Chấp Ngã Và Chấp Pháp Trong Phật Giáo - Phật Giáo Việt Nam
23:45 +07 Thứ năm, 28/03/2024

Chấp Ngã Và Chấp Pháp Trong Phật Giáo

Thứ năm - 08/11/2012 12:54
Chấp Ngã Và Chấp Pháp Trong Phật Giáo

Chấp Ngã Và Chấp Pháp Trong Phật Giáo

(HDPT) - Tâm hồn của chúng ta, trong kinh sách gọi là "tâm thức", không có gì gọi là thực, đó chỉ là một dòng chuyển biến, trong từng sát na, trong từng giây phút, không bao giờ ngừng nghỉ, khi con người chưa ngộ đạo.
 
 
 
CHẤP NGÃ
 
Hầu như mọi người trên thế gian này đều cho rằng: thân xác này là thực, tâm hồn này là thực. Nhưng thực ra, thân xác tứ đại này do đất, nước, gió, lửa, tạo thành, không có gì gọi là thực. Tại sao vậy? Bởi vì nếu ngày nào chúng ta không bồi dưỡng cho tấm thân, những chất từ đất sinh ra như cơm gạo, những chất như nước sữa, những chất như không khí, những chất tạo hơi ấm, thì ô hô tử vong. Ðến cuối cuộc đời, thân xác này cũng phải để lại và tan rã, cát bụi trở về với cát bụi. Có gì là thực đâu? Còn tâm hồn của chúng ta thay đổi liên miên, từ bé đến lớn, từ hôm qua đến hôm nay, từ giây phút trước đến giây phút hiện tại. 

Tâm hồn của chúng ta, trong kinh sách gọi là "tâm thức", không có gì gọi là thực, đó chỉ là một dòng chuyển biến, trong từng sát na, trong từng giây phút, không bao giờ ngừng nghỉ, khi con người chưa ngộ đạo.
 
Trong đạo Phật, chấp thân tứ đại là mình, chấp tâm vô thường là mình, gọi là "chấp ngã". Vì vậy bản ngã mà người đời coi như là một "linh hồn vĩnh cữu", đó chỉ là "ảo tưởng" mà thôi. Chính cái ảo tưởng này là nguyên nhân của phiền não và khổ đau trong cuộc đời.
 
CHẤP PHÁP
 
Con người thường cho rằng mọi việc trên đời đều tồn tại vĩnh viễn. Chúc tụng nhau hạnh phúc trăm năm. Tình bạn muôn năm, tình yêu bất diệt. Cầu xin mãi mãi bình yên, không gặp nạn tai, không chuyện phiền toái. Tất cả chỉ là niềm mơ ước, mong muốn mà thôi, không phải là sự thực. Con người khi đạt được một địa vị nào đó trong xã hội, có được một sự nghiệp nào đó trên đời, thường nghĩ rằng, mong rằng, những thứ đó là miên viễn, là thường còn. Con người vĩnh viễn giữ được những điều mình đang có.

Bởi vậy cho nên mới có Hoàng Thượng vạn tuế, Tổng Thống muôn năm, Chủ Tịch muôn đời, Hội Trưởng vạn niên!
 
Sự thực, muôn pháp trên thế gian, muôn việc trên cõi đời, từ vật chất cho đến tinh thần đều biến chuyển đổi thay, không bao giờ ngưng. Nhứt là những thứ có hình thức, tướng mạo, lớn như quả địa cầu, dãy núi, nhỏ như trái cam, hạt cải, đều trải qua bốn giai đoạn:"sinh, trụ, dị, diệt". Nghĩa là mọi vật được sinh ra bằng cách nào đó, trụ thế được một thời gian nào đó, rồi cũng đến lúc biến dị và cuối cùng là hoại diệt. Trong đạo Phật gọi đó là "vô thường". 

Ở thế gian người ta gọi đó là "sự tàn nhẫn vô tình của thời gian". Mọi pháp thế gian đều không tồn tại qua thời gian. Một tòa nhà cao chọc trời kiên cố, một hệ thống xa lộ vĩ đại, tất cả chỉ còn là đống gạch vụn sắt vụn sau một cơn động đất. Một thị trấn sầm uất đông dân, nhà cửa đông đúc, tất cả chỉ còn là một khoảnh đất điêu tàn hổn độn, sau khi một cơn bão tố khủng khiếp đi ngang qua. Con người thấy đó rồi mất đó. Trên đời không có gì đáng để cho "con người tỉnh thức" phải hơn thua tranh chấp cả! Còn theo đuổi việc hơn thua tranh chấp, con người vẫn còn si mê, chưa thức tỉnh, cho nên không thể có cuộc sống ý nghĩa được.
Trong Kinh Kim Cang, Ðức Phật có dạy: "Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng".
Nghĩa là phàm ở trên đời những gì có hình thức, tướng mạo, có thể nhìn thấy bằng cặp mắt thường, đều là hư vọng, là giả tạm, không tồn tại vĩnh viễn, kể cả cái thân xác của chúng ta hiện có.
 
Các câu tục ngữ như: 
"Bèo hợp rồi tan, trăng tròn rồi khuyết", 
"Thương hải biến vi tang điền", 
hay 
"Bức tranh vân cẩu, kiếp người tang thương", 

chính là nghĩa đó vậy.

 

Tỳ khưu Thích Chân Tuệ


 
Tổng số điểm của bài viết là: 10 trong 2 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này