Quên “Phật” trong nhà - Phật Giáo Việt Nam
14:13 +07 Thứ sáu, 29/03/2024

Quên “Phật” trong nhà

Thứ hai - 26/08/2013 09:49
Quên “Phật” trong nhà

Quên “Phật” trong nhà

(HDPT) - Xã hội phát triển, kinh tế dư giả, con cái thi nhau báo hiếu cha mẹ bằng mọi cách, cố gắng bù đắp nỗi vất vả, khó nhọc của cha mẹ. Tuy nhiên, không phải chữ hiếu nào cũng thỏa lòng cha mẹ.
 
 

 

Anh Trần Đức Minh (quận Hoàn Kiếm), quê gốc Thanh Hóa, thuở nhỏ nhà nghèo, bố mẹ anh phải nhịn ăn nhịn mặc, cả đời tần tảo, vất vả mới nuôi nổi 3 con ăn học. Vì thế, khi khôn lớn, dư dả, anh Minh nhất quyết báo hiếu cha mẹ. Cho dù cha mẹ không đồng ý nhưng anh vẫn bán mảnh đất dưới quê, đưa bố mẹ lên thành phố ở. Anh dành riêng cho bố mẹ một căn phòng tiện nghi, điều hòa nhiệt độ hai chiều chạy suốt ngày, mùa đông ấm, mùa hè mát, ti vi màn hình phẳng, giường nệm êm ái, bóng loáng. Tuy nhiên, chỉ ở được một tuần là bố mẹ anh thở hắt ra ngao ngán. 

Ông Cử - bố anh Minh phàn nàn: “Nhà chỗ nào cũng bóng loáng, trắng tinh, tôi có thú uống nước chè đặc, hút thuốc lào vặt. Nhưng ngồi chỗ nào con dâu cũng nhắc khéo vì lo sợ bẩn nhà, ố tường. Điều hòa thì mát nhưng bí bách, khó thở. Tôi chỉ thèm gió trời, bóng cây”. Ông Cử cũng nhớ đám bạn già, chiều chiều tụ tập đánh cờ, tán gẫu. Cũng chung nỗi niềm, bà Hi - mẹ anh Minh cũng chẳng dám ăn trầu vì căn nhà quá sang trọng không phù hợp để đặt cái ống nhổ. Bà cũng thèm được muối dưa, làm mắm nhưng con dâu đều ngăn cản vì “bẩn nhà, lách cách”. Bà muốn cái gì, con dâu cũng mua về cho ăn nhưng bà không tìm thấy hương vị mình ưa thích. Ngay cả việc nằm đệm cũng khiến hai ông bà đau nhức hết mình mẩy, trằn trọc, khó ngủ. Đêm đêm, ông bà xuống đất nằm, tưởng nhớ cái chõng tre, chiếu cói nơi quê nhà. 

Bà Chung (quận Ba Đình) cũng được con gái đón lên ở cùng thành phố để “tiện bề chăm sóc”. Muốn bù đắp cho mẹ những quãng ngày bần hàn,  con gái bà mua đủ các của ngon vật lạ biếu mẹ. Từ thịt cá sấu, đà điểu đến vi cá, yến sào, tuần nào bà cũng được thưởng thức vài ba món. Bà không thích, không ăn thì con gái lại gắp vào bát, ép mẹ ăn. Nể con, tiếc tiền, bà cố ăn, nhưng bụng lúc nào cũng ấm ách, khó chịu. Bà chỉ thèm bữa cơm với bát canh cua, quả cà, mớ tép vụn. Nhưng con gái, con rể đều cho là tầm thường “mẹ chịu khổ nhiều rồi, giờ phải cho mẹ được sung sướng”. 

Chuyên gia tâm lý Lê Thị Túy cho biết, không ít người trẻ tuổi cứ cho rằng, biếu của ngon vật lạ, nhà cao cửa rộng là cách báo hiếu cha mẹ. Nhà càng to, món càng ngon thì sự báo hiếu càng nhiều. Tuy nhiên, đa số cha mẹ già không nghĩ như vậy. Tuổi già chỉ trọng tình cảm, cần sự chia sẻ ấm áp của con cái. Đồng thời, họ cũng thích ôn cố, nhớ quê hương. Nên chỉ cần con cái mua cho mẹ bát bánh đúc, ngồi cạnh mẹ nghe mẹ “tua băng rè” những chuyện đẩu đâu, người mẹ sẽ thấy sung sướng hạnh phúc hơn yến sào, vi cá. 

Quên “Phật” trong nhà

Cảnh bà Thủy (quận Đống Đa) lại khác. Sau khi con cưới vợ, con dâu nhất quyết không thích ở chung với mẹ chồng nên hai vợ chồng ra ở riêng. Tuy hai nhà cách nhau có 4km, nhưng vài tuần con trai mới về thăm mẹ một lần. Có qua cũng quáng quàng, vội vã, luôn lấy cớ đi tiếp khách, bận việc, đến cơm cũng không ăn với mẹ. Bà Thủy lủi thủi ra vào một mình. Bà càng xót xa nghĩ đến những năm tháng góa chồng, một mình lận đận nuôi con. Nhiều người đàn ông cũng ngỏ ý muốn cưới bà, nhưng bà Thủy sợ con khổ, nên bấm bụng ở vậy. Rằm tháng Bảy, bà đi chùa dự đại lễ Vu Lan cho khuây khỏa và thắp hương tưởng nhớ cha mẹ. Bà ngồi nghe niệm Phật mà nước mắt lưng tròng, nhớ cha mẹ, tủi phận cô đơn. Bà chợt nhìn thấy vợ chồng con trai ngồi phía xa xa, chắp tay thành kính. Trong khi đó, cả tháng nay, con trai bà không về thăm mẹ một lần. Bà nhớ con gọi điện thoại nhưng nói chưa được hai câu thì con trai đã ngắt lời mẹ vì “bận” hoặc chỉ nói qua quýt: “Tiền con đưa về, mẹ buồn thì cứ rủ bạn bè đi chơi, thích ăn gì thì mua”. Bà Thủy nghẹn đắng lòng, vì bà đâu có nhu cầu ăn uống, đi chơi cũng chẳng đi nổi nữa, vì chân đau, lưng mỏi… Mẹ thì chẳng đoái hoài, không hiểu vợ chồng con trai bà dự lễ Vu lan để cầu điều gì? 

Đại đức Thích Thanh Huân - Trụ trì chùa Pháp Vân - Phó văn phòng Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cho biết, tháng Bảy âm lịch là tháng báo Hiếu. Việc đi chùa, cúng lễ, làm việc thiện của người dân là nhằm tạo phúc an lành để báo hiếu cha mẹ hiện tại cũng như người đã khuất. Tuy nhiên, việc báo hiếu phải thể hiện ngay trong cuộc sống thực, lúc cha mẹ còn sống. Đức Phật cũng dạy cha mẹ chính là vị Phật thiêng liêng mà mỗi người cần báo hiếu, tri ân. Nếu tháng Bảy, ngày rằm chỉ chăm chăm đi thắp hương, cúng bái, đốt vàng mã mà quên đi việc chăm sóc cha mẹ, ông bà hiện tại thì đó là việc bất hiếu. Như vậy, có Phật trong nhà không thờ mà thờ ông Phật ngoài đường. 

“Không ít người vô tâm cho rằng việc bố mẹ chăm sóc con là “nước mắt chảy xuôi”, là việc làm đương nhiên nên không nâng niu, trân trọng. Lại có người vì bận rộn, vì chạy theo nhiều mục đích cá nhân mà bỏ quên cha mẹ, xao nhãng trách nhiệm với cha mẹ, đến lúc cha mẹ mất đi mới hối tiếc, mới đau khổ” – Đại đức Thích Thanh Huân cho biết. 

Bà Lê Thị Túy cũng cho biết, ngày nay, không ít người chăm chăm đi chùa, làm lễ linh đình, đốt vàng mã tiền nghìn bạc vạn vào Lễ Vu lan nhưng cha mẹ ốm đau trong nhà lại không chăm sóc, khi cha mẹ nhờ vả còn cáu bẳn, bực bội. “Ấy là vì họ cho rằng cha mẹ đang phiền đến mình, thậm chí hành hạ mình, ăn bám mình. Trong khi, thắp hương, làm lễ cầu khấn người đã mất, các thế lực siêu nhiên thì sẽ được phù hộ, độ trì. Như vậy, ý nghĩa tốt đẹp của Lễ Vu lan đã bị biến tướng đi. Họ cầu tài, cầu lộc cho bản thân họ chứ không phải tạo phúc để báo hiếu cha mẹ” – bà Túy cho biết.

Anh Thư/ANTG


 
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: cha mẹ

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này