Luận về giáo dục môi trường sinh thái qua thuyết duyên khởi của Phật giáo - Phật Giáo Việt Nam
16:08 +07 Thứ năm, 16/05/2024

Luận về giáo dục môi trường sinh thái qua thuyết duyên khởi của Phật giáo

Thứ tư - 25/07/2012 09:59
(HDPT) - Tất cả sự vật đều do sự tụ tán mà có sự sinh diệt, cho nên gọi là nhân duyên sinh, duyên sinh, duyên thành, duyên khởi. Muôn pháp trong thế giới hiện tượng do nhân duyên sinh diệt mà hình thành.
 

Phật giáo ra đời ở Ấn Độ, trải qua hơn 25 thể kỷ đã nhanh chóng được truyền bá ở nhiều quốc gia trên toàn thế giới. Trong lịch sử phát triển của mình, Phật giáo đã có sự phân chia thành nhiều tông phái cả Bắc tông và Nam tông. Mặc dù các tông phái Phật giáo có sự khác nhau ít nhiều về tông chỉ, giáo nghĩa, phương pháp tu tập nhưng đều xuất phát từ học thuyết Duyên khởi, lấy “Tứ Diệu Đế” làm nền tảng tu tập. Duyên khởi là học thuyết cơ bản để giải thíc h sự hiện hữu, mối quan hệ nhân quả của mọi sự vật hiện tượng trên thế giới. Học thuyết này có ý nghĩa giáo dục ý thức con người trong mọi hoạt động sống, đặc biệt đối với vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái thì trong hành động sống thường ngày của mình, con người phải luôn tự giác, nâng cao tinh thần trách nhiệm bảo vệ môi trường sinh thái. Và đó chính là bảo vệ sự sống, bảo vệ sinh mạng cho nhân loại.

Theo học học thuyết này thì mọi sự hiện hữu trên thế giới đều là kết hợp của rất nhiều nhân duyên. Các nhân duyên không thể tồn tại độc lập mà luôn phải nương tựa vào nhau hình thành mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau. Kinh Phật có viết: “Cái này có nên cái kia có, cái này sinh nên cái kia sinh…cái này không nên cái kia không, cái này diệt nên cái kia diệt”[1]. Các sự vật trong sự sinh tồn của mình luôn có những mối quan hệ nội tại. Trong đó, hai mối quan hệ cơ bản là quan hệ giữa con người với con người, quan hệ giữa con người với môi trường thiên nhiên tạo nên mô thức sống động, tính thống nhất, chỉnh thể của các sự vật, hiện tượng trong thế giới: “Giữa con người với giới tự nhiên có sự tương nhập lẫn nhau, cùng tác động nhau vòng sinh vật là một chỉnh thể không thể chia cắt được, tỉ lệ cân đối, động thái có trật tự; con người nương giới tự nhiên để sinh tồn, giới t ự nhiên là “thân thể” vô cơ của con người”[2]. Như vậy, hậu quả tất yếu, nếu con người tiếp tục phá hoại môi trường, coi thiên nhiên là vật sở thuộc mà ra sức khai thác bừa bãi thì rốt cuộc nhân loại sẽ tự hủy diệt chính mình. Ở đây, “này” “kia” tạo thành mộ t chỉnh thể không thể chia cắt được, sự tồn tại hay không tồn tại của một sự vật được quyết định bởi điều kiện. Chỉ đặt sự vật trong chỉnh thể theo nguyên tắc thuộc nhiều điều kiện thì mới có thể xác định sự hiện tồn của nó. Sự hiện tồn do “Pháp giới duyên khởi”, nghĩa là vũ trụ vạn hữu trùng trùng do nhân duyên hòa hợp mà thành. “Mọi sự vật trong vũ trụ bao la (Pháp), từ một vật nhỏ như hạt bụi đến lớn như trăng sao đều nương vào nhau làm nhân quả, lớp lớp không cùng, dung thông nhau, đối chọi nhau, ảnh hưởng lẫn nhau mà có. Mỗi pháp trong vũ trụ không thể tồn tại riêng rẽ biệt lập mà có được, cái này có là nhờ cái kia có và ngược lại; cái này, cái kia tương quan, tương duyên lớp lớp không cùng tột, nên cũng gọi là “vô tận duyên khởi” hay “trùng trùng duyên khởi”….Như  vậy, các vật đều là “nhân, các “nhân” đều là duyên với nhau mà tạo thành ra các vật khác nhau”[3].

Tất cả sự vật đều do sự tụ tán mà có sự sinh diệt, cho nên gọi là nhân duyên sinh, duyên sinh, duyên thành, duyên khởi. Muôn pháp trong thế giới hiện tượng do nhân duyên sinh diệt mà hình thành. Kinh Tạp A Hàm viết: “Có nhân có duyên tập hợp thành thế gian, có nhân có duyên thế gian tập hợp, có nhân có duyên diệt thế gian, có nhân có duyên thế gian diệt”, hay” “các Pháp nhân duyên sinh, Cũng theo nhân duyên diệt” (Nhược pháp nhân duyên sinh/Pháp diệc nhân duyên diệt”[4]. Bản chất thế gian là “hữu thường vô thường”, “phi hữu thường, phi vô thường”: “Thế gian là thường, hoặc nói thế gian vô thường, thế gian hữu thường vô thường, thế gian phi hữu thường, phi vô thường; thế gian hữu biên, thế gian vô biên, thế gian phi hữu biên, phi vô biên, mệnh là thân, mệnh khác thân khác”[5].

Căn cứ trên lập trường Duyên Khởi, thế giới là một chỉnh thể thống nhất, vừa có giới hạn lại vừa không có giới hạn “hữu”, “phi hữu”, “vô”, “phi vô”, trong đó, mối quan hệ giữa con người với môi trường sinh thái được đặt ra là sự tương hỗ lẫn nhau.

Trong thời đại ngày nay, tốc độ toàn cầu hóa đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn thế giới với sự phát triển nhanh của khoa học, công nghệ như vũ bão, với tốc độ chóng mặt, đúng “một ngày bằng hai mươi năm” như C.Mác đã từng dự báo. Sự phát triển diễn ra trên mọi lĩnh vực: khoa học công nghệ thông tin, khoa học công nghệ sinh học, khoa học công nghệ vật liệu, khoa học công nghệ về năng lượng, khoa học công nghệ về giao thông vận tải, về hàng không vũ trụ và cả vũ khí chiến tranh, vũ khí hạt nhân…Các mạng lưới dày đặc và đa dạng của các loại công nghệ khác nhau trong vài thập kỷ gần đây đã được con người sử dụng rộng rãi trên toàn cầu vì lợi ích của chính mình, đã tác động vào môi trường dưới hai mặt đối lập: chính nhờ việc sử dụng các công nghệ mới và các tài nguyên thiên nhiên khai thác được một cách thông minh, mà đời sống của con người được nâng cao, xã hội loài người phát triển, nhưng mặt khác môi trường sinh thái lại phải chịu một sức ép quá tải và tai hại do việc con người đã sử dụng các công nghệ đó gây ra. Một khi tác động của công nghệ càng mạnh mẽ và được con người sử dụng rộng rãi bao nhiêu thì môi trường sinh thái của trái đất càng bị tổn thương nặng nề bấy nhiêu: đó là sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên, sa mạc hóa, khí hậu nóng lên, mưa axít, mực nước biển dâng lên, môi trường đô thị suy thoái, sự gia tăng bệnh tật…những tác hại đó đều ảnh hưởng đến sự sống, di truyền và nòi giống của c on người và các loài sinh vật trên hành tinh và trở thành hiểm họa khôn lường. Chính vì vậy, vấn đề đặt ra là bảo vệ môi trường sinh thái vì con người và ngược lại được luôn khoa học hiện đại đặt ra. Kinh Duy Ma Cật cho rằng, mình và chúng sinh là một thể, coi bệnh của tất cả chúng sinh là bệnh của mình, nếu chúng sinh hết bệnh thì mình mới khỏi bệnh: “Nhân vì tất cả chúng sinh bệnh, cho nên tôi bệnh. Nếu tất cả chúng sinh được khỏi bệnh, bệnh tôi sẽ dứt”[6].

Mỗi chúng sinh là một dạng thức sống tồn tại trong môi trường sinh thái, luôn có bị ràng buộc và phụ thuộc lẫn nhau. Tất cả các dạng thức sống trong môi trường sinh thái do chịu sự tác động của khoa học công nghệ của con người mà biến đổi đều ảnh hưởng đến con người, theo chiều tiêu cực, có thể đẩy tai họa cho con người. Vì vậy, con người phải tuân theo quy luật phát triển bình đẳng và tôn trọng tính chỉnh thể, sự hợp lý và cân bằng của môi trường sinh thái. Nhà sinh thái học R.Levins và RC.Lewontin cho rằng: “một loại kết cấu quy định bởi tác dụng hỗ tương do nó với một bộ phận của nó, và tác dụng hỗ tương với chỉnh thể lớn hơn mà nó lệ thuộc”[7]. Hệ thống sinh thái là một chỉnh thể có đặc tính, giá trị tồn tại cùng nương tựa lẫn nhau và thống nhất trong hệ thống của một chỉnh thể này nhưng không phải trong mỗi vật đơn lẻ.

Đã đến lúc phải thay đổi chính sách “tất cả vì kinh tế” hiện nay của nhiều quốc gia, chính phủ bằng mọi chiến lược toàn cầu về môi trường sinh thái và phát triển bền vững, nhằm đảm bảo cho cuộc sống ổn định và an toàn của loài người và các loài sinh vật khác trên trái đất, không chỉ cho thế hệ hôm nay mà còn cho các thế hệ mai sau.

Nếu toàn thế giới và mỗi con người đi theo lối sống thực dụng với sự tiêu thụ năng lượng, sử dụng tài nguyên thiên nhiên không hạn chế với hậu quả gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì trái đất sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn đến thảm họa đối với các hệ sinh thái và sự sống trên trái đất.

Vấn đề môi trường sinh thái do sức mạnh thiên nhiên gây ra như: động đất, lũ lụt, hạn hán, sụt đất, giông bão, núi lửa hoạt động, sóng thần… Khi những hiện tượng đó gây thiệt hại cho tính mạng và tài sản của con người thì nó trở thành tai họa của thiên nhiên. Đối với vấn đề này, hiện nay năng lực chế ngự của con người vẫn còn hạn chế. Vấn đề môi trường thứ sinh do con người gây ra, thường gọi là những tai họa do con người gây ra, được phân thành ô nhiễm môi trường và sự phá hoại sinh thái.

Môi trường bị ô nhiễm nói chung là do nhân tố con người, nó làm cho trạng thái vật lý và thành phần hóa học của môi trường thay đổi; so với tình hình ban đầu thì chất lượng ban đầu của môi trường bị xấu đi, đảo lộn, dẫn đến chỗ phá hoại hệ thống sinh thái, điều kiện sản xuất và sự sống bình thường của con người. Môi trường bị ô nhiễm nghiêm trọng đã gây nguy hại cho sinh vật, đó chính là sự phá hoại môi trường sinh thái. Nói một cách cụ thể, ô nhiễm môi trường là chỉ do những phế thải có hại do hoạt động sản xuất của con người thải ra, chủ yếu là ba loại phế thải công nghiệp (khí thải, chất phế thải và nước thải) phá hoại môi trường. Nó bao gồm ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, ô nhiễm đất… đó là những ô nhiễm sinh vật do vật chất gây ra. Ô nhiễm do tiếng ồn, ô nhiễm nhiệt, ô nhiễm phóng xạ, ô nhiễm điện tử do các tác nhân vật lý gây ra; còn môi trường sinh thái bị phá hoại là do hoạt động của con người tác động, phá hoại trực tiếp đối với thiên nhiên, như việc chặt phá rừng bừa bãi làm cho tài nguyên rừng bị suy kiệt, chăn nuôi quá nhiều gia súc làm cho đồng cỏ bị thoái hóa, khai hoang một diện tích quá lớn làm cho đất bị sa mạc hóa, bắt và săn bắn bừa bãi làm cho một số loài bị diệt chủng, trực tiếp phá hoại nguồn nước và đất…Nghĩa là, con người trong hoạt động sống của mình đã làm mất đi “bình đẳng tính” trong chúng sinh, làm thay đổi “dạng tướng” chúng sinh. Bởi mỗi yếu tố của thiên nhiên, môi trường sinh thái tồn tại là một dạng thức sống, là chúng sinh, và bản chất của môi trường sinh thái, đang tồn tại các dạng thức sống cũng gọi đó là Pháp, khởi nguồn các Pháp đều từ bi, khi con người gánh chịu những hậu quả tiêu cực do tác động của môi trường sinh thái mang lại là do con người đã gieo các Pháp ác, làm mất đi các Pháp thiện của môi trường sinh thái. Các Pháp ấy tạo cho môi trường sinh thái tính hệ thống, lớn hơn là một và đồng nhất. Pháp đó cũng là thể hiện lòng từ bi của đức Phật và cũng là mục đích hiện hữu của nhân loại: “Vũ trụ này là Bản thể và tất cả mọi hiện tượng là biểu hiện từ lòng Từ bi của Đức Phật. Hoặc nói theo cách thích hợp hơn: lòng từ bi chính là bản nguyên của vũ trụ. Sự hiện hữu của mặt trời, ánh sáng của mặt trăng, hòa quyện với nhau và liên kết với những vì sao, gió, bão, sự trưởng thành của cỏ cây và cây cối đều là những biểu hiện của lòng từ bi. Và chúng sinh quyết định một cách đơn giản là: Không có Tim hay Tâm trong tự nhiên”[8].

Con người hiện đại khi sáng tạo ra nền văn minh vật chất chưa từng có trong lịch sử thì đồng thời họ cũng tự làm cho mình rơi vào những hoàn cảnh cực kỳ khó khăn.

“Chúng ta chỉ có mỗi một quả địa cầu”. “Bảo vệ môi trường của nhân loại”. “Phải bảo vệ sự cân bằng sinh thái”. “Phải cải thiện cách đối xử với trái đất”… đã trở thành tiếng nói mạnh mẽ của thế giới đầu thế kỷ XXI. Gióng lên hồi chuông cảnh báo cho loài người. Ngày 22 tháng 4 năm 1990, mấy chục triệu người trên toàn thế giới đã tham gia hoạt động kỷ niệm lần thức 20 ngày “Địa cầu”. Tháng 6 năm 1992, ở Rio de Janairo Brazin đã khai mạc Đại hội môi trường và phát triển của Liên hiệp quốc. Đại biểu của hơn 180 nước và 70 tổ chức quốc tế tham dự hội nghị, xác lập và tiếp tục duy trì chiến lược có ý nghĩa hết sức quan trọng. Đó là mộ t hội nghị quốc tế có ảnh hưởng sâu sắc đến môi trường và lịch sử phát triển của con người. Trong bối cảnh thập niên những năm đầu thế kỷ XXI, con người ngày càng có những nhận thức rõ ràng đối với hiện thực, nghiêm khắc mở rộng tầm mắt, trí tuệ, kiểm điểm lại thái độ sinh tồn của mình, thay đổi các mô thức phát triển truyền thống và phương thức tư duy thật sự nắm vững tương lai và đi tới tương lai trong sự hài hòa giữ con người và thiên nhiên. Hay nói theo cách của Phật giáo, môi trường sinh thái được kết nối bằng sợi dây Duyên khởi, mỗi dạng thức sống trong môi trường sinh thái là thể hiện lòng từ bi, tồn tại trong mạng lưới phức tạp của Nhân quả. Con người đóng vai trò chủ thể trung tâm, trực tiếp tác động đến môi trường sinh thái, vì vậy, mọi hoạt động c ủa con người cần phải thể hiện lòng từ bi, sự bình đẳng về Phật tính đối với tất cả chúng sinh. Toda có viết: “Bởi vì, bản thân vũ trụ là lòng từ bi, chúng ta sống trong đời sống hàng ngày phải phù hợp với lòng từ bi của thiên nhiên. Nếu đem sự nhận thức của chúng ta so với sự nhận thức của động vật và thực vật thông thường thì sự nhận thức của chúng ta có phẩn chất cao hơn. Bởi vậy, chúng ta phải tiếp tục cố gắng có những hành động phù hợp với  sự nhận thức  cao  hơn và hành động, phụng sự theo nguyện vọng của đức Phật”[9].

Vì lẽ đó, hơn lúc nào hết, loài người cần nhận thức đầy đủ rằng: phải biết sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống, giữ vững cân bằng các hệ sinh thái, bảo vệ môi trường, thay đổi lối sống hưởng thụ, bình đẳng về quyền lợi của các dân tộc, về sử dụng các nguồn lợi thiên nhiên, chống chiến tranh hat nhân hủy diệt để phát triển bền vững, đó cũng chính là thể hiện Tâm từ bi của Đức Phật, thể hiện lý tưởng “tự giác, giác tha”, “tự ngộ, ngộ tha” với thông điệp” “Hãy cứu lấy môi trường sinh thái vì chính mình” ngược lại./.

 

ThS.VŨ VĂN CHUNG

Bộ môn Tôn giáo, Khoa triết học,

Trường ĐHKHXH&NV Hà Nội.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Đại Tạng kinh Việt Nam, Kinh Tạp A Hàm, quyển 1 (1993) Nxb. Viện nghiên cứu Phật học. TP. Hồ Chí Minh, Kinh số 262.

2. Thích Nhuận Đạt (2010),  Đạo Phật và Môi trường, Nxb. Tổng họp TP. Hồ Chí Minh.

3. Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (2005), Phật học khái lược, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

4. Đoàn Trung Còn (biên dịch – 2007), Kinh Duy Ma Cật, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội.

5. Robert P.McIntosh (1992), Sinh thái học khái niệm hòa lý luận đ ích phát triển, Từ Tung Linh dịch, Nxb. Trung Quốc Khoa học kỹ thuật xuất bản xã.

6. Toda, J.Jihiron (1993), In Toda Josei ZenshuVol 3, Tokyo, Seikyo Shimbunsha.

 

 

 

 


[1] Đại Tạng kinh Việt  Nam, Kinh Tạp A Hàm, quyển 1 (1993)  Nxb. Viện  nghiên cứu Phật học. TP. Hồ Chí Minh, Kinh số 262, trang 512.

[2] Trích theo Thích Nhuận Đạt (2010),   Đạo Phật và Môi trường, Nxb. Tổng họp TP. Hồ Chí Minh, trang 9.

[3] Phân viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam (2005),  Phật học khái lược, Nxb. Tôn giáo, trang 108-109.

[4] Đoàn Trung Còn (biên dịch – 2007),  Kinh Duy Ma Cật, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, trang 99.

[5] Đại Tạng kinh Việt  Nam, Kinh Tạp A Hàm, quyển 1 (1993)  Nxb. Viện  nghiên cứu Phật học. TP. Hồ Chí Minh, Kinh số 408, trang  122.

[6] Đoàn Trung Còn (biên dịch -2007),  Kinh Duy Ma Cật, Nxb. Tôn giáo, trang 176.

[7] Dẫn luận Robert P.McIntos h (1992),  Sinh thái học khái niệm hòa lý luận đích phát triển, Từ Tung Linh dịch, Nxb. Trung Quốc Khoa học kỹ thuật xuất bản xã, trang 155.

[8] Toda, J.Jihiron (1993),  In Toda Jos ei Zens hu, Vol 3, p.44., Tokyo, Seikyo Shimbuns ha.

[9] Toda, J.Jihiron (1993),  In Toda Jos ei Zens hu, Vol 3, p.45., Tokyo, Seikyo Shimbuns ha.

 

ThS. Vũ Văn Chung

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: duyên sinh

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này