Vai trò của Phật giáo Thủ đô trong sự nghiệp xây dựng và phát triển GHPGVN - Phật Giáo Việt Nam
07:24 +07 Thứ ba, 14/05/2024

Vai trò của Phật giáo Thủ đô trong sự nghiệp xây dựng và phát triển GHPGVN

Thứ năm - 13/12/2012 10:41
(HDPT) - Thăng Long - Hà Nội trải qua một nghìn năm lịch sử với biết bao biến cố thăng trầm cùng vận mệnh dân tộc, nhưng vẫn luôn là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của cả nước.
 





 
 VAI TRÒ CỦA PHẬT GIÁO THỦ ĐÔ

TRONG SỰ NGHIỆP XÂY DỰNG VÀ PHÁT TRIỂN

NGÔI NHÀ CHUNG GIÁO HỘI PHẬT GIÁO VIỆT NAM

 

 
Thành hội Phật giáo Hà Nội

 


 

Trong không khí trang nghiêm, đại hoan hỷ của Đại hội Đại biểu Phật giáo Việt Nam lần thứ VII - Nhiệm kỳ 2012 - 2017, cho phép con thay mặt Tăng Ni, Phật tử Thủ đô gửi đến chư tôn Trưởng lão Chứng minh, Chủ tọa đoàn, Quý vị Đại biểu và toàn thể Đại hội lời cầu chúc an lạc, hạnh phúc dưới ánh sáng từ quang của Phật Tổ. Chúc Đại hội thành công viên mãn.

Sau đây, con xin trình bày tham luận với chủ đề: “Vai trò của Phật giáo Thủ đô trong sự nghiệp xây dựng và phát triển ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam”.

Kính thưa toàn thể Đại hội!

Thăng Long - Hà Nội trải qua một nghìn năm lịch sử với biết bao biến cố thăng trầm cùng vận mệnh dân tộc, nhưng vẫn luôn là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa của cả nước. Từ những xuất phát điểm đó, Phật giáo Thủ đô từ xưa cho đến ngày nay luôn luôn có thế mạnh và vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển Phật giáo Việt Nam trước đây và Giáo hội Phật giáo Việt Nam ngày nay. Trong khuôn khổ bài tham luận  này, con xin đề cập một số vấn đề cơ bản sau:

1. Thế mạnh của Phật giáo Thủ đô.

1.1. Thứ nhất: Phật giáo là quốc giáo. Ngay từ buổi đầu định đô ở Thăng Long, Phật giáo tại đây đã được các bậc quân vương ủng hộ, các bậc cao Tăng hoằng truyền, nên phát triển mạnh mẽ. Tư tưởng trong sáng, triết lý hành động của giáo lý Phật giáo đã thẩm thấu vào đời sống của các tầng lớp xã hội. Do đó tư tưởng Phật giáo trở thành niềm tin, lẽ sống của người dân Việt qua bao thế hệ.

Ngày nay, tại Thủ đô tuy có nhiều tôn giáo khác nhau, nhưng số lượng Phật tử và những người có tín ngưỡng Phật giáo chiếm đại đa số trong các tầng lớp nhân dân Thủ đô. Phật giáo Thủ đô trong những năm qua tích cực đẩy mạnh công tác hoằng pháp, hướng dẫn nhân dân Phật tử tu tập, góp phần duy trì nền tảng đạo đức xã hội lành mạnh, xây dựng đời sống văn hóa mới ở khu dân cư. Toàn Thành phố có 29 giảng đường tổ chức thuyết pháp, tu tập Bát quan trai, niệm Phật,… định kỳ cho hàng Phật tử. Mỗi giảng đường có từ 200 Phật tử trở lên đến tham dự. Qua đó đã nâng cao trình độ hiểu biết giáo lý đạo Phật cho các Phật tử, từng bước đẩy lùi các hủ tục lạc hậu, mê tín, thể hiện tinh thần nhập tế của Phật giáo đối với cộng đồng.

1.2. Thứ hai: Phật giáo Thủ đô luôn đồng hành cùng dân tộc với truyền thống “Hộ quốc an dân”. Lịch sử dân tộc và lịch sử Phật giáo đã khẳng định rõ ràng điều này. Trong các triều đại phong kiến, thời nào cũng có các bậc cao Tăng xuất hiện, làm cố vấn cho các bậc quân vương trong việc trị nước, an dân, chống giặc ngoại xâm, phát huy tinh thần tự lực, tự cường của dân tộc.

Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, Tăng Ni, Phật tử Thủ đô đóng góp nhiều công sức cho sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc như: trực tiếp tham gia kháng chiến, nuôi giấu cán bộ… Thời đại ngày nay, Tăng Ni, Phật tử Thủ đô đều hăng hái tham gia các phong trào thi đua xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Nhiều chư tôn Thiền đức Tăng Ni được sự tín nhiệm của nhân dân, bầu vào các cơ quan dân cử, đã và đang đóng góp sức mình trong công cuộc xây dựng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

1.3. Thứ ba: Phật giáo Thủ đô gắn liền với tri thức, văn hóa của thời đại. Từ xưa đến nay, Thăng Long - Hà Nội không chỉ là trung tâm chính trị, mà còn là trung tâm kinh tế, văn hóa,… Cho nên, nơi đây cũng là nơi tụ hội của các tầng lớp nhân sĩ, trí thức. Bởi vậy, Phật giáo Thủ đô luôn gắn liền với tri thức, văn hóa của mọi thời đại.

Trường Trung cấp Phật học Hà Nội hiện nay đã mời các vị Giáo sư, Tiến sĩ - Giảng viên của các trường Đại học tại Thủ đô tham gia giảng dạy các môn thế học của nhà trường. Đồng thời, đã có kế hoạch liên kết với các trường Đại học để đào tạo hệ Đại học và hậu Đại học các chuyên ngành xã hội, nhằm nâng cao trình độ thế học của Tăng Ni, đáp ứng nhu cầu hoằng truyền chính pháp trong thời kỳ mới.

Ban Hoằng pháp, Ban Hướng dẫn Phật tử của Thành hội tích cực tổ chức các khóa tu, hướng dẫn thanh niên, sinh viên - tầng lớp trí thức trẻ tu tập, nhằm lành mạnh hóa tâm hồn, giúp họ trở thành những người có đủ tài - đức để góp phần xây dựng xã hội.

1.4. Thứ tư: Hoạt động của Phật giáo Thủ đô luôn gắn liền với các sự kiện lớn của Phật giáo Việt Nam. Từ xưa đến nay, những hoạt động của Phật giáo Thủ đô đều có tính đại diện và gắn liền với các sự kiện của Phật giáo Việt Nam như: lễ cầu cho quốc thái dân an, các hoạt động triều cống mang nghi thức Phật giáo.

Từ khi thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến nay, được sự chỉ đạo sát sao của Trung ương Giáo hội, các hoạt động của Phật giáo Thủ đô cũng luôn gắn liền với các hoạt động của Trung ương Giáo hội như: tổ chức Đại lễ Phật đản, Đại lễ Phật giáo kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Giáo hội với nhiều hoạt động phong phú như: diễu hành xe hoa, biểu diễn nghệ thuật, triển lãm cổ vật - mỹ thuật Phật giáo,… thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân Thủ đô tham dự, tạo được ảnh hưởng lớn của Giáo hội đối với cộng đồng.

1.5. Thứ năm: Thủ đô là nơi nhập thế hành đạo của nhiều bậc cao Tăng trong Phật giáo Việt Nam. Bởi Thăng Long - Hà Nội luôn là trung tâm chính trị - kinh tế - văn hóa lớn của cả nước. Nên từ xưa đến nay, các bậc cao Tăng luôn chọn nơi đây làm trung tâm hoằng đạo, nhập thế cứu đời, thể hiện trọn vẹn tinh thần hòa quang đồng trần, triết lý hành động của Phật giáo Việt Nam.

Ngày nay, tại Thủ đô luôn có sự hiện diện của các bậc cao Tăng làm trụ cột của Giáo hội, duy trì mạng mạch Phật pháp. Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Hà Nội luôn được thân thừa, thường xuyên tham vấn, thỉnh thị ý kiến của quý Ngài trong các hoạt động Phật sự. Do đó, công tác Phật sự của Phật giáo Thủ đô thời gian qua luôn thông suốt và đạt được nhiều kết quả tốt đẹp.

Nói chung, trải qua hơn một nghìn năm lịch sử, Phật giáo Thủ đô thời đại nào cũng có vai trò quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của Phật giáo Việt Nam. Đặc biệt là sau khi Tỉnh hội Phật giáo Hà Tây và Thành hội Phật giáo Hà Nội được hợp nhất, sự kết hợp hài hòa của Phật giáo Thăng Long - Hà Nội nghìn năm văn hiến với truyền thống hàng nghìn năm của Phật giáo xứ Đoài đã mang đến sức sống mới và tạo nên một thế mạnh mới của Phật giáo Thủ đô trong sự nghiệp truyền bá chính pháp, xây dựng Giáo hội.

2. Định hướng sự phát triển của Phật giáo Thủ đô.

Kế thừa truyền thống và thế mạnh của Phật giáo Thủ đô hàng nghìn năm qua, Ban Trị sự Thành hội Phật giáo Hà Nội định hướng cho sự phát triển của Phật giáo Thủ đô trong hiện tại và tương lại như sau:

2.1. Thứ nhất: Phát huy tinh thần “Hộ quốc an dân” của Phật giáo Thủ đô nghìn năm văn hiến, đoàn kết hòa hợp - trưởng dưỡng đạo tâm - trang nghiêm Giáo hội, thực hiện phương châm “Đạo pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội”, góp phần xây dựng ngôi nhà chung Giáo hội ngày càng phát triển vững mạnh.

2.2. Thứ hai: Củng cố, xây dựng và phát triển các cấp Giáo hội về chiều rộng lẫn chiều sâu, phát huy tối đa truyền thống tu học của Phật giáo Thủ đô. Lấy Trí tuệ để tu học Phật pháp; Lấy Bi nguyện để hoằng pháp độ sinh; Lấy Lục hòa, Tứ nhiếp pháp làm nguyên tắc hoạt động Phật sự; Lấy lợi ích xã hội làm mục tiêu phục vụ.

2.3. Thứ ba: Xây dựng trung tâm Phật giáo Thủ đô và trung tâm giáo dục đào tạo Tăng tài cho Phật giáo Hà Nội, nhằm hoằng dương Chính pháp, truyền bá đạo đức - văn hóa Phật giáo phù hợp với đạo đức - văn hóa truyền thống của Dân tộc, góp phần xây dựng “Người Hà Nội văn minh - thanh lịch”, đem lại an lạc cho xã hội.

2.4. Thứ tư: Nâng cao chất lượng công tác quản lý Tăng Ni - Tự viện, giáo dục đội ngũ Tăng Ni trẻ có đủ đạo hạnh, năng lực, trình độ Phật học và Thế học, vững vàng trong quan điểm, thâm hiểu giáo pháp, có tinh thần dấn thân phục vụ Giáo hội và xã hội. Đáp ứng sự phát triển của Giáo hội trong thời đại mới.

2.5. Thứ năm: Đẩy mạnh công tác hoằng pháp, phối hợp chặt chẽ công tác Hướng dẫn Phật tử và Từ thiện xã hội nhằm đưa lý tưởng giác ngộ chân lý, hòa hợp chúng, hòa bình và công bằng xã hội của giáo lý Đức Phật đến quảng đại quần chúng. Nâng cao chất lượng sinh hoạt tu học, trau dồi đạo đức, phẩm hạnh cho người Phật tử, góp phần phụng sự chính pháp, xây dựng Thủ đô giàu mạnh, phát triển.

2.6. Thứ sáu: Cải tiến Nghi lễ các cơ sở Tự viện phù hợp với chính pháp và thời đại. Phát huy các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể của Phật giáo Thủ đô trong công cuộc hoằng dương chính pháp, lợi lạc quần sinh. Động viên Tăng Ni, Phật tử tích cực tham gia các phong trào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, ích đạo lợi đời. Nâng cao uy tín của Phật giáo với xã hội.

3. Một số kiến nghị

Xuất phát từ tình hình công tác Phật sự trong nhiệm kỳ qua, để góp phần phát triển ngôi nhà chung Giáo hội ngày càng vững mạnh, thay mặt Tăng Ni, Phật tử Thủ đô xin trình Đại hội một số kiến nghị sau:

3.1. Thứ nhất: Duy trì sự ổn định của Giáo hội, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo trong các hoạt động Phật sự của Trung ương Giáo hội xuống cơ sở.

3.2. Thứ hai: Tăng cường công tác quản lý Tăng Ni, chấn chỉnh tư cách của người xuất gia trong việc tu tập sinh hoạt, nuôi độ đệ tử, xuất gia thụ giới… đưa vào quỹ đạo quản lý chung của Giáo hội, nhằm trau dồi phẩm hạnh của Tăng Ni. Có chế tài cụ thể đối với trường hợp Tăng Ni phạm luật Phật, Nội quy của Giáo hội để giữ gìn và nâng cao uy tín của Giáo hội.

3.3. Thứ ba: Thống nhất chương trình đào tạo chung và áp dụng triệt để, nghiêm túc cho các cấp đào tạo từ Sơ cấp đến Học viện trong hệ thống giáo dục của Giáo hội. Thực hiện mô hình đào tạo nội trú, tập trung để Tăng Ni sinh có điều kiện vừa học vừ tu, rèn luyện cả về trình độ học thức và tư cách đạo đức.

3.4. Thứ tư: Đẩy mạnh công tác Hoằng pháp, Hướng dẫn Phật tử kết hợp với công tác Từ thiện xã hội. Tăng cường đội ngũ giảng sư, khuyến khích Tăng Ni đến hoằng pháp tại những vùng sâu, vùng xa.

3.5. Thứ năm: Chú trọng công tác thông tin tuyên truyền, tích cực chuyển tải thông tin bằng mọi hình thức về đường lối, chủ trương của Giáo hội đến Tăng Ni, Phật tử và quảng đại quần chúng trong xã hội. Quản lý, kiểm soát chặt chẽ công tác in ấn, phát hành kinh sách, băng đĩa và các văn hóa phẩm Phật giáo.

Kính thưa toàn thể Đại hội!

Trên đây là những thế mạnh, đinh hướng phát triển của Phật giáo Thủ đô cũng như một số đề xuất kiến nghị, nhằm xây dựng và phát triển ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam xin trình trước Đại hội. Ngưỡng mong toàn thể Đại hội liễu tri. Tăng Ni, Phật tử Thủ đô hôm nay và mai sau nguyện luôn luôn nỗ lực phấn đấu, thực thi chương trình công tác Phật sự đã đề ra, nhằm làm xương minh Đạo pháp, đem lại an lạc, hạnh phúc cho xã hội. Đồng thời, để xứng đáng với vai trò, vị thế của Phật giáo Thủ đô trong ngôi nhà chung Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Một lần nữa xin kính chúc chư tôn Trưởng lão Chứng minh, chư tôn Thiền đức Tăng Ni, quý vị Đại biểu thân tâm an lạc, Phật sự viên thành.

Chúc Đại hội thành công viên mãn.

Nam mô Hoa Hỷ Tạng Bồ tát ma ha tát.

 
 
(GHPGVN)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này