Áo tràng lam đứng lớp - Phật Giáo Việt Nam
02:58 +07 Thứ hai, 13/05/2024

Áo tràng lam đứng lớp

Thứ tư - 05/12/2012 20:52
(HDPT) - Mọi người không ai mà không trải qua những tháng ngày mài đũng quần trên ghế nhà trường, những ngày ghi dấu kỷ niệm của một thời áo trắng.
 

Thế là từ đó….Tôi biết nghi lễ Phật giáo nhiều hơn. Tôi biết niệm Phật: Nam Mô A Di Đà Phật trước khi vào lớp; tôi biết hồi hướng: Nguyện đem công đức này…khi kết thúc tiết học; tôi biết cách quỳ lạy nhẹ nhàng đúng cách; tôi vận dụng những câu nói hay của Đức Phật, những bài viết về Phật giáo để đưa vào bài giảng; tôi biết niệm Phật trước khi ăn cơm để biết ơn người cho ta hạt gạo, tôi biết ăn đủa để gắp thức ăn và muỗng để xúc cơm ăn cho riêng mình; tôi lớn hơn mọi điều tôi biết hồi giờ.

Tôi dạy và làm việc trong ngành giáo dục đã hơn mấy chục năm qua.

Mọi người không ai mà không trải qua những tháng ngày mài đũng quần trên ghế nhà trường, những ngày ghi dấu kỷ niệm của một thời áo trắng.

Nhật ký trong lưu bút đều viết về những ngày hè chia tay, ve kêu, phượng nở, chín mươi ngày nhớ thương…

Tất cả mọi người đều biết coi như là quy luật tự nhiên: Nghỉ hè. Thì hồi giờ ta vẫn nghỉ hè đó thôi! Trời nóng quá mà, ve kêu quá mà làm sao học được. Tiếng ve thôi thúc ta phải làm một cái gì đó, phải ra vườn ngắm bầu trời xanh ngắt tầng cao, phải lò dò đi tìm chú ve sầu và phải hát theo bản tình ca ve ve ve với anh chàng ca sĩ mùa hè nữa chứ….Ta nói nghỉ hè, nghỉ hè….và mấy chục năm qua ta vẫn nghỉ hè đó thôi. Ạ!…nhưng năm nay và sở dĩ tôi viết những dòng này vì năm nay…tôi, nghỉ thu. Vâng, tôi nghỉ vào mùa thu chứ không phải nghỉ vào mùa hè như bao năm qua. Mùa hè, nóng ơi là nóng! Tôi lại mặc hai, ba lớp áo, vô lớp tăng, ni sinh cũng mặc hai, ba lớp áo, lớp đông ơi là đông. Cái nóng mùa hè xứ biển không tha chúng tôi ở chốn thiền môn này.

 

Chẳng là tôi được Mục Đồng - tên gọi thân thương trong ninh-hoa.com - thật ra là Đại đứcThích Đạo Quang, Hiệu phó trường Trung cấp Phật học tỉnh Khánh Hòa, mời tôi dạy môn Việt văn của trường. Tôi la oái oái từ chối. Đây là trường tiếp nhận sinh viên tăng, ni sinh đã tốt nghiệp Tú tài, học ba năm, vậy thực ra phải gọi là Cao đẳng Phật học mới đúng, trình độ phải là Cao đẳng, Đại học, tôi tài hèn sức mọn làm sao đảm trách nổi. Thầy Đạo Quang và quý thầy trong Ban Giám hiệu cứ kêu: Được mà!!! Ngó bộ là được mà. Úy trời! Chắc ngó bộ mình cũng ngon lành, ăn nói lên bổng xuống trầm hay sao mà kêu được? Thế là tôi “ xâm” mình: Dạ ..đại và cũng từ đó tôi lo đủ thứ.

 Vô Sài Gòn, tôi bảo SaSa chở tôi đi các nhà sách lục tung: Dẫn luận Ngôn ngữ học, Cơ sở văn hóa Việt Nam, Tiếng Việt thực hành (đủ các tác giả), Ngữ pháp Tiếng Việt, Văn bản và liên kết trong Tiếng Việt, Việt Nam văn học, Thi văn bình chú….Những quyển sách văn không ai buồn mua bao năm trên kệ sách, người ta mãi mua sách Tiếng Anh, Kinh tế, Ngân hàng…..Cô bán hàng nhìn tôi ngạc nhiên xen lẫn trìu mến. Rồi tôi về Nha Trang đi các nhà sách tiếp, siêu thị sách, Fahasa, Phương Nam lựa sách: Văn học Lý Trần, Những sáng tác văn học của các Thiền sư thời Lý-Trần, Phương pháp dạy Tập Làm văn…rồi nóng quá ngồi trên ghế bành đọc sách “ cọp” trong không gian mát lạnh của máy điều hòa nhiệt độ. Rồi tôi điện thoại cho các học trò, các nhỏ học qua Đại học mượn vở sách hiện hành, giáo viên mượn tài liệu…Tôi nghĩ chương trình dạy phải tiệm cận với chương trình giáo dục hiện hành. Cả nhà một đống văn chương.

 Rồi tôi cũng băn khoăn không biết mặc gì đây? Đúng là mặc áo dài. Thật đàng hoàng. Đúng ra là như thế nhưng đi đường xa quá mà, guốc cao gót bước lên bước xuống bục viết bảng, già rồi té cái chắc chết. Thế là mặc áo tràng để thấy gần gũi…nhưng giống đi chùa quá! Thế là ta vẫn là ta, mình vẫn là mình, màu áo riêng giữa rừng áo đà đất Phật.

 Tôi cũng ngại ngùng không biết xưng hô thế nào. Vẫn là cô; vì đang đứng trên bục giảng mà, đang truyền kiến thức nhân loại đến cho các bạn đây mà. Còn chừng nào vào chùa ta sẽ chấp tay: Nam mô A di Đà Phật đàng hoàng. Rồi em, chú, cô, tăng ni sinh…Vâng! Dù cách xưng hô thế nào đi nữa ta vẫn cùng các tăng ni sinh đang củng cố cho mình về văn chương để văn hay hơn, chương trong sáng hơn, nói, viết tốt hơn trong bất cứ môi trường nào, lãnh vực nào.

 

Ngày đầu tiên lên lớp, Tôi: khăn gói đàng hoàng, giáo án một bên, mặc áo dài xanh nước biển, giày cao gót, ra dáng cô giáo lắm rồi. Khi tôi đến trường…Ối trời! Gặp quý thầy quen không hà. Thầy ở Diên Khánh. Quen biết thầy ở chùa rồi gặp nhau trong môi trường làm việc này. Và thầy mà ngày trước là học trò học Văn của tôi. Cuộc đời có nhiều cái cũng hay. Giờ đây thầy là Hiệu phó của trường. Và chính học trò mình đưa tôi lên giới thiệu với lớp học:

- Đây chính là cô giáo dạy Văn của thầy dạy thầy hồi nhỏ. Bây giờ thầy lại được làm công việc giới thiệu cô giáo chính mình với các em. Và xin trân trọng giới thiệu cô giáo dạy môn Việt văn của lớp chúng ta.

Cả lớp trố mắt nhìn cô giáo. Màu áo khác biệt giữa rừng áo lam. Sau khi nói vài lời phi lộ, cách dạy, cách xưng hô….nghề giáo, nghề nói ăn vào máu thịt, tôi đi vào Ngôn ngữ học, ký hiệu của ngôn ngữ, dẫn luận vào ngôn ngữ kèm theo liên hệ thực tế ngôn ngữ đời thường. Thỉnh thoảng cô trò cùng cười, vui trong hai tiết dạy liền nhau một cách tự nhiên. Kết thúc tiết học cũng vui. Vài tăng sinh xúm quanh tôi hỏi chuyện. Tôi cũng tự bằng lòng với chính mình. Bỗng tin nhắn bay tới:

- Ecxellent…Chúc mừng cô giáo ngày đầu tiên lên lớp thành công tốt đẹp.

Ai vậy trời! Tôi lò dò đi tìm thầy Mục Đồng. Ủa quên! Thầy Đạo Quang. Ai ngờ thầy bệnh, ngồi trùm mền trong phòng. Vậy là thầy dự giờ, nghe hết những lời giảng của tôi từ đầu tới đuôi. Và:

- Cô Trí dạy tốt. Tôi có gởi lời chúc đến cô đó.

Té ra thầy Hiệu phó nhà mình. Thầy dùng số điện thoại khác tôi nào biết đâu. Ngẫm lại cũng  giật mình.

Thế là từ đó…. Tôi đi vào trường Trung cấp Phật học Khánh Hòa mà hồi giờ nghe tiếng lòng đầy ngưỡng mộ. Tôi đi vào chùa Long Sơn cổ kính lắng nghe tiếng chuông chùa trầm lắng từng cung bậc, thấy gần gũi thân thương biết bao! Có lần quẹo xe vô cổng chùa, khách du lịch xuống xe lo chỉ trỏ ngắm nhìn, xe đậu tùm lum trước cổng, tôi bóp còi tin tin mà không chịu tránh, tôi va vào một bà đầm, bà không sao, còn tôi té xe đau cả người lại còn bị một bà bán đồ dạo lại mắng té tát vào mặt, lấy lòng du khách để mời mua hàng. Tôi nín thinh lặng lẽ gạt nước mắt vô chùa, lên lớp dạy, muốn nói một chút gì đó, chia xẻ gì đó mà đành chịu thua.

 

Thế là từ đó…. Tôi bắt đầu dạy trong môi trường mới. Tôi nói say mê về văn chương. Tôi giảng về “ phong ba bão táp” của Ngữ pháp Tiếng Việt. Tôi nói về nghĩa hiển ngôn, nghĩa hàm ngôn, nghĩa ẩn sâu cần phải hiểu thêm mà ý đó là ý chính của tục ngữ, ca dao, câu thơ, những câu nói kèm thái độ của người Việt Nam. Tôi nói về cách Làm văn, về Đánh thắng vạn quân không bằng tự thắng lấy mình, Chiến thắng mình là chiến công oanh liệt nhất…. Có lần một tăng sinh đưa tôi xem một bài thơ hay văn hổng biết, có ý nhưng cách diễn tả chưa tốt, tôi đọc được ở đó một tấm lòng đối với ngôi chùa đang tu tập. Trong lần cho lớp viết một đề tài tự chọn và chọn ra thuyết trình, tôi đọc được ở đó một sự giải bày, một lý tưởng, một tâm sự, một nguyên nhân, một chí hướng…Tôi vui vui. Tôi đã thắp lên ngọn lửa yêu văn chương đối với những người mình dạy học.

Sau đó nhà trường tổ chức hội giảng, mỗi giáo thọ dạy cho tổ, nhà trường dự giờ. Úy trời! Đã mấy chục năm nay tôi đi thanh tra người ta, tổng kết thanh tra đánh giá các trường, bây giờ mình phải là đối tượng lên lớp. Chẳng lẽ lại từ chối, chẳng lẽ…Thôi leo lên lưng cọp rồi, cho nó chạy đi đâu cũng được. Soạn bài, lo lắng rồi tôi vẫn là tôi, lên lớp trước mặt sinh viên là quên tất cả, nói diễn giảng với đối tượng là người học, cốt sao cho mọi người hiểu. Cuối tiết, tổng kết bài học với sơ dồ trên bảng, dặn dò, cho bài tập về nhà…À không, sinh viên nói bài tập về chùa. Rồi tôi lại được nhà trường chọn ra dạy tiết dạy mẫu cho thầy cô dự. Và trong những ngày cuối đông chia tay năm cũ chuẩn bị đón năm mới mừng Xuân, trường tổ chức buổi thiền trà, trong cái nhẹ nhàng đi như lướt trên mây của thiền sinh dâng trà, buổi tiệc trà đượm màu thiền long lanh sương khói, hương trà thoang thoảng, mùi trầm hương toả, một màu vàng ngời sáng dưới trướng Phật uy nghi…nhà trường tổng kết việc dạy và học. Bỗng tôi nghe xướng tên tôi lên nhận quà khen thưởng giáo viên dạy giỏi. Già rồi mà còn mừng mới chết chứ! Ngày xưa phát cho người ta, ngày nay già rồi lại được phát tặng lại. Cuộc đời xoay vần có nhưng chuyện không bao giờ ngờ được.

Lễ Vu lan, tôi rủ bạn đi dự. Kính trọng, nghi lễ Phật giáo cung kính mời Hoà thượng Hiệu trưởng, quý thầy cô lên dự lễ. Lời tự bạch của tăng, ni sinh dâng lên giáo thọ trong mùa tri ân, đoá hoa hồng trên áo, phần văn nghệ màn kịch, ca hát…thể hiện một năng lực tiềm tàng, một tình cảm tràn đầy đối với sư tổ.

 

Thế là từ đó….. Tôi cắm cúi soạn bài. Tôi tận tình giảng dạy. Một tình cảm dâng lên chan hoà. Không dạy thì thôi, khi dạy thì thấy gắn bó. Đúng là nghề thầy! Cái nghịch ngợm của tuổi trẻ, cái chấp tay chào cung kính khi gặp cô giáo, cái quơ quơ tay mừng rỡ: Cô, cô…Mọi sự thể hiện đều tình cảm. Tôi được quý thầy ưu ái mời vào ban biên tập Nội san Quảng Đức, Tiếng nói của Tỉnh hội Phật giáo Tỉnh Khánh hoà. Nói Ban biên tập cho oai, chứ tôi coi qua phần thơ và tôi có mời các Câu lạc bộ thơ trong tỉnh gởi bài tham gia.

Thế là từ đó….Tôi biết nghi lễ Phật giáo nhiều hơn. Tôi biết niệm Phật: Nam Mô A Di Đà Phật trước khi vào lớp; tôi biết hồi hướng: Nguyện đem công đức này…khi kết thúc tiết học; tôi biết cách quỳ lạy nhẹ nhàng đúng cách; tôi vận dụng những câu nói hay của Đức Phật, những bài viết về Phật giáo để đưa vào bài giảng; tôi biết niệm Phật trước khi ăn cơm để biết ơn người cho ta hạt gạo, tôi biết ăn đủa để gắp thức ăn và muỗng để xúc cơm ăn cho riêng mình; tôi lớn hơn mọi điều tôi biết hồi giờ.

Thế là từ đó…Những buổi chiều dạy lớp được ngắm hoàng hôn ở chùa Long Sơn thật tuyệt! Trời buồn âm âm, ráng vàng tím tím chiếu hắt qua cửa lớp. Cảnh chùa thật yên tĩnh. Du khách cũng đi dạo nhưng ít hơn và họ đi cũng nhẹ nhàng hơn. Chính họ cũng cảm thấy nhè nhẹ không muốn phá vỡ không gian trầm lắng của ngôi cổ tự trang nghiêm. Lời giảng đầy tâm huyết bay bay, thỉnh thoảng điểm tiếng chuông ngân vang xa vọng vào vách đá len lỏi vọng lên tịnh thất qua giàn hoa lan, hoa trang, hoa huệ vui ngân nga đón từng giọt nước từ bàn tay quý thầy.

 

Và cây bồ đề trước lớp học, tán lá sà vào cửa lớp. Lần nào vào lớp tôi cũng đưa tay sờ vào những chiếc lá nâng niu một chút. Lạ thay! Mùa hè nóng cháy da người, cây âm thầm trụi lá. Lá vàng rụng rơi quanh gốc vun đống, những chiếc lá bay la đà vào lớp học chỗ bục giảng của tôi. Tôi bảo các ni sinh đừng quét. Hãy để đấy! Để lớp mình được ngắm chiếc lá của tâm từ bi mà Đức Phật đã hoá thân dưới cội bồ đề. Lá rụng nhiều rụng nhiều. Tôi cứ nhìn cây trong nỗi buồn sợ cây chết. Lo quá! Nhưng không. Và cuối hè sang thu, sau một tuần đi dạy lại, cây bồ đề lại đâm chồi nẩy lộc, lá non nhú mầm, một màu xanh non tươi mởn, một màu xanh reo vui, lá xanh vươn lên đầy sức sống. Màu xanh tươi roi rói non mởn khác với xanh đậm màu của cây cối xung quanh. Lạ ghê! Cây nào mùa đông rụng lá, mùa xuân đâm chồi.. Còn cây bồ đề Trường Trung cấp Phật học Khánh Hoà của tôi! Cây bồ đề Chùa Long Sơn của tôi! Trường tôi! Chùa tôi! Cho tôi giành một chút sự kính trọng thân thương của tôi về mình! Lá rụng rơi lại đâm chồi vào hè thu. Mùa thu, mùa mà câu nhân gian thường nói: Nhân tài như lá mùa thu, thì cây bồ đề lại trổ lá tươi màu xanh non vào mùa thu.

Có phải chăng như Đạo Phật lúc nào cũng ươm mầm, cũng tiềm tàng trong dân gian, trong lòng nhân thế, với cây cỏ vạn vật cũng như đối với con người!

Sức sống ấy vẫn âm ỉ cháy, được dịp là cháy bùng lên, không bao giờ lụi tàn, là ngọn đuốc soi sáng tâm chúng sinh hướng đời mình đến bến bờ giác ngộ vô ưu.

 

Nguyễn Thị Thanh Trí (Giảng viên Việt Văn trường TCPH Khánh Hòa)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này