Quản lý tiền công đức: Bộ bảo nên, chùa bảo không! - Phật Giáo Việt Nam
09:45 +07 Thứ sáu, 03/05/2024

Quản lý tiền công đức: Bộ bảo nên, chùa bảo không!

Thứ sáu - 30/03/2012 23:57
Quản lý tiền công đức: Bộ bảo nên, chùa bảo không!

Quản lý tiền công đức: Bộ bảo nên, chùa bảo không!

(HDPT) - Hôm nay (30.3), tại Quảng Ninh, Bộ VHTTDL tổ chức hội nghị sơ kết về công tác quản lý lễ hội năm 2012. Một trong các vấn đề đang gặp nhiều khó khăn sẽ được đem ra bàn thảo là quản lý tiền công đức ở đền, chùa.
 

 

Chưa có tiếng nói chung

Vào chốn đền, chùa, người Việt thường có thói quen cung tiến một chút tiền để gọi là tỏ lòng thành với Phật, thánh. Tiền lẻ để vào các hòm công đức thường có mệnh giá từ 200 -2.000 đồng, gọi là tiền “giọt dầu”, số này tuy nhiều, vào đền chùa nào cũng thấy chất ngồn ngộn khắp nơi nhưng tổng lại cũng không đáng kể.

Đếm tiền “giọt dầu”, tiền công đức ở một ngôi đền.

Số tiền lớn hơn gấp nhiều chục lần, do chính các phật tử, người dân quyên góp vào các chùa để được phát giấy ghi nhận công đức mới được gọi là “tiền công đức”. Theo các thống kê, lễ hội Bà Chúa Xứ (An Giang) trong năm 2011 đã thu về hơn 70 tỷ đồng tiền công đức, còn lượng tiền công đức tại Đền Trình – Chùa Hương Hà Nội) chỉ trong 3 tháng của năm 2010 đã lên tới 30 tỷ đồng. Rõ ràng một nguồn tiền rất lớn như vậy cần được minh bạch thu chi, để số tiền này được sử dụng đúng mục đích - điều được đông đảo người dân quan tâm.

Với Bộ VHTTDL- đơn vị đang tiến hành phối hợp với Bộ Tài chính, Ban Tôn giáo Chính phủ xây dựng Thông tư liên tịch hướng dẫn quản lý sử dụng tiền công đức, tiền giọt dầu, thì đây là việc rất nên làm. Từ cách đây 4 năm, năm 2009, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh đã yêu cầu các đơn vị liên quan khẩn trương đề xuất các phương án quản lý các nguồn thu, chi từ lễ hội, đặc biệt là nguồn thu từ tiền công đức, cung tiến để đảm bảo sự minh bạch và sử dụng có hiệu quả các nguồn thu phục vụ di tích. Bộ trưởng Hoàng nhấn mạnh: Ở những nơi linh thiêng như đền, chùa mà lại tồn tại tiêu cực là điều không chấp nhận được.

Thế nhưng, ngay từ khi vấn đề này được đặt ra đã vấp phải sự không đồng tình của nhiều ban quản lý di tích, các vị thượng tọa trụ trì tại các chùa. Ngày 21.3, thượng tọa Thích Thanh Thắng đã bày tỏ quan điểm khá rõ ràng trên trang phattuvietnam.net: “Khi Giáo hội cử vị sư có đầy đủ tài đức về quản lý động sản, bất động sản và chăm sóc đời sống tinh thần, tâm linh của nhân dân là Giáo hội đã trực tiếp tin tưởng giao phó cho vị ấy theo đúng tinh thần của Hiến chương Giáo hội.

Đồng thời chính phật tử và nhân dân địa phương sẽ là “người giám sát” tốt nhất không chỉ về đạo đức tu hành của vị sư mà còn cả những vấn đề thu chi từ tiền công đức nữa. Vậy thì đặt vấn đề “ai quản lý” tiền công đức trong phạm vi nhà chùa là thừa, vì như thế chẳng khác gì dùng “quản lý” để chồng lên “quản lý”, nói một cách cụ thể là “thế tay thợ đẽo”.

Làm sao cho khéo

Trao đổi với PV NTNN, PGS-TS Lương Hồng Quang - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu văn hóa nghệ thuật VN, đơn vị được Bộ VHTTDL giao cho thực hiện đề tài nghiên cứu chính sách quản lý và sử dụng nguồn kinh phí thu từ hoạt động lễ hội, cho biết: “Tôi cũng biết, xung quanh việc xây dựng thông tư quản lý tiền công đức có nhiều ý kiến chưa đồng tình từ phía các chức sắc, người tu hành của Giáo hội Phật giáo, vì vậy tôi rất mong các cơ quan thông tấn báo chí giúp cho tất cả mọi người hiểu rõ điều này:

Ông Nguyễn Văn Nha- thành viên Ban quản lý di tích Phủ Giày (Nam Định) cho biết: “Theo tôi khó có thể quản lý được tiền công đức. Có trường hợp công đức hàng tỷ đồng để duy tu sửa chữa các đệ tứ, đệ nhất... song họ chỉ làm việc với thủ nhang”.

Việc quản lý tiền công đức không phải làm hại đến ai mà chỉ có ích thêm cho các nhà chùa, đền miếu, bởi một khi mọi chuyện được minh bạch hóa, chúng ta sẽ có một hành lang pháp lý vững chắc trong việc sử dụng tiền công đức thế nào. Về nguyên tắc, mọi hoạt động một khi đã phát sinh nguồn thu thì cần rõ ràng việc chi tiêu, sử dụng số tiền ấy như thế nào, bởi đó là tiền đóng góp của dân. Còn nếu đó là tiền do các tăng ni lao động mà có được thì không ai dám động vào”.

PGS -TS Đặng Văn Bài - Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam cũng đồng tình với quan điểm này của ông Quang: “Theo tôi đặt vấn đề quản lý tiền công đức là đúng, bởi đơn giản nhất là người dân có quyền được biết số tiền mình công đức vào đền, chùa sẽ được chi tiêu thế nào, càng minh bạch bao nhiêu thì càng tốt bấy nhiêu. Không phải tất cả các nhà tu hành, các thành viên ban quản lý di tích đều sử dụng tiền công đức sai mục đích nhưng cũng đã có một vài trường hợp xảy ra. Tuy nhiên, vai trò của Nhà nước trong việc quản lý tiền công đức đến đâu phải được thể hiện một cách khéo léo”.

Việc cho ra một thông tư quản lý tiền công đức - một lĩnh vực rất nhạy cảm là hết sức cần thiết, nhưng nó không thể được tiến hành vội vã mà cần lắng nghe ý kiến từ rất nhiều phía, đặc biệt là các nhà tu hành.

Theo: Danviet.vn
 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này