ĐĐ. Thích Minh Thành: Tu sĩ nơi quân trường - Phật Giáo Việt Nam
19:06 +07 Thứ sáu, 10/05/2024

ĐĐ. Thích Minh Thành: Tu sĩ nơi quân trường

Thứ hai - 17/12/2012 16:03
(HDPT) - Nhân Ngày Quân Đội Nhân Dân Việt Nam 22 tháng 12, chúng tôi phỏng vấn Đại Đức Thích Minh Thành (chánh văn phòng - trường trung cao Phật học tại TP.Hồ Chí Minh) về cuộc đời Thầy trong suốt bốn năm là người lính tại Quân Đoàn IV.
 
Lắng nghe để hiểu và chúng ta sẽ có nhận xét thực tế từ góc độ chuẩn mực về câu nói: “Cởi Áo Cà Sa - Khoác Áo Chiến Bào”.
PV: Kính bạch thầy, xin thầy giới thiệu vài nét về bản thân thầy?
Đại Đức Thích Minh Thành: Thầy sinh năm 1966 - thế danh tên Liêu Minh Trung, xuất thân từ gia đình nông dân - năm 1982 (16 tuổi), thầy xuất gia tại chùa Lăng Ca - Thị xã Sóc Trăng (438 Tôn Đức Thắng - Phường 5 - Tỉnh Sóc Trăng).
Ngày 04 tháng 03 năm 1987, có lệnh gọi nhập ngũ, như bao thanh niên trai tráng - thầy lên đường thi hành nghĩa vụ quân sự và nhập ngũ tại quân đoàn IV (hiện nay là Khu Công Ngiệp Sóng Thần - Bình Dương) để huấn luyện tân binh.
Sau ba tháng quân trường, thầy được biên chế về tiểu đoàn I - Lữ đoàn 22 (Tiểu Đoàn Bộ Binh Thiết Giáp), thầy ở đó gần một tháng, sau đó đơn vị đưa về trường hạ sĩ quan xe tăng I(Long Thành - Đồng Nai) để đào tạo khóa hạ sĩ quan, đến trường thầy được biên chế về tiểu đoàn III học lái xe tăng T54 khóa XVI.
Kết thúc chín tháng đào tạo lái xe, khi tốt nghiệp ra trường - thầy được biên chế về tiểu đoàn II (Lữ đoàn 22, Tăng Thiết Giáp - trực thuộc Quân Đoàn IV), từ đó thầy phục vụ cho đến ngày xuất ngũ trở về quê tiếp tục con đường tu hành.
PV: Cảm nghĩ của thầy như thế nào khi mình là người xuất gia nhưng phải nhập ngũ?
Đại Đức: Thích Minh Thành: Người xuất gia được học về Tứ Trọng Ân, - nhưng khi thầy nhận lệnh gọi nhập ngũ thì cũng như bao thanh niên khác và có nhiều suy tư đó cũng là tâm lý chung của tất cả thanh niên trước khi lên đường nhập ngũ.
 Nói chính xác là thầy rất lo môi trường ở quân ngũ khác hẳn thiền môn khi chuyển sang môi trường sống mới, người lính thì phải chấp hành nghiêm kỷ luật của quân đội, phải cầm súng chiến đấu - phải xử lý tình huống như thế nào…giết giặc…rồi nhân qủa…từ đời này qua đời khác v…v, oán thù chồng chất, những ý nghĩ đó cứ miên man trong tư tưởng thầy.
Nếu như hoàn tục rồi sau này mình có còn đủ duyên lành để quay trở lại tu hành nữa hay không?
Bởi vì: “Ngũ dục được ví như sức mạnh của một dòng thác, rồi đây với ý chí của mình có đủ nghị lực để vượt qua hay không? hay bị nó nhấn chìm và lôi cuốn biết bao giờ mới thoát khỏi…”.
Thầy suy nghĩ rất nhiều…đó là những ý nghĩ khi nhận được lệnh gọi nhập ngũ, nhưng thầy vẫn có một khái niệm là mình phải cố gắng hoàn thành nghĩa vụ, sau đó tiếp tục xuất gia thì đời sống tu tập sẽ có ý nghĩa hơn.
PV:
“Đừng hỏi tổ quốc đã làm gì cho ta?
Mà cần hỏi ta đã làm gì cho tổ quốc hôm nay?”.
Tại ngôi chùa Lăng Ca, thầy có học được gì từ câu nói “Cởi Áo Cà Sa - Khoác Áo Chiến Bào” ?
Đại Đức: Thích Minh Thành: Thầy xuất gia tại chùa Lăng Ca, ngôi chùa này có hai sự kiện mà thầy được biết:
Sự Kiện Thứ Nhất: Chùa Lăng Ca là tên gọi của một chùa ở Phnom Penh gần hoàng cung Vương Quốc Camphuchia. Vị trụ trì đầu tiên chùa Lăng Ca là nhà sư Thích Thiện Đức (người dân trong vùng còn gọi là Lục Sương) thế danh tên Lê Văn Tâm, nhà sư từng tu học tại đây, sau khi về nước đặt tên chùa nơi ngài tu học. Khoảng thập niên 30 - thế kỷ 20 với tinh thần vô ngã - vị tha, ngài một mình đi vào phum - sóc của đồng bào dân tộc Khmer để vận động tinh thần đoàn kết của hai dân tộc Kinh và Khmer. Sau đó ngài gặp nạn và đã hy sinh.
Sự Kiện Thứ Hai: Cũng chính nơi đây - sư phụ thầy có hai vị đệ tử đó là Sư Cô Thích Nữ Trí Nguyên và Sư Cô Thích Nữ Trí Túc (1)(Sư Cô Trí Nguyên hiện nay là trụ trì chùa Lăng Ca) sư phụ gởi hai sư cô đến Cần Thơ tu học với sư bà Thích Nữ Diệu Kim chùa Bảo An. Với tinh thần vô úy giữa trung tâm quyền lực - năm 1967, vì bảo vệ Hiến chương của Giáo Hội và cầu nguyện Hòa Bình cho Việt Nam, nên Ni Cô Trí Túc phát nguyện tự thiêu vào lúc 11 giờ ngày 03/10/1967 trước chùa Bảo An - Cần Thơ. Sau ngày thống nhất đất nước, hài cốt sư cô được cải táng về chùa Lăng Ca.
Đó là bài học mà thầy đã được học bằng xương máu của người đi trước trong thời gian tu học tại đây.
PV: Thời gian ở quân ngũ bốn năm, thầy có kỷ niệm nào đáng nhớ nhất?
Đại Đức: Thích Minh Thành: Trong thời gian ở quân ngũ bốn năm, thầy có rất nhiều kỷ niệm đáng nhớ, nhưng có ba kỷ niệm mà thầy ấn tượng nhất.
Kỷ Niệm Thứ Nhất: Lúc ở quân trường với những ngày sắp kết thúc khóa huấn luyện tân binh, thầy còn nhớkhoảng 14 giờ - ngày 16/08/1987, tiếng còi báo động tập trung vang lên không đầy 15 phút thì tất cả đã có mặt tại điểm tập kết của đại đội. Sau khi các anh trung đội trưởng báo cáo quân số cũng như trang thiết bị lên đại đội xong, đại đội trưởng quán triệt tình hình và cho biết tối nay lên đường nhận nhiệm vụ. Tất cả các anh em vỗ tay vui mừng (vì ba tháng quân trường bằng ba năm nghĩa vụ).
Kỷ Niệm Thứ Hai: Trước đó vài hôm mẹ thầy từ quê lên thăm và ở lại với thầy trong đơn vị, sáng hôm ấy mẹ về, từ đơn vị ra đến cổng 309 tại khu Sóng Thần khoảng ba cây số mẹ phải đi bộ ra. Vì đây là khu quân sự không có xe, lúc đi ra gần đến cổng gặp anh cán bộ hỏi thăm mẹ thầy và ảnh nói với mẹ thầy “Thôi Bác ở lại chơi với em ngày nữa đi, vì tối nay có lệnh đi Camphuchia rồi”, thế là anh cán bộ trở mẹ thầy trở lại đơn vị. Từ khoảng 17 giờ, trời bắt đầu mưa ngày càng nặng hạt, đến 21 giờ - từ hướng cổng Sóng Thần có tiếng còi của xe ca inh ỏi - lớp lớp chạy vào từng đơn vị. Đơn vị thầy nằm ở một góc đường nên nhìn rất rõ, vì mưa to nên không tập trung được, cho nên xe phải vào từng đơn vị để nhận quân lên đường nhận nhiệm vụ cho kịp thời gian đã quy định. Tiếng còi và đèn pha của xe hòa lẫn trong đêm mưa, tạo nên cảnh hồi hộp lo âu cho từng chiến sĩ mới. Mưa ngày càng to cho đến gần 3 giờ sáng thì mưa cũng từ từ tạnh, khoảng một tiếng sau thì tiếng còi báo động di chuyển, lúc đó các đơn vị còn lại tập trung ra sân và lần lượt nghe gọi tên lên đường nhận nhiệm vụ. 8 giờ dứt điểm số quân lên đường sang nước bạn, mấy anh em còn lại được bổ sung cho các đơn vị trong nước.
Kỷ Niệm Thứ Ba: Lúc biên chế về tiểu đoàn I được gần một tháng, thầy nghe tin chuẩn bị đưa đi trường hạ sĩ quan xe tăng I để đào tạo, sợ lúc đó không về thăm chùa được, cho nên thầy có quyết định táo bạo là cùng một số anh em đào ngũ về nhà vài hôm rồi sau đó sẽ trở lại đơn vị. Đêm đó xui chưa từng có, phía sau đơn vị là trung đoàn pháo binh 75, cách nhau là một khu rừng tràm, thầy và mấy anh em hẹn gặp nhau lúc 22 giờ ra phía sau rồi cùng đi, (thật ra không ai mà đào ngũ giờ này cả, vì mới về lại không biết đường đi). Nhưng khi ra thì thầy không gặp ai hết, lúc đó trung đoàn 75 báo động - thầy cũng chưa nắm rõ tình hình nên tưởng đâu là tập luyện không ngờ báo động đi Camphuchia... Không thấy ai nên thầy về doanh trại ngủ, 10 giờ sáng hôm sau - hai anh bạn cùng quê được vệ binh lữ đoàn dẫn về đơn vị, khi ấy thầy mới biết “thì ra lúc đi hồn ai nấy giữ”, hai người bỏ trốn cùng thầy bị vệ binh trung đoàn 75 phát hiện rồi bỏ chạy, sau đó họ bị bắt giữ và giao lại cho lữ đoàn 22.
Từ lúc ở quân trường - trường hạ sĩ quan xe tăng I, đến lúc về đơn vị có biết bao nhiêu kỷ niệm đáng nhớ, khi cùng sinh hoạt với nhau, những đêm luyện tập, dã ngoại, liên hoan…v…v  nhưng cuối cùng là kỷ niệm chia tay đơn vị trở lại đời sống thường nhật. Lúc mới về quê thì buồn lắm, thầy nhớ các anh em thời quân ngũ(gần nhau cảm thấy bình thường - xa nhau mới thấy vấn vương trong lòng). Qua rồi những tháng ngày trong quân ngũ, cuộc đời là như vậy, có hợp phải có tan…hoàn cảnh vô thường mà…
PV: Sau khi ra quân trở về địa phương tiếp tục xuất gia, hiện nay là Chánh văn phòng Trường Trung Cao Phật học TP.Hồ Chí Minh, vậy điều gì khiến thầy suy tư nhiều nhất?
Đại Đức: Thích Minh Thành: Tháng 3 năm 1991, sau khi xuất ngũ về quê được tuần lễ, thầy đến tỉnh đội để đăng ký quân dự bị, sau đó nhập nhân khẩu tại chùa. Thầy xin phép Hòa thượng Thích Trí Bổn - chánh đại diện Phật Giáo Thị xã Sóc Trăng tiếp tục xuất gia, xuất gia xong thầy về Long Thành tỉnh Đồng Nai tạm trú tại khu ngoại viện Thiền Viện Thường Chiếu, được một năm thầy về lại Sóc Trăng.
Đến năm 1993 thầy về nhập hạ tại chùa Long Bửu - Quận 4 - Thành phố Hồ Chí Minh, sau đó được Hòa thượng Thích Từ Hiệp - trụ trì chùa Long Bửu giới thiệu đăng ký nhập học lớp trung cấp - khóa II năm 1993, năm 1997 học lớp cao đẳng - khóa II. Tốt nghiệp cao đẳng, sau đó thầy về trường làm giám thị cho đến ngày hôm nay. Với vai trò và trách nhiệm của mình, thầy chỉ mong muốn tăng ni sinh luôn tinh tấn tu học là thầy cảm thấy vui rồi.
PV: Những hình ảnh quân ngũ hơn 26 năm khiến thầy nghĩ sao về cuộc đời? Thời điểm đó thầy hy vọng gì?
Đại Đức: Thích Minh Thành: Cuộc đời này có nhiều điều người ta muốn nhưng không được, và những điều người ta không muốn thì nó lại đến bất chợt. Hơn 26 năm qua, hình ảnh về đồng đội nhiều khi tái hiện trong ý nghĩ của thầy, nhất là lúc thầy bị bệnh sốt - đơn vị đưa đến điều trị tại bệnh viện quân đoàn IV, chứng kiến cảnh anh em thương binh người bị gãy hai tay - hai chân, người mất một chân, người thì đầu băng bó v…v.
Cảnh tượng đau đớn đó giống như địa ngục trần gian, trong lòng thầy đau nhói khi chứng kiến cảnh đó, thoáng nghĩ thấy mình còn may mắn rất nhiều so với anh em. Nhớ lại cảnh tiễn quân - những giọt nước mắt chia tay tình thâm có ý nghĩa riêng trong mỗi con người... Ra đi mà không hẹn ngày nào trở về? ngày trở về có còn nguyên vẹn hay không…?
Cũng từ ý nghĩ đó, mặc dù sống trong thời quân ngũ – nhưng thầy luôn hy vọng và nuôi dưỡng ý chí xuất gia, những đêm tuần tra canh gác lúc thanh vắng là thời gian thích hợp nhất để thực hiện con đường quán niệm về hơi thở, quán niệm về sự đau khổ, quán niệm về vô thường.Có lẽ nhờ sự nuôi dưỡng đó đã tạo cho thầy một nghị lực vượt qua mọi thử thách, để trở về tiếp tục con đường tu hành.
PV: Xin Thầy chia sẻ - nhắn nhủ đến cha mẹ và thanh niên về môi trường quân ngũ?
Đại Đức: Thích Minh Thành: Hôm nay hơn tám mươi triệu dân sống trong cảnh đất nước thanh bình bước vào thời kỳ hội nhập phát triển kinh tế vĩ mô toàn cầu (không còn nghe tiếng súng hay phải chứng kiến cảnh sinh ly tử biệt của chiến tranh, không còn cảnh “nồi da xáo thịt”). Sở dĩ được như vậy là biết bao nhiêu xương máu của ông cha và những thế hệ lớp người đi trước đã đổ xuống mới có nền độc lập - tự do đáng qúy cho chúng ta ngày hôm nay. Hiện tại đến vị lai chúng ta phải biết trân trọng giữ gìn, vì đây là một tài sản vô giá được xây dựng bằng xương máu và trí tuệ của thế hệ cha anh.
Là cha mẹ ai mà không thương con, tuy nhiên - thương con nhưng cũng phải nghĩ đến quốc gia và dân tộc, tình thương phải đặt đúng chỗ. Thời chiến nào cũng vậy, nhiều người mẹ gạt nước mắt lần lượt tiễn những đứa con lên đường mà không biết con mình ngày nào trở về? Cha mẹ chỉ biết cầu nguyện và trông ngóng tin tức của con từng phút giây trong khoảnh khắc sinh tử, xót xa lòng quặn đau - đau nhiều lắm…, nhưng nhiều bậc cha mẹ còn đau nhiều hơn - nếu như đất nước không có những người con biết sống vì tổ quốc.
Ngày nay thi hành nghĩa vụ quân sự với thời gian hai năm, cha mẹ nên động viên khuyến khích tinh thần con mình tham gia nhập ngũ để rèn luyện nhân cách lẫn tác phong đạo đức của người chiến sĩ, rèn luyện tính kỷ luật trong quân đội. Điều đó khiến cha mẹ sẽ yên tâm hơn cho tương lai con mình, vì Kỷ Luật Là Sức Mạnh Của Quân Đội rèn giũa con em mình trở thành người có nếp sống kỷ cương đi vào cuộc đời, làm lợi ích cho gia đình - xã hội và tổ quốc:
PV:  Nhân ngày Quân Đội Nhân Dân Việt Nam 22 tháng 12, thầy có lời chúc gì đến đồng đội cũ và những người đang thực thi nghĩa vụ quân sự?
Đại Đức: Thích Minh Thành: Nhân ngày Quân Đội Nhân Dân Việt Nam 22 tháng 12, thầy kính gởi lời chúc sức khỏe đến tất cả anh em đã từng sống trong thời quân ngũ. Mong rằng anh em luôn có được cuộc sống thành đạt - hạnh phúc và góp phần xây dựng quê hương. Những chiến sĩ đang thực hiện nhiệm vụ cố gắng hoàn thành tốt công tác của Đảng và nhân dân giao phó, phát huy tinh thần yêu nước, không ngừng nâng cao trình độ khoa học -kỹ thuật để xây dựng lực lượng quân đội ngày càng hùng mạnh.* Chúng con kính gửi lời tri ân đến thầy đã dành thời gian phỏng vấn, kính chúc thầy luôn mạnh khỏe - an lạc - hạnh phúc. 





Ngày 04 tháng 03 năm 1987, có lệnh gọi nhập ngũ, như bao thanh niên trai tráng - thầy lên đường thi hành nghĩa vụ quân sự và nhập ngũ tại quân đoàn IV (hiện nay là Khu Công Ngiệp Sóng Thần - Bình Dương) để huấn luyện tân binh. Sau ba tháng quân trường, thầy được biên chế về tiểu đoàn I - Lữ đoàn 22 (Tiểu Đoàn Bộ Binh Thiết Giáp), thầy ở đó gần một tháng, sau đó đơn vị đưa về trường hạ sĩ quan xe tăng I (Long Thành - Đồng Nai) để đào tạo khóa hạ sĩ quan, đến trường thầy được biên chế về tiểu đoàn III học lái xe tăng T54 khóa XVI. Kết thúc chín tháng đào tạo lái xe, khi tốt nghiệp ra trường - thầy được biên chế về tiểu đoàn II (Lữ đoàn 22, Tăng Thiết Giáp - trực thuộc Quân Đoàn IV), từ đó thầy phục vụ cho đến ngày xuất ngũ trở về quê tiếp tục con đường tu hành.
 

Hoa Sen Gió

Tổng số điểm của bài viết là: 17 trong 4 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này