Kinh Đại Phước Đức (Mahamangala Sutta) Diễn thơ lục bát - Phật Giáo Việt Nam
12:40 +07 Thứ hai, 29/04/2024

Kinh Đại Phước Đức (Mahamangala Sutta) Diễn thơ lục bát

Thứ sáu - 20/05/2016 23:25
(HDPT) - Bản kinh Đại Phước đức tuy ngắn gọn, nhưng rất phong phú súc tích, mang tính giáo dục đạo lý làm người rất cao, bản kinh này đã được nhiều vị cao tăng thạc đức phiên dịch từ bản gốc bằng chữ Pali: Mahamangala Sutta. Được Hòa thượng Thích Chơn Không diễn thơ lục bát rất dễ hiểu và dễ nhớ. Ban Biên tập trân trọng giới thiệu đến chư Tôn đức và các bạn đọc.
 
          LỜI NÓI ĐẦU
          Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
          Kính bạch chư Tôn đức,
          Kính thưa chư thiện hữu tri thức
          Các cháu Thanh thiếu nhi Phật tử thân thương,
          Bài kinh Mahamangala do chính Đức Thế tôn giảng dạy theo lời thỉnh cầu của chư Thiên. Đây là bài kinh dạy đạo làm người, dạy tu dưỡng đạo đức, dạy kỹ năng sống cho hàng Phật tử tại gia, bất kỳ người già hay trẻ là Phật tử chúng ta đều không thể bỏ qua nội dung kinh này, mà phải thường xuyên thọ trì đọc tụng; lưu tâm nghiền ngẫm tư duy, tìm hiểu và ứng dụng những lời dạy quý báu đó vào trong sinh hoạt hằng ngày.
          Bài kinh này nguyên bản là chữ Pali: Mahamangala Sutta. Maha là: đại, Mangala là: phước đức, hạnh phúc, điềm lành, an vui, Sutta là: kinh, mà kinh Phật thì có các yếu tố: phù hợp với tâm tánh chúng sanh, phù hợp với sự thật khách quan của muôn vật, và luôn phù hợp với hoàn cảnh xã hội. Quý vị đọc kỹ sẽ thấy các tính chất đặc thù của bài kinh này. Bài Mahamangala Sutta, đã được Trưởng lão Thích Minh Châu phiên dịch với tựa đề kinh Đại Phước đức, Thiền sư Thích Nhất Hạnh phiên dịch với tựa đề kinh Phước đức, Hòa thượng Thích Thiện Châu phiên dịch với tựa đề kinh Hạnh phúc, Pháp sư Maha Thongkham phiên dịch với tựa đề kinh Ba mươi tám pháp Hạnh phúc, và còn khá nhiều bản dịch khác của chư Tôn đức, góp phần làm phong phú kho tàng giáo điển và tạo thêm nhiều cơ hội để chư thiện nam tín nữ Phật tử nghiên cứu, ứng dụng.
          Với tâm nguyện góp một chút phần công đức hoằng dương chánh pháp, nhân mùa Phật đản PL.2560, và mùa nghĩ hè năm 2016, tôi xin gởi tặng bài kinh Đại Phước đức diễn thơ lục bát (Mahamangala Sutta) đến các cháu Thanh thiếu nhi Phật tử - những bạn trẻ thân thương. Mong rằng với bản diễn thơ lục bát có vần có điệu, dễ nhớ dễ hiểu, quý Phật tử và các cháu nhỏ sẽ nhanh chóng lãnh hội được những lời Phật dạy và giúp cho cuộc sống giả tạm phù du này tăng thêm ý nghĩa.
          Bản kinh Đại Phước đức diễn thơ lục bát này, căn cứ trên các bản dịch của các bậc tiền bối cao minh mà hình thành. Xin cúi đầu đảnh lễ tri ân quý ngài, đã từ mẫn mở đường đi trước, dọn hết chông gai trở ngại. Nhờ đó mà bản kinh diễn thơ lục bát này mới được ra đời. Mặc dù, chúng tôi một lòng chân thành cố gắng diễn thơ, nhưng khả năng có giới hạn, không sao tránh khỏi những điều sơ sót ngoài ý muốn, kính mong các bậc cao minh từ bi chỉ giáo, để bài kinh này được hoàn chỉnh. Xin nguyện có bao công đức pháp thí hồi hướng: Phật pháp xương minh, quốc gia hưng thạnh, thế giới hòa bình, chúng sanh an lạc.
          NAM MÔ CÔNG ĐỨC LÂM BỒ TÁT MA HA TÁT

KINH ĐẠI PHƯỚC ĐỨC (Mahamangala Sutta)
Diễn thơ lục bát
 
Mùa Phật đản PL.2560
Diễn thơ: HT. Thích Chơn Không
 
Tôi nghe như vầy:
Một thời Phật ngự Kỳ Viên.
Cấp Cô Trưởng giả phước duyên nhiều đời.
Tại thành Xá Vệ tuyệt vời.
                              Vua thì sáng suốt, dân thời hiếu trung.
                                        Nửa đêm yên tĩnh lạ lùng.
                              Chư Thiên hiện xuống giữa vùng hào quang.
                                        Vườn cây rực rỡ ánh vàng.
                              Chư Thiên đảnh lễ đôi hàng tỏ phân:
                                        “Trời người thao thức ân cần,
                              Muốn được phước đức, tu nhân thế nào?”
                                        Lời vàng Phật dạy ngọt ngào:
                              “Lánh xa kẻ ác, chớ vào nhà gian.
                                        Người hiền đáng kính muôn ngàn.
                              Môi trường tốt đẹp, dễ dàng tu tâm.
                                        Làm điều chơn chánh cao thâm.
                              Siêng năng học chữ, chuyên tâm học nghề.
                                        Nói năng phải giữ lấy lề.
                              Hành trì giới luật, dựa kề Mẹ Cha.
                                        Vợ chồng yêu mến thiết tha.
                              Cả nhà vui vẻ, gần xa thuận hòa.
                                        Sống nghề lương thiện thật thà.
                              Cúng dường đúng pháp, giúp nhà khó khăn.
                                        Nết na trong sạch như băng.
                              Xa lìa niệm ác, siêng năng tu hành.
                                        Các chất gây nghiện chẳng lành.
                              Rượu bia, ma túy hoành hành khổ đau.
                                        Hết lòng lập hạnh thanh cao:
                              Kính trên, nhường dưới, ở sao trọn phần,
                                        Thiểu dục, tri túc, tri ân.
                              Kiên trì phục thiện, cận thân Tăng già.
                                        Pháp đàm học hỏi gần xa,
                              Tinh cần, tỉnh thức lối ma xa rời
                                        Niết bàn thực chứng hiện đời,
                              “Cư trần bất nhiễm”, lòng thời vững yên
                                        Tiêu tan nghiệp chướng não phiền
                              Ung dung tự tại khắp miền trần gian.
                                        Ba tám “thước ngọc khuôn vàng”.
                              Ta nên ứng dụng, muôn ngàn an vui.

 

Ban biên tập

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này