BR-VT: TT.TS. Minh Thành chia sẻ pháp hành đến hành giả Khóa tu truyền thống Khất sĩ - Phật Giáo Việt Nam
08:41 +07 Thứ sáu, 29/03/2024

BR-VT: TT.TS. Minh Thành chia sẻ pháp hành đến hành giả Khóa tu truyền thống Khất sĩ

Chủ nhật - 06/10/2019 09:15
BR-VT: TT.TS. Minh Thành chia sẻ pháp hành đến hành giả Khóa tu truyền thống Khất sĩ

BR-VT: TT.TS. Minh Thành chia sẻ pháp hành đến hành giả Khóa tu truyền thống Khất sĩ

(HDPT) - Ngày 5/10/2019 (nhằm ngày 7/9 năm Kỷ Hợi), TT.TS. Minh Thành, Ủy viên thường trực HĐTS GHPGVN, phó thư ký Ban thường trực Giáo phẩm Hệ phái, đã có bài pháp về chủ đề phúc lành tối thượng (Kinh Điềm Lành) và một đoạn trong Chơn lý Nhập định số 14 của Tổ sư Minh Đăng Quang đến các hành gỉa Khóa tu.
 

Mở đầu bài giảng Thượng tọa xin phép chư Tôn đức giáo phẩm Hệ phái, chư Tôn đức trong Ban Tổ chức, Ban chức sự, quý hành giả của Khóa tu, cho phép chia sẻ nội dung 1 đoạn trong Kinh Điềm Lành và đoạn thứ 3 trong Chơn lý Nhập định số 14 của Tổ sư Minh Đăng Quang. Bài giảng được Thượng tọa lồng ghép qua diễn tiến xúc chạm của bản thân đối với cuộc đời, từ đó Ngài đã làm sáng tỏ để cho đại chúng được hiểu.
Khi xúc chạm việc đời
Tâm không động không sầu
Không uế nhiễm an ổn
Là điềm lành tối thượng
(Đoạn 11 của Kinh Điềm Lành)
 
Theo Thượng tọa, chữ “Điềm lành tối thượng” có khi được dịch ra là: “Phúc lành tối thượng”. Không phải xuất phát từ cao siêu, chuyện thiền định, thiền quán… Không phải xuất phát từ cái vị trí cao của thang bậc của cuộc đời, thang bậc của xã hội. Không phải xuất phát từ việc do một nhân duyên nào đó mà được sanh vào cảnh giới yên vui nào đó. Hay mình được tiếp xúc các bậc thiên tử, bậc thậm thâm vi diệu… Hay là do mình đi cầu kiến ở những cái non cao núi thẳm và được bậc thượng nhân, vị cao sĩ, những vị đắc đạo… mà có được cái hạnh phúc tối thượng, có điềm lành tối thượng. Tất cả đều không phải.
Mà ở đây Thượng tọa cho rằng: cái đối tượng để có được điềm lành tối thượng trong đoạn kinh trên, rất là đời thường đó là cái có được khi xúc chạm việc đời. Từ những xúc chạm đó trải qua 1 quá trình thì có được phúc lành tối thượng.
Bên cạnh kinh Điềm Lành, Thượng tọa cũng cho rằng nội dung trong bộ Chơn lý của Tổ sư Minh Đăng Quang có 1 cái nhìn rất là dung thông, không bắt phải làm cái này cái kia cho thật chính xác chỉ gợi lên phương hướng mà thôi. Mỗi một hành giả nhận thức cái cốt lõi của cái phương hướng mà Chơn lý gợi lên, làm theo. Chắc chắn sẽ được phúc lạc, đi tới cái điềm lành.
Thông qua câu chuyện về việc đi đám tang của một chư Tôn đức là bạn đồng học hồi xưa ở Học viện Phật giáo Việt Nam TPHCM, Thượng tọa cho rằng việc gặp HT. Tâm Đức rất là khó do Ngài rất là bận. Thế nhưng khi nghe tin người bạn đồng học hồi trước mất thì Hòa thượng đã đi viếng liền. Qua đó, Thượng tọa cho các hành giả thấy những phiền toái của địa vị, của trật tự, của sơn môn pháp phái khác nhau, của công việc bận rộn… cũng sẽ bị xóa đi, khi có một điều gì đó xảy ra. Ở đây điều này có được là do sự viên tịch của một vị chư Tôn đức, nó cho chúng ta một cảm xúc rất là đặc biệt, chỉ khi đó mới có cảm xúc như vậy.  Điều này theo Thượng tọa diễn tiến tâm lý như vậy, trong Chơn lý đức Tổ sư đã nêu rất rõ.
Kế sau đó, Thượng tọa với ví dụ về sự lạm dụng từ Phật sự khi được hỏi đến của các vị tu sĩ khi làm điều gì. Thượng tọa cho rằng, ai nói đi đâu, làm gì cũng đều đổ cho là đi làm Phật sự. Tuy nhiên, các vị ấy không hiểu nhiều khi bản thân mang một đống cái tâm sân, một mớ cái nổi niềm đem về chùa để mà gặm nhấm. Đó là những cái xúc chạm “Phật sự”, theo Thượng tọa: thật sự mà nói thì cũng nữa này, nữa kia. Phải nhìn thẳng vào sự thật, trong cái Phật sự đó nó chen vào cái gì?…
Thành ra, việc đời ở đây nó bao hàm toàn bộ những diễn tiến trong cuộc đời này. Dù đó là Phật sự hay không phải Phật sự. Qua đó, Thượng tọa cho rằng, cái chất trong công việc, và cái chất đời trong công việc nó chông chênh, xâm thực.. với nhau. Với một con mắt của vị Thiền sư, mình nhìn được sự thật, đồng thời nhìn được cái nguyên nhân của sự thật đó. Nhìn được bằng con mắt tích cực, khai thác cái ưu việt của giáo lý, của lời dạy Tổ sư, trong kinh điển.
Qua đó, Thượng tọa cho rằng, một trong những bài kinh để hóa giải điều nay chính là không tâm, không động, không sầu. Vì chỉ khi tâm không động giữa cái biến động của cuộc đời thì mới vượt qua mọi cái ưu phiền, khổ não. Đáng lẽ có cái khiến mình sầu, khổ ưu lắm… nhưng qua lời kinh, nghe lại lời pháp thì việc đó được hóa giải. Hóa giải qua việc tâm không động. Vì khi tâm không động thì diễn tiến sẽ không sầu. Đó là vì những điều đó như mộng, như huyễn, như ảnh, là sương, là sấm chớp… thì có gì mà phải buồn, phải sầu. Tâm đạt cảnh giới như vậy thì nói theo duy thức đại thừa đó là tâm thức bản lai thanh tịnh.
Tại sao tâm thức của mình đáng ra là bản lai thanh tịnh thì lại lung tung đủ thứ, theo Thượng tọa đó là vì pháp trần thấm vào. VD: Khi đi làm Phật sự thì nghe cũng có những câu rất là hữu tình, rất là chí lý, rất là đạo nghĩa, rất là từ bi hỷ xã… nhưng mà bản thân đâu có loại trừ được những câu tiêu cực, những câu nói cạnh, nói khóe… Đó là những pháp trần đưa vào tâm thức của mình, nếu như tâm thức mình kết với mấy câu tham sân si đó thì có kết quả không như mong muốn, từ đó mà tâm uế nhiễm, bất an.
Vì thế người có sự tu tập, theo Thượng tọa là người không thèm để ý tới những câu đưa tới tham sân si. Mà mỗi người nên để tâm vào những câu từ bi, câu trí tuệ, thương yêu, bao dung… mà kết thân, tương tác… với những câu như vậy… Chắc chắn sẽ được một trạng thái mà kinh Điềm Lành đã nhắc: “Không uế nhiễm an ổn”. Từ đó mới có kết quả là phúc lành tối thượng.
Theo Thượng tọa, Phúc lành tối thượng là cao nhất, hơn những cái phúc lành như: phúc lành tiền bạc, xe cộ, thân quyến, bạn bè, được mọi người tôn trọng… Phúc lành đó giúp cho mọi người vượt qua các phiền não trong cuộc đời. Phúc lành mà người tu sĩ đúng nghĩa phải hướng tới.
Thượng tọa cũng cho biết sáng nay có nghe được những câu nói nghe rất là xấu, nặng nề, nhưng đó là những câu quan tâm, đùm bọc, chân tình. Tuy những chữ đó nghe thì xấu, không tốt… nhưng thật sự rất là tốt. Còn hơn là những câu khen, tâng bốc… nhưng chỉ mang tính chất xả giao. Những chữ tốt đó thì lại không chắc lắm, hạn chế. Vì thế có thể thấy, có những câu nghe xấu, không hay nhưng nếu trong bàn tay yêu thương chân tình thì đó là những chữ rất là tốt.
Theo Thượng tọa chúng ta có 2 cái tai, Tai bên trái để nghe những lời đầy tai ương, đầy phiền não… nhưng nghe xong thì nên để đó và buông bỏ. Còn tai bên phải nghe những lời chân tình, chơn chất, đúng đạo lý, có chất liệu từ bi hỷ xã yêu thương… để làm dưỡng chất, xây dựng cái nguồn nuôi dưỡng tâm hồn của mình. Đó chính là vấn đề xúc chạm chuyện đời.
Sau khi luận bàn chuyện xúc chạm cuộc đời, Thượng tọa đã cùng phân tích nội dung trong đoạn thứ 3 của bộ Chơn lý số 14: Nhập định.
Qua đoạn này, Thượng tọa cho rằng đối tượng chăm sóc của người hành giả đó chính là cái ý. Nó được định tính trong 3 từ: tham, sân, si… Vì từ xưa, cái ý đã hấp thụ 3 cái này. Đây là cái mà nhà Phật gọi là tam độc. Ở trong bộ Chơn lý, cái ý được xem là xấu, là tiêu cực chứ không phải tích cực… Nếu thánh hóa, Phật hóa… điều này thì cái ý lúc đó gọi là trí. Cái trí mà tấn hóa tiếp nữa thì gọi là tấn, là giác, là chơn như, chứ không gọi là cái ý nữa.
Vì thế người tu tập cần phải nắm được 3 cách ứng xử: nhận ra, thiết kế, thực hành. Và đặc biệt, Thượng tọa cho rằng chúng ta cần phải nhìn ra cái mã di truyền của cái ý. Ý là đối tượng, xem như là con người. Con người thì có mã di truyền, đó chính là sự đối nghịch, phản kháng. VD: Tâm muốn khép vào kỷ luật nhưng ý phản kháng, không đồng thuận…
Ngài cũng cho rằng, cái ý cũng có mã di truyền là Phật tánh, thanh tịnh, để từ đó mà con người mới có thể tu tập, vì thế mỗi người tu tập cần nhìn ra những đặc điểm, tính chất của cái ý.
Vào buổi chiều, Thượng tọa tiếp túc phân tích 2 cách ứng xử còn lại là thiết kế và thực hành. Từ những yếu tố đó, Thượng tọa mong muốn các hành giả thông qua thiết kế, thực hành (từ Giới Định Tuệ, các cách thiền tập) để chuyển thành cái tánh giác chơn như, theo Chơn lý Nhập định của Tổ sư Minh Đăng Quang.
Kết thúc bài giảng, TT. Minh Thành đã cùng các hành giả của khóa tu có những thời pháp đàm, giải thích các vấn đề đã được phân tích, giảng giải trong ngày hôm nay. 
Được biết, ngoài việc học pháp, các hành giả của Khóa tu vẫn hành trì những thời như tọa thiền, thiền tọa, trì bình nhận thực phẩm, thọ trai hòa chúng, sám hối… như các ngày tu học khác.
 
Chư tăng trong giờ học pháp
Thiền hành
Thiền tọa

Chư tôn Đức Khất thực trong khuôn viên Tịnh xá
Phật tử tác bạch trước giờ đặt bát

 

Chư tôn Đức chứng minh – chú nguyện trước giờ thọ trai


 

Ban Văn hóa – TTTT Hệ phái Khất sĩ

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này