Nam Định: Ban Trị sự GHPGVN tỉnh tổ chức Hội nghị Sinh hoạt Tăng sự - Phật Giáo Việt Nam
00:01 +07 Thứ bảy, 04/05/2024

Nam Định: Ban Trị sự GHPGVN tỉnh tổ chức Hội nghị Sinh hoạt Tăng sự

Thứ hai - 22/04/2024 14:45
Nam Định: Ban Trị sự GHPGVN tỉnh tổ chức Hội nghị Sinh hoạt Tăng sự

Nam Định: Ban Trị sự GHPGVN tỉnh tổ chức Hội nghị Sinh hoạt Tăng sự

(HDPT) - Sáng nay, 22-4- 2024, tại Trung tâm Phật giáo Trúc Lâm Thiên Trường (TP.Nam Định, tỉnh Nam Định) Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Nam Định tổ chức Hội nghị Sinh hoạt Tăng sự cho toàn thể chư Tôn đức Tăng ni trong toàn tỉnh Nam Định để thảo luận chương trình hoạt động Phật sự đầu năm 2024 và một số công tác trọng tâm của Giáo hội được dự kiến triển khai trong thời gian tới.
 

 

Chứng minh tham dự Hội nghị có HT. Thích Thanh Lương - Thành viên HĐCM GHPGVN, Chứng minh BTS GHPGVN tỉnh Nam Định; HT. Thích Quảng Hà- Phó Chủ tịch HĐTS, Trưởng Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Nam Định; HT. Thích Tâm Vượng, HT. Thích Tâm Thiệu - UV HĐTS, Phó trưởng Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh; HT. Thích Thanh Thịnh- UV Ban Pháp chế TƯ, Phó trưởng Ban Trị sự Phật giáo Tỉnh; HT. Thích Thiện Tri - Chứng minh BTS GHPGVN huyện Xuân Trường; Ni trưởng Thích Đàm Hiền- Phó BTS kiêm Trưởng phân Ban ĐTNG GHPGVN tỉnh Nam Định; TT. Thích Giác Vũ- Chánh Thư ký BTS, Trưởng Ban TT-TT GHPGVN tỉnh Nam Định, cùng toàn thể chư Tôn đức Tăng ni trong toàn tỉnh Nam Định đồng tham dự.
 


 
 
Phát biểu khai mạc, HT. Thích Quảng Hà nhấn mạnh, trải qua 9 nhiệm kỳ, Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nam Định luôn kế thừa truyền thống đoàn kết, hòa hợp gắn liền với dân tộc, phát huy nguồn trí tuệ tập thể của Tăng Ni Phật tử. Khéo vận dụng phương tiện, tùy duyên bất biến trong mọi hoàn cảnh, nắm bắt kịp thời từng bước  phát triển của đất nước và thời đại, phát huy vai trò của mình, góp phần xây dựng Giáo hội, xây dựng quê hương đất nước. Những thành tựu Phật sự đó là kết tinh trí tuệ của một tập thể thống nhất ý chí cao của Tăng Ni trong toàn tỉnh. Đặc biệt là Ban Tăng sự đã nỗ lực trong các hoạt động Phật sự chuyên ngành như: tổ chức Giới đàn, An cư kiết hạ, bổ nhiệm trụ trì, chuyển vùng sinh hoạt tôn giáo, Quản lý Tăng Ni, tự viện… và một số công tác trọng tâm theo chương trình hoạt động Phật sự của Giáo hội trung ương và địa phương.
 
 
Trong hoạt động của hệ thống Giáo hội, Tăng sự là cốt lõi, là nền tảng của tổ chức Giáo hội và luôn đặt trong mối tương quan mật thiết, bao trùm tới tất cả các lĩnh vực hoạt động Phật sự. Đối tượng của công tác Tăng sự là Tăng Ni, và vì vậy quản lý Tăng sự là quản lý sinh hoạt và hành đạo của Tăng Ni theo đúng Chánh pháp, theo đúng giới luật của Đức Phật đã chế ra và quản lý tự viện nơi sinh hoạt của Tăng Ni theo đúng Hiến chương GHPGVN, pháp luật của Nhà nước”.
 
 
Tuy vậy, đứng trước sự vận động chung, sự phát triển của kinh tế thị trường, tiến bộ khoa học kỹ thuật, sự hội nhập và giao lưu quốc tế ngày càng sâu rộng, bên cạnh những yếu tố tích cực, đồng thời tạo ra sự thay đổi của hoàn cảnh tu tập và môi trường xã hội ít nhiều làm mất đi nền tảng văn hóa thiền môn. Nỗi trăn trở lớn nhất của chư Tôn đức lãnh đạo Giáo hội Phật giáo tỉnh đó là, sinh hoạt và hành đạo của Tăng Ni trước những thay đổi và thách thức giữa việc duy trì giữ gìn Giới luật, đời sống phạm hạnh và đường hướng tu tập. Hiện nay cả tỉnh có tổng số 843 vị Tăng Ni tu học tại 791 cơ sở tự viện. Ngành Tăng sự đang đứng trước một số vấn đề cơ bản như: Độ người, thụ giới, Quản lý Tăng Ni, Thuyên chuyển sinh hoạt tôn giáo; đạo hạnh của Tăng Ni trẻ; An cư kết hạ; Nghi lễ; Văn Hoá.....
Ban Trị sự tin tưởng tất cả Tăng Ni sẽ phát huy phẩm hạnh, trưởng dưỡng đạo tâm tăng cường đạo lực, tinh tấn để thành tựu Giới học, Định học, Tuệ học, xứng đáng là Trưởng tử của Như Lai, là Tăng Ni của Giáo hội; giữ vững đời sống nội tâm để không bị chi phối trước sự phát triển, cám dỗ về mọi mặt của xã hội. Nhất là bảo tồn, phát huy văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo Việt Nam trong giao tiếp, ứng xử, tiếp thu tinh hoa của nhân loại nhưng vẫn giữ vững được truyền thống của văn hóa dân tộc, văn hóa Phật giáo Việt Nam; tiếp cận thông tin qua các trang mạng xã hội và những thông tin khác cần có sự chọn lọc để góp phần trang nghiêm Giáo hội, làm cho đạo thịnh nước hưng.
Muốn làm được việc này thì vai trò của các Ban Trị sự PG các huyện và cấp cơ sở có một vị trí vô cùng quan trọng, trong định hướng việc tu học cho Tăng Ni hậu học; tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, đường lối của Giáo hội một cách sâu rộng đến các Tự viện, Tăng Ni, Phật tử trong toàn tỉnh. Trên tinh thần "Kỷ cương - Trách nhiệm - Đoàn kết - Phát triển", Ban Trị sự rất mong chư Tôn đức về dự hội nghị tập trung góp ý, đánh giá tổng kết công tác Phật sự của Phật giáo tỉnh nhà, nhằm phân tích, chỉ ra những nhân tố tích cực đưa đến thành tựu các Phật sự, tìm ra những nguyên nhân khách quan, chủ quan hạn chế trong các hoạt động Phật sự, mong chư tôn đức và quý vị đại biểu nhiệt tâm cho ý kiến nhận định thực tế về công tác Tăng sự tại địa phương, phân tích mổ xẻ nguyên nhân các tồn tại, thách thức và đưa ra kiến nghị các giải pháp cho các vấn đề tồn đọng để từng bước chấn chỉnh và làm tốt các công tác Tăng sự  nhằm tăng cường quản lý Tăng Ni, tự viện tạo điều kiện tốt nhất cho việc sinh hoạt tu tập và giữ gìn Giới luật, đạo hạnh của Tăng Ni trong điều kiện xã hội hiện nay. Trên cơ sở đó hoàn thiện phương hướng hoạt động Phật sự của nhiệm kỳ 2022- 2027, nhiệm vụ mà Đại hội X đã đề ra,  để Phật giáo tỉnh nhà tiếp tục phát triển bền vững và tỏa sáng trong tương lai.



 
Tại Hội nghị, TT. Thích Thanh Lợi - Phó ban Nghi lễ TƯ, UVTT Ban Trị sự GHPGVN tỉnh Nam Định, Trưởng BTS GHPGVN TP. Nam Định, đại diện BTS GHPGVN TP Nam Định đã trình bày tham luận với chủ đề “Vài suy nghĩ về vấn đề An cư kết Hạ trong giai đoạn hiện nay”. Theo Luật tạng, thời gian đầu Đức Phật chưa chế pháp An cư. Khi mùa mưa đến, cây cối mọc lên kéo theo sự sinh sôi nảy nở của vô số côn trùng. Một số đạo sỹ các giáo phái khác cũng có quy định an trú trong mùa mưa để tránh giẫm đạp làm tổn hại sinh mạng, trong khi đó chư Tăng đệ tử Phật vẫn tiếp tục du hành trong ba tháng mùa mưa. Điều này đã khiến dân chúng và các giáo phái ngoại đạo kịch liệt chỉ trích vì dẫm đạp làm chết nhiều côn trùng và còn có nhiều vị bị rắn rết độc cắn. Sự kiện này được trình báo lên Đức Thế Tôn, Ngài đã nhận thấy ngoài lý do trên, chư Tăng cũng cần phải có thêm thời gian tĩnh tu nên ban hành pháp An cư hàng năm để những người xuất gia hành trì đạt đến cảnh giới tâm tự tại an lạc giải thoát.


 
Đại đức Thích Thông Đạt, Đại diện BTS GHPGVN huyện Giao Thủy trình bày tham luận với chủ đề “Phật giáo với vấn đề độ người xuất gia trong thời hiện đại”. Tham luận đã đưa ra những giải pháp giúp Tăng sỹ trẻ tu tập, giữ gìn Đạo hạnh, Giới đức của mình như: Vị thầy cần phải nghiêm túc trong việc nuôi dưỡng đệ tử, cần phải tôn trọng luật Phật, Quy chế hoạt động Ban Tăng sự trong việc tuyển chọn người vào tu; Tăng Ni trẻ, cần nâng cao ý thức rằng mình là người xuất gia, cần tự giác khép mình trong nếp sống Thiền gia quy củ, tôn trọng và thực hành lời Phật dạy, tôn trọng Quy chế hoạt động Ban Tăng sự, Hiến chương Giáo hội cũng như Pháp luật hiện hành của Nhà nước; Tổ chức Sơn môn Hệ phái cần phải có những pháp chế cụ thể, rõ ràng trong việc độ người xuất gia của các thành viên trong Sơn môn Hệ phái; Giáo hội cần quản lý chặt chẽ hơn nữa về vấn đề độ người xuất gia, thụ giới, và đạo hạnh của người xuất gia. Mỗi miền nên có vị Giám Luật để giảm sát việc hành trì giới luật của Tăng Ni, v.v..


 
 
Qua một buổi làm việc trong tinh thần hòa hợp, đoàn kết, sau khi nghe những ý kiến phát biểu của các thành viên Ban Thường trực Ban Trị sự PG tỉnh, Ban Trị sự Phật giáo các huyện và Thành phố và chư Tôn đức Tăng Ni trong tỉnh.  Hội nghị đã nhất trí chương trình hoạt động Phật sự trọng tâm của Giáo hội được dự kiến triển khai trong thời gian tới như: Tổ chức khóa An cư kiết hạ; Ban Trị sự Phật giáo các huyện cần quản lý chặt chẽ hơn nữa về vấn đề độ người xuất gia, thụ giới, và đạo hạnh của người xuất gia. Chư tôn đức Tăng Ni cần phải nghiêm túc trong việc nuôi dưỡng đệ tử, trên tinh thần của Giới luật, Hiến chương và Nội quy Ban Tăng sự Trung ương GHPGVN; Ban Trị sự Phật  giáo các huyện cần hướng dẫn Tăng Ni, Phật tử tổ chức nghi lễ trang nghiêm, tiết kiệm và tránh các yếu tố không đúng Chính pháp trong Nghi lễ Thiền gia; Ban Kiểm soát cần phối hợp chặt chẽ với các ban ngành  địa phương, kết hợp cùng chính quyền phát hiện, xử lý kịp thời các trường hợp mạo danh tu sĩ có các hoạt động phi pháp làm ảnh hưởng đến sự trang nghiêm giáo hội, v.v..
 
Xin trân trọng gửi tới quý độc giả những hình ảnh đã ghi nhận được:









































































 











 

 

Phúc Thịnh - Phúc Thông

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: tỉnh nam

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này