Biểu tượng Phật giáo trong đời sống văn hóa – tín ngưỡng là một bộ phận của di sản văn hóa dân tộc - Phật Giáo Việt Nam
13:11 +07 Thứ bảy, 11/05/2024

Biểu tượng Phật giáo trong đời sống văn hóa – tín ngưỡng là một bộ phận của di sản văn hóa dân tộc

Thứ ba - 29/01/2013 02:42
(HDPT) - Trong quá trình Đạo Phật phát triển ở Hà Nội đã để lại cho thủ đô nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thể có giá trị văn hóa và nghệ thuật cao.
 
Đã từ lâu Hà Nội được xem là biểu tượng cho những giá trị văn hóa của dân tộc, là niềm tự hào của người Hà Nội. Nghiên cứu văn hóa Thăng Long - Hà Nội cũng chính là đang tìm hiểu văn hóa truyền thống của cả dân tộc. Tinh hoa văn hóa đó được thể hiện trong lối sống, nếp sống, đặc biệt là trong sinh hoạt văn hóa – tín ngưỡng của người Hà Nội. Tất cả những giá trị của văn hóa truyền thống này được kết tinh thành những “biểu tượng văn hóa” mang giá trị nhân văn sâu sắc.
Nói đến đời sống văn hóa không thể không nói đến biểu tượng. Nó được xem như là “hạt nhân cơ bản” của văn hóa, góp phần làm nên bản sắc văn hóa của mỗi cộng đồng - dân tộc. Biểu tượng chính là hình thức biểu hiện của văn hóa [1]
Ngày nay, cùng với quá trình hội nhập, đất nước chúng ta đang trên đà phát triển theo nền kinh tế thị trường, người ta luôn hối hả chạy theo các cách sống, lối sống hiện đại mang màu sắc thực dụng, để rồi lãng quên đi một quá khứ đẹp đẽ với biết bao điều có ý nghĩa mang giá trị tinh thần dân tộc. Những giá trị theo thời gian đã kết tinh thành các hệ thống biểu tượng văn hóa truyền thống. Chúng đã làm nên bản sắc văn hóa Việt Nam.
Chưa bao giờ vấn đề gìn giữ bản sắc dân tộc lại được coi trọng như ngày hôm nay. Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề này, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nêu rõ: “Văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, một động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời là một mục tiêu của chủ nghĩa xã hội”. Ngoài ra, Đảng ta còn khẳng định: "Đi vào kinh tế thị trường, mở rộng giao lưu quốc tế, công nghiệp hoá hiện đại hoá đất nước, tiếp thu những tinh hoa của nhân loại, song phải luôn luôn coi trọng những giá trị truyền thống và bản sắc dân tộc, quyết không được tự đánh mất mình, trở thành bóng mờ hoặc bản sao chép của người khác" [2].
Biểu tượng Phật giáo trong đời sống văn hóa – tín ngưỡng là một bộ phận của di sản văn hóa dân tộc. Loại hình ký hiệu tượng trưng này đã có mặt hầu hết trong các di tích lịch sử văn hóa – tôn giáo trên địa bàn Hà Nội.
Trong quá trình Đạo Phật phát triển ở Hà Nội đã để lại cho thủ đô nhiều di sản văn hóa vật thể và phi vật thểcó giá trị văn hóa và nghệ thuật cao. Năm 2010, thủ đô Hà Nội đã vinh dự tổ chức đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long  -  Hà Nội. Do đó, người Hà Nội càng nhận thức rõ hơn trách nhiệm đối với việc bảo tồn – phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc qua hệ thống các biểu tượng Phật giáo.
Ngày nay, Phật giáo có một vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, vì đạo Phật là đạo của tình thương và trí tuệ. Khi đề cập đến sự cần thiết phải có một tôn giáo chung cho toàn nhân loại, Einstein – nhà khoa học vĩ đại nhất thế kỷ XX đã phát biểu: "Tôn giáo của tương lai sẽ là một tôn giáo toàn cầu, vượt lên trên mọi thần linh, giáo điều và thần học. Tôn giáo ấy phải bao quát cả phương diện tự nhiên lẫn siêu nhiên, đặt trên căn bản của ý thức đạo lý, phát xuất từ kinh nghiệm tổng thể gồm mọi lĩnh vực trên trong cái nhất thể đầy đủ ý nghĩa. Phật giáo sẽ đáp ứng được các điều kiện đó". Và ông nhận định tiếp: "Nếu có một tôn giáo nào đương đầu với các nhu cầu của khoa học hiện đại thì đó là Phật giáo. Phật giáo không cần xét lại quan điểm của mình để cập nhật hóa với những khám phá mới của khoa học. Phật giáo không cần phải từ bỏ quan điểm của mình để xu hướng theo khoa học, vì Phật giáo bao hàm cả khoa học cũng như vượt qua khoa học" [3].
Đạo Phật có được sự tồn tại và phát triển ở nhiều nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng cho đến tận ngày nay, là vì ngay trong lòng hệ thống các biểu tượng Phật giáo đã hàm chứa những triết lý nhân sinh như: luân hồi, nghiệp báo, vô thường, vô ngã, nhân quả… đã ảnh hưởng sâu đậm trong từng lối sống, nếp nghĩ và trong cả đời sống văn hóa – tín ngưỡng của người Hà Nội.
Hầu hết, những ngôi chùa thờ Phật ở Việt Nam, từ cây cỏ ngoài khuôn viên cho đến bài trí các ban thờ, điện thờ, nhân vật được thờ, và cả sinh hoạt trong chùa (lễ bái, hội hè...) hoàn toàn mang tính biểu tượng .   
Biểu tượng Phật giáo là những ngôn ngữ - ký hiệu thuộc về tôn giáo Đạo Phật. Biểu tượng Phật giáo gắn liền với Kinh, Luật, Luận và các nghi lễ của tôn giáo này. Có thể nói biểu tượng Phật giáo là loại hình ngôn ngữ  tượng  trưng – ký hiệu hàm nghĩa. Theo cách triếp cận ký hiệu học để phân loại  thì chúng bao gồm các lọai hình  ngôn ngữ - ký hiệu sau đây:
- Loại hình ngôn ngữ – ký hiệu nói được biểu hiện thông qua hình thức sau: diễn giảng, thuyết pháp, tụng kinh, diển xướng, đọc phù chú.v.v…
- Loại hình ngôn ngữ – ký hiệu nhìn được biểu hiện thông qua hình thức sau: các loại hình nghệ thuật tạo hình như: tượng Phật, tượng Thánh, tượng Thập nhị Diêm Vương.v.v…tranh ảnh Phật, Thánh, hoành phi, câu đối đục chạm điêu khắc trên gỗ, các hình thức trang trí theo mô thức Tứ linh, Tứ quí.v.v…Ngoài ra, các chùa còn xây dựng các mô hình  kiến trúc theo chữ Công, chữ Đinh v.v. …hoặc theo kiểu “Nội công ngoại quốc”, mái chùa có biểu tượng chữ Vạn hoặc bàn tay đở bánh xe chuyển pháp luân.v.v…
- Loại hình ngôn ngữ – ký hiệu nghe được biểu hiện thông qua các loại hình âm nhạc Phật Giáo, chuông , trống, mõ, khánh, giàn bát âm trong các nghi thức, nghi lễ Phật giáo.
- Loại hình ngôn ngữ – ký hiệu động tác hình thể được biểu hiện trong các nghi lễ, nghi thức cúng bái của Phật giáo như: các động tác trong khi ngồi thiền theo kiểu kiết già hay bán già, hay các động tác trong khi đi kinh hành, hoặc lên đàn cúng trai Tăng, cúng Phật.v.v…
- Loại hình ngôn ngữ – ký hiệu viết được biểu hiện thông qua các văn bản kinh, luật, luận hoặc những câu chuyện về sự tích của Phật giáo.
- Loại hình ngôn ngữ – ký hiệu tổng hợp được biểu hiện trong các kỳ dịp Lễ hội Phật giáo. Thông qua các ngày lễ này, các biểu hiện mang tinh tổng hợp cùng xuất hiện như: múa, hát, cúng bái, tế lễ, tụng kinh, thuyết pháp, trai tăng, cỗ bàn, trò diễn, trò chơi. v. v…
Vì vậy, tất cả các loại hình ngôn ngữ - ký hiệu nói trên đều mang tính biểu tượng (symbolic). Tức là nó luôn hàm chứa những ý nghĩa thâm trầm sâu sắc qua các hình tượng. Chúng phải được “giải mã” thì mới có thể hiểu được các ý nghĩa đang chìm khuất trong lòng các biểu tượng (symbols). Thế giới ý nghĩa chính là thế giới của văn hóa.
Trong buổi đầu, tiếp cận với biểu tượng Phật giáo ta nhận thấy trong  lòng nó đã mang nhiều yếu tố nghệ thuật đặc sắc. Song để có thể hiểu nó, ta phải giải mã các hệ thống biểu tượng này. Để có thể hiểu rõ các ý nghĩa thật sâu sắc mà người xưa đã gửi gắm vào trong nó. Qua đó mọi người sẽ cảm nhận được sự linh thiêng, như là đã được thiết lập bởi một thế giới tâm linh.
Trải qua quá trình lâu dài hàng nghìn năm thâm nhập vào Việt Nam, Phật giáo đã ngấm sâu vào đời sống văn hoá tín ngưỡng của người Hà Nội và chính biểu tượng Phật giáo đã chứng tỏ được vai trò của mình, là nó luôn biểu hiện chức năng giáo dục, đạo đức cho con người, giúp cho họ hình thành nhân cách thật sâu sắc. Tất cả những giá trị này đều mang tính nhân văn.  Các biểu tượng Phật giáo đã hình thành nên những “di sản văn hóa vật thể” và “di sản văn hóa phi vật thể”. Chúng là một trong những yếu tố cốt lõi  nhất làm nên “bản sắc văn hóa” của cộng đồng - dân tộc Việt Nam.
Khi nghiên cứu về Phật giáo, chúng ta không thể không nghiên cứu “ký hiệu học”. Bởi vì, ngành học này giúp chúng ta có được những tri thức, những phương pháp tiếp cận trong nghiên cứu văn hóa. Từ đó, có thể tìm hiểu và “giải thích” được những ý nghĩa đang còn chìm khuất trong lòng các biểu tượng Phật giáo.  Việc bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa (vật thể và phi vật thể) là việc làm cần thiết trong giai đoạn hiện nay - thời kỳ toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Việc giữ gìn bản sắc dân tộc là vấn đề được đặt ra trong thời kỳ công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước, sao cho quá trình văn minh hóa nhưng không làm đánh mất đi giá trị văn hóa truyền thống. Vì vậy, việc tìm hiểu và “giải mã” các biểu tượng Phật giáo trong các di sản văn hóa tôn giáo, cũng chính là nhằm để giữ gìn bản sắc văn hóa  của dân tộc.
Đây là bước tiếp cận đầu tiên về một lĩnh vực còn hết sức mới mẻ ở nước ta, đó là bộ môn “ký hiệu học”. Qua đó, có thể vận dụng môn học này vào trong nghiên cứu văn hóa truyền thống ở nước ta, cụ thể là lĩnh vực nghiên cứu Biểu tượng Phật giáo trong một số chùa tiêu biểu trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Biểu tượng Phật giáo ra đời trong lòng dân tộc từ rất lâu. Song, ý nghĩa của nó vẫn tiềm ẩn trong các di sản văn hóa tôn giáo. Việc tìm hiểu và giải thích ý nghĩa của các biểu tượng là việc làm rất cần thiết, để tránh việc hiểu sai và có sự nhầm lẫn trong quá trình đánh giá các biểu tượng. Từ đó, không thấy hết ý nghĩa cũng như giá trị của di sản văn hóa dân tộc mà dẫn đến việc vô tình hay hữu ý xóa bỏ các biểu tượng, hoặc làm biến dạng các biểu tượng văn hóa cổ truyền trong quá trình trùng tu và phục chế các di sản văn hóa dân tộc nói chung và biểu tượng Phật giáo ở Hà Nội nói riêng.
Chú thích:
1. Nguyễn Văn Hậu (1996),  “Đi tìm bản sắc văn hóa dân tộc thông qua hệ thống các biểu tượng” in chung trong sách: Phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Nxb Văn hóa thông tin, Hà Nội.
2. Văn kiện Hội nghị lần thứ tư, Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VII, NXB Sự Thật, Hà Nội, tr.5.
3.  ALBERT EINSTEIN, A Biographhy/F. Albrecht/ Viking/USA/1997. Collected famous quotes from Albert Einstein.
 

 

ThS. Nguyễn Như Hảo - Ban Tôn giáo Thành phố Hà Nội

Tổng số điểm của bài viết là: 1 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này