Sự ổn định và phát triển của Phật giáo tỉnh Bình Định - Phật Giáo Việt Nam
16:51 +07 Thứ hai, 29/04/2024

Sự ổn định và phát triển của Phật giáo tỉnh Bình Định

Thứ hai - 26/03/2012 15:53
(HDPT) - Theo thống kê, tính đến ngày 01 tháng 10 năm 2011, toàn tỉnh có 399 cơ sở Tự, Viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật Đường, có 1158 vị Tăng Ni và 17.500 Phật tử tại gia. Hầu hết các Tổ đình, Tự, Viện, Tịnh xá, Tịnh thất…
 

 

 

 

 

 

 

SỰ ỔN ĐỊNH VÀ PHÁT TRIỂN

CỦA PHẬT GIÁO TỈNH BÌNH ĐỊNH

 

Ban Trị Sự Phật Giáo tỉnh Bình Định

 

Sự kiện GHPGVN được thành lập vào tháng 11-1981 là một bước ngoặt lớn trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Sự thống nhất của Giáo hội Phật giáo Việt Nam về mặt tổ chức và hoạt động quả là một yêu cầu cấp thiết nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển xã hội trong một quốc gia hòa bình, đồng thời khẳng định Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc trong mọi thời đại.

Cùng hòa nhịp với Phật giáo cả nước, năm 1982 Ban Trị sự Phật giáo tỉnh Nghĩa Bình được thành lập do cố HT. Thích Kế Châu làm Trưởng Ban. Đến năm 1990 Bình Định tách ra từ tỉnh Nghĩa Bình và đến năm 1992, Ban Trị sự Tỉnh GHPG Bình Định mới chính thức được hình thành Nhiệm kỳ I (1992 – 1997) do cố HT. Thích Kế Châu làm Trưởng Ban Trị sự. Trong suốt 20 năm qua, Ban Trị sự Phật giáo tỉnh cùng Tăng Ni đã thực hiện được nhiều Phật sự quan trọng trong việc duy trì và phát triển tinh hoa của Phật giáo, đào tạo nhiều thế hệ Tăng Ni trẻ để kế thừa sự nghiệp hoằng pháp lợi sanh, tổ chức các đạo tràng nhằm hướng dẫn hàng Cư sĩ Phật tử tại gia tu học trong chánh kiến. Ban Trị sự Phật giáo tỉnh đã mở 04 Đại giới đàn vào các năm 1994 ĐGĐ Phước Huệ; năm 2000 ĐGĐ Chánh Nhơn; năm 2004 ĐGĐ Huệ Chiếu và năm 2009 ĐGD Giác Tánh để truyền giới cho hàng ngàn giới tử xuất gia, hàng chục ngàn giới tử tại gia. Trường Trung cấp Phật học Bình Định được hình thành từ năm 1992 đến nay đã đào tạo hoàn thành được 5 khóa với hơn 850 Tăng Ni sinh tốt nghiệp, khóa VI (2011 – 2014) hiện có 175 Tăng Ni đang theo học.

Theo thống kê, tính đến ngày 01 tháng 10 năm 2011, toàn tỉnh có 399 cơ sở Tự, Viện, Tịnh xá, Tịnh thất, Niệm Phật Đường, có 1158 vị Tăng Ni và 17.500 Phật tử tại gia. Hầu hết các Tổ đình, Tự, Viện, Tịnh xá, Tịnh thất… trong tỉnh đã được trùng tu, tái thiết khang trang. Các đạo tràng Bát Quan Trai, các khóa tu được tổ chức liên tục và số lượng ngày càng tăng, quy tụ hàng ngàn Thiện Tín Phật tử tham dự. Gia đình Phật tử sinh hoạt đều đặn trong lòng Giáo hội. Hằng năm các hoạt động Từ thiện xã hội lên đến hàng tỷ đồng, số tiền nầy đã được Tăng Ni và đồng bào Phật tử nhiệt tình ủng hộ.

Năm 1994, UBND tỉnh Bình Định đã bàn giao lại chùa Giáo hội Tỉnh, số 141 Trần Cao Vân, Tp. Quy Nhơn để làm trụ sở chính của Giáo hội Phật giáo tỉnh nhà. Sau đó Ban Trị sự tỉnh đã khởi công đại trùng tu Chánh điện, Hội trường quy mô như hiện nay. Ngoài những Phật sự tại tỉnh nhà, Ban Trị sự tỉnh đã phối hợp với Ban Hoằng Pháp Trung ương tổ chức Khóa Bồi Dưỡng Hoằng pháp ngắn ngày cho Tăng Ni các Tỉnh, Thành miền Trung và Tây nguyên vào năm 1999.

Trong lĩnh vực văn hóa, các lễ hội Phật giáo hằng năm tại tổ đình Thập Tháp và chùa Linh Phong thu hút hàng chục ngàn tín đồ Phật tử các nơi về tham dự. Về in ấn phẩm đã biên soạn và giới thiệu các đầu sách: “Danh mục Tự, Viện Phật giáo Bình Định; Long Bích Kế Châu Thi liên tập; Lược sử Văn học Phật giáo Việt Nam thời Đinh, Lê, Lý, Trần; Nghi thức Đại Đàn Dược sư thất châu; Câu chuyện Nhà sư Bình Định v.v... Đầu năm 2011, Ban Trị sự đã mở ra trang Web Phật giáo Bình Định (phatgiaobinhdinh.com), nhằm phổ biến các hoạt động của Phật giáo tỉnh nhà và giới thiệu những nét đặc thù của Phật giáo địa phương qua nhiều phương diện. Ngoài ra Ban Văn hóa định hướng xúc tiến việc biên soạn bộ lịch sử Phật giáo tỉnh nhà.

Cùng với những thay đổi lớn lao của đất nước trên mọi phương diện của đời sống xã hội, có thể nói rằng Phật giáo Việt Nam đang có những bước chuyển mình rất ý nghĩa để viết nên những trang sử mới cho Đạo pháp và dân tộc.

Khi đời sống vật chất được nâng cao, nhu cầu tâm linh của người Phật tử nói riêng và của người dân Việt Nam nói chung đang thay đổi nhanh chóng. Nếu như cách đây hơn 20 năm người ta về chùa để cầu nguyện sao cho cuộc sống được ấm no, đủ ăn, đủ mặt, thì ngày nay, người Phật tử tại gia về chùa để tìm một pháp môn tu tập thích hợp nhằm thăng hoa đời sống tâm linh và người dân Việt Nam đang đến với đạo Phật để tìm ra những phương thuốc giải tỏa những trở ngại, căng thẳng trong đời sống vật chất thặng dư của mình. Do vậy, nhu cầu tâm linh của dân tộc Việt Nam đang thay đổi rất nhanh từ những tác động trực tiếp hay gián tiếp của nền kinh tế thị trường ngày nay.

Trong bối cảnh như thế, vai trò của Giáo hội trong việc lèo lái đúng hướng con thuyền Phật giáo Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng và cần thiết. Với tâm nguyện phụng sự chúng sanh để báo đáp ân đức của đức Phật và các bậc tiền nhân, Chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội đã thành tựu nhiều Phật sự quan trọng. Bên cạnh những thành tựu của Phật giáo Việt Nam trong thời gian qua, nhằm đóng góp ý kiến cho việc giữ gìn và truyền bá chánh pháp của Giáo hội được hiệu quả, đáp ứng những nhu cầu mới của thời đại ngày nay, đại diện cho Tăng Ni bản tỉnh, Ban Trị sự  tỉnh GHPG Bình Định xin được đề đạt lên Chư Tôn Đức HĐTS TW một số nhận xét và kiến nghị sau:

- Cần chú trọng đến việc thống nhất thời điểm và địa phương trong việc tổ chức các Đại giới đàn trên toàn quốc. Việc tổ chức Đại giới đàn mà quá đề cao hình thức phô trương và số lượng giới tử, không chú trọng đến chất lượng nội hàm sẽ dần dần đánh mất đi tính thiêng liêng của việc thọ giới, làm ảnh hưởng đến việc tu học theo chánh pháp của các giới tử. Giáo hội cần trao đổi với Ban kiến đàn của các Đại giới đàn trong việc kiểm tra hạnh kiểm, tác phong, kiến thức về giáo lý và nhất là việc thuộc lòng hoặc am hiểu căn bản về giới luật của các giới tử. Sự dễ dãi trong việc quy định điều kiện đủ để thọ giới sẽ tạo một tiền lệ bất cập về sau trong các Đại giới đàn.

-       Tổ chức những diễn đàn, những buổi tọa đàm và cho xuất bản những tác phẩm bàn về những thách thức lớn của Phật giáo, của thời đại như: Hòa hợp và đoàn kết tôn giáo, vấn đề hôn nhân khác tôn giáo, giữ gìn và bảo vệ môi trường, sử dụng hóa chất độc hại trong nông nghiệp và chăn nuôi ... Sự hoang mang, mất định hướng trong đời sống gia đình, đời sống tôn giáo, và đời sống xã hội của người Phật tử tại gia đang rất cần sự quan tâm và giải tỏa của các cấp lãnh đạo Giáo hội.

-       Giáo hội Trung ương cần bàn thảo, tiếp xúc và có quan điểm chính thức đến các hiện tượng và các trào lưu mới đang nảy sinh trong môi trường Phật giáo hiện nay như:

+ Sự ra đời tự phát của các Ban hộ niệm trong nước do các nhóm cư sĩ tự đứng ra thành lập và tuân thủ theo nguyên tắc sinh hoạt riêng của mình, đôi khi sinh hoạt theo đường hướng của một vài cá nhân và tổ chức tại hải ngoại.

+ Sự hình thành các nhóm Phật tử tu Thiền, Tịnh, Mật theo cách thức của một số tổ chức Phật giáo Việt Nam tại hải ngoại, hoặc một số tông phái Phật giáo thuộc các quốc gia khác.

+ Các phong trào trị liệu và hành trì mới lạ, khác xa với giáo lý đạo Phật nhưng lại nhân danh Phật giáo để dễ bề quảng bá, phô trương phong trào của mình. Cần kết hợp với các cơ quan chức năng nhanh chóng chặn đứng và giải quyết dứt khoát những trường hợp lợi dụng hình ảnh Phật giáo trong các ấn phẩm văn hóa nghe, nhìn, đọc với dụng ý riêng của các cá nhân và tổ chức phi Phật giáo.

-       Đối với tầng lớp Tăng Ni trẻ đang theo học tại các trường Phật học các cấp, Giáo hội TW cũng như Ban Trị sự các Tỉnh, Thành cố gắng tạo điều kiện để các Tăng Ni sinh nội trú, hoặc tạm trú các Tự, Viện tại địa phương. Hội đồng điều hành các Học viện và Ban Giám hiệu các Trường cấm tuyệt đối việc Tăng Ni sinh cư trú tại nhà Phật tử, nhà riêng, hạn chế tối đa việc Tăng Ni cư trú tại các tịnh thất cá nhân nằm ngoài sự quản lý của Giáo hội.

-       Trong lĩnh vực Giáo dục Phật giáo, Ban Giáo dục Tăng Ni Trung ương cần phải sưu tập chương trình và giáo án giảng dạy tại các Trường TCPH và các lớp Cao đẳng trên toàn quốc để đi đến thống nhất việc quy định thời gian và nội dung giảng dạy, đào tạo của các trường TCPH và các lớp Cao đẳng Phật học. Việc biên soạn và xuất bản sách giáo khoa cho các trường Phật học là một nhu cầu cấp thiết hiện nay.

-       Để thúc đẩy việc phổ biến Phật pháp đến giới trẻ trong một quốc gia có dân số trẻ tuổi chiếm đa số như Việt Nam ngày nay, Giáo hội cần thành lập Phân Ban Thanh Thiếu Niên Phật tử trực thuộc Phân Ban Hướng dẫn Cư sĩ Phật tử và Phân Ban Hoằng Pháp Trẻ trực thuộc Ban Hoằng Pháp để quy tụ các doanh nghiệp trẻ, các tầng lớp học sinh, sinh viên cùng sinh hoạt và học hỏi Phật pháp theo tinh thần năng động, hiện đại, thích hợp với hoàn cảnh thực tế của xã hội ngày nay.

-       Tổ chức biên soạn một bộ sách giáo lý dành cho tầng lớp thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, trong đó nên trình bày giáo lý Phật giáo một cách súc tích, dễ hiểu, hợp với ngôn ngữ và tư duy mới. Bộ sách không chỉ thuần túy trình bày những giáo lý cơ bản mà còn gợi mở hướng giải tỏa những bế tắc trong đời sống tinh thần cùng những vấn đề thời đại mà giới trẻ hiện nay đang phải đối mặt như sự cô đơn trong cuộc sống, bạo lực học đường, sự tiêm nhiễm các căn bệnh xã hội, trào lưu hướng ngoại, quan hệ tình dục trước hôn nhân…

Trên đây là những kiến nghị rất chân thành phát xuất từ việc đánh giá những thay đổi và phát triển của Phật giáo Việt Nam trong thời gian vừa qua. Việc cập nhật những thông tin về những bất cập trong cộng đồng Phật giáo để từ đó đề xuất và đi đến thực hiện những giải pháp thỏa đáng là điều mà Tăng Ni, Phật tử các nơi trông mong từ phía Giáo hội.

Ba mươi năm là một khoảng thời gian đủ để nhìn lại những thành tựu cũng như những trở ngại khách quan và chủ quan của Giáo hội nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung. Thiết nghĩ, sự đoàn kết, hòa hợp trong nội bộ của Giáo hội, sự gắn bó hài hòa giữa Giáo hội với Chính quyền, Cơ quan, Đoàn thể cũng như các Ban Trị sự Tỉnh Thành, việc đổi mới của Giáo hội trên phương diện hành chánh và tư tưởng chỉ đạo mang tính khoa học thời đại sẽ là những yếu tố căn bản để Giáo hội mãi luôn xứng đáng là điểm tựa vững chắc, là nơi hội tụ nội lực thực sự của Phật giáo Việt Nam trong thời đại hôm nay./.

 
(GHPGVN)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này