín như những tín ngưỡng khác.

Chuyện gây khó dễ, bị ngộ nhận và chuyện các thầy đi xuống các huyện, xã, thôn, bản để hoằng pháp bị cản trở vv... là chuyện thường xuyên trong thời gian đó.

Thế rồi bằng sự vận dụng khéo léo các thiện xảo phương tiện, sự gần gũi với cuộc sống của bà con, bằng những việc làm cụ thể như thăm hỏi tặng quà các dịp lễ tết, giúp đỡ các gia đình hoạn nạn khó khăn, giúp đỡ các cháu sách vở để đến trường, hàng chục nghìn bộ quần áo, chăn màn được chuyển đến với bà con trong mùa rét, mưa lũ, trên 50 căn nhà Đại đoàn kết được trao tặng cho các hộ nghèo v.v... Và đều đặn hàng tháng, hình ảnh bóng áo vàng của các Sư đến các bản làng tặng gạo cho một số hộ đặc biệt nghèo, người già, người tàn tật không nơi nương tựa là một hình ảnh đẹp có sức thuyết phục và biện chứng cũng như sức lan tỏa lớn nhất cho những gì mà Phật giáo muốn đem lại và cống hiến cho cuộc đời.

Phật giáo tỉnh mua một xe ô tô làm xe tang để phục vụ miễn phí cho bà con khi qua đời, vận động bà con bỏ đi hủ tục làm nhà đòn, nhà táng đưa ma gây tốn kém. Vận động bà con bỏ đi hủ tục đốt đuốc, rắc tiền vàng khi đưa ma. Đặc biệt, vận động bà con bỏ đi hủ tục để ma lâu ngày mới chôn.

Mỗi năm 01 lần vào ngày 13/Giêng/Âm lịch. Phật giáo tỉnh tổ chức mừng thọ cho các Phật tử cao tuổi. Qua đó, giáo dục các thế hệ con cháu biết hiếu thảo với ông bà cha mẹ và từ 05 năm nay, ngày 13/Giêng hàng năm đã thực sự trở thành ngày hội cho con cháu trong toàn tỉnh tôn vinh ông bà cha mẹ của mình. Ngày lễ mừng thọ này đã được sách Kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục.

Đối với các cháu Thanh, Thiếu niên, nhi đồng là Phật tử. Phật giáo tỉnh có cơ chế khuyến học khuyến tài. Hàng năm, đều tổ chức phát qua khuyến học cho các cháu có thành tích học tập và các cháu có hoàn cảnh khó khăn vươn lên học tập. Mỗi kỳ hè về, các cháu đều được Phật giáo tỉnh tổ chức các khóa tu để các cháu có điều kiện sinh hoạt, vui chơi. Qua đó, định hướng nhân cách, giúp các cháu có đời sống tinh thần lành mạnh.

Có một sáng kiến của Phật giáo tỉnh Lạng Sơn đối với các cháu Thanh, Thiếu niên, nhi đồng Phật tử, nhằm giúp các em có sự gắn kết giữa Đạo với đời  như sau:

Phật giáo tỉnh Lạng Sơn có hồ sơ lưu trữ thông tin cá nhân của từng cháu là Thanh, Thiếu niên, nhi đồng Phật tử khi các cháu Quy y.

Hoàn cảnh, ngày tháng năm sinh của từng cháu được lưu trữ đầy đủ. Trước tiên, cứ đến ngày sinh nhật, các cháu được Phật giáo tỉnh gửi tặng quà sinh nhật (quà sinh nhật là bưu thiếp chúc mừng, đĩa CD Phật giáo có nội dung giáo dục vv...). Bên cạnh đó, hoàn cảnh của các cháu được Ban Hướng dẫn Phật tử tỉnh cập nhật thường xuyên, cháu nào cần chia sẻ, giúp đỡ sẽ được Phật giáo tỉnh kịp thời đến với các cháu. Mô hình này đã thực sự phát huy hiệu quả, chứng minh qua việc các cháu đến với Đạo Phật ngày càng đông và tại chùa Thành (trụ sở Phật giáo tỉnh Lạng Sơn) thường xuyên tổ chức các lễ Hằng Thuận cho các cháu đến tuổi trưởng thành kết hôn.

Tuổi trẻ là tương lai của đất nước và cũng là tương lai của Phật pháp. Có một kinh nghiệm thực tế nữa mà Phật giáo tỉnh Lạng Sơn đã làm và có kết quả rất khả quan là: xây dựng và tài trợ Quỹ khuyến học với các trường Trung học phổ thông, Trung học cơ sở, trường mầm non trên địa bàn. Việc làm này được Nhà nước ta và các cấp chính quyền, đoàn thể hết sức ủng hộ và khuyến khích. Phật giáo tỉnh Lạng Sơn đã và đang làm tốt Phật sự này qua việc phối hợp với các nhà trường, trao các xuất học bổng toàn phần cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập. Và thật hạnh phúc khi thấy hình bóng Quý Thầy, các em đều rất trân trọng và yêu quý.

Các chương trình thuyết giảng Phật pháp được duy trì, các khóa tu học thường xuyên được tổ chức, các hoạt động xã hội đều được Phật giáo tỉnh tham gia tích cực vv... Đặc biệt, thông qua các hình thức tuyên truyền hiện đại như: Intenet, đĩa CD, Đài Phát thanh truyền hình địa phương, Phật giáo tỉnh đã khéo lồng ghép để hình ảnh và những đóng góp tốt đẹp của Phật giáo đến với công chúng. Qua đó tạo dựng lòng tin, sự nhìn nhận về một tôn giáo đã có truyền thống lâu đời gắn bó và đồng hành cùng dân tộc.

Năm 2007, cả tỉnh chỉ có trên 300 Phật tử Quy y Tam Bảo và 100% đều là người Kinh. Cả tỉnh có 11 huyện, Thị trấn và 01 Thành phố trực thuộc tỉnh thì 11 huyện, Thị trấn không có Phật giáo. Sau 05 năm tích cực hoạt động của Phật giáo tỉnh Lạng Sơn trên mọi lĩnh vực, hiện nay con số Phật tử đã có trên 10.000 người và đặc biệt trong số này, các em, các cháu Thanh, thiếu niên, nhi đồng là Phật tử chiếm 1/3, trong đó có rất đông là bà con các dân tộc như Tày, Nùng, Dao vv... Đã có 9/11 huyện, Thị trấn có tổ chức Phật giáo.

Đại lễ Phật đản Phật lịch 2555 có hàng chục ngàn người tham dự với tuần lễ văn hóa Phật giáo đặc sắc qua nhiều chương trình ấn tượng.

Đại lễ Vu Lan hàng năm thu hút cả ngàn người tham dự gồm cả các dân tộc anh em.

Phật giáo tỉnh Lạng Sơn khi thành lập chỉ có 02 vị sư, sau 05 năm phát triển nay đã có 06 vị.

Từ chỗ còn xa lạ và đánh đồng về quan điểm. Sau một thời gian ngắn đã có kết quả rõ ràng.

Tất cả các mặt liên quan đến chính trị xã hội của địa phương đều có sự hiện diện của Phật giáo tỉnh. Cụ thể là: tham gia HĐND tỉnh Lạng Sơn 01 vị. Tham gia MTTQVN tỉnh 01 vị. Các đoàn thể như: Hội LHPN, Hội LHTN, Hội chữ thập đỏ tỉnh Lạng Sơn đều có các vị trong Ban Thường trực Phật giáo tỉnh được mời tham gia và các huyện, Thành phố, xã phường, Thị trấn cũng đều có sự tham gia là Ủy viên Ủy ban MTTQVN ở các địa phương, với sự hiện diện của các Phật tử.

Với sự tinh tiến không mệt mỏi của tập thể Chư tăng, Phật tử trong tỉnh, được sự quan tâm sâu sắc của Trung ương GHPGVN, có thể những thành tựu Phật sự nêu trên chưa nhiều nhưng với một đơn vị Phật giáo mới được thành lập chưa được 05 năm và có đặc thù miền núi, biên cương thì những kết quả nêu trên là nguồn cổ vũ to lớn cho những Phật sự tiếp theo của Phật giáo tỉnh Lạng Sơn trong thời gian tới.

Với một số kinh nghiệm thực tế của địa phương trong việc đưa Phật pháp đến với vùng sâu vùng xa của Tổ quốc. Chúng tôi xin trình bày trong dịp kỷ niệm 30 năm ngày thành lập GHPGVN ngõ hầu góp một bông hoa trong bó hoa tươi thắm dâng lên cúng dàng Đức Từ Phụ Thế Tôn và Chư Tổ tiền bối trong sự nghiệp hoằng truyền chính pháp./.

 
(GHPGVN)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này