Hạnh phúc trong tầm tay - Phật Giáo Việt Nam
22:38 +07 Thứ ba, 16/04/2024

Hạnh phúc trong tầm tay

Thứ sáu - 07/02/2020 09:54
(HDPT) - Thầy Matthieu Ricard, năm nay 74 tuổi, người đã rời nước Pháp hoa lệ để đến Hy Mã Lạp Sơn khi mới ngoài tuổi 20 với tương lai đầy hứa hẹn, và sau xuất gia, trở thành Tăng sĩ năm 30 tuổi.
 
matthieu ricard tannien.jpg
Thành công được định nghĩa bằng sự tự hài lòng về mục tiêu có tác động tích cực đến người khác do mình đặt ra và thực hiện, thầy Matthieu Ricard nói
 
Lần đầu tiên truyền thông chú ý đến thầy là vào năm 1997, khi thầy là đồng tác giả của quyển sách với cha mình, triết gia hiện đại người Pháp Jean-François.

Sau đó, hai lần diễn thuyết tại TED Talks của thầy được quan tâm và lan tỏa mạnh mẽ trên truyền thông mạng. Đồng thời, thầy cũng là tác giả có nhiều sách bán chạy nhất. Thầy Ricard đã dành phần tài chính có được cho các hoạt động từ thiện xã hội; trong đó có dự án Karuna-Shechen cung cấp miễn phí dịch vụ chăm sóc y tế và giáo dục đến các cộng đồng nghèo khó ở Ấn Độ, Nepal và Tây Tạng.
 
Truyền thông phương Tây gọi thầy Ricard là “người hạnh phúc nhất đang còn sống trên thế giới” - cách gọi mà thầy luôn không khích lệ, sau khi phát hiện thấy các sóng não gamma của thầy được đo ở mức mạnh nhất - nghiên cứu của Đại học Wisconsin vào năm 2000. 
 
Thầy Ricard cũng là trợ lý và thông dịch tiếng Pháp của Đức Dalai Lama.

Từ cơ hội trò chuyện với thầy Ricard cho chuyên đề “Thành công! Tôi đã thành công như thế nào” của tờ Business Insider, xung quanh việc phát hành quyển sách Vượt ra ngoài bản ngã (Beyond the Self), tác giả Richard Feloni đã có những đúc kết thú vị về thành công và hạnh phúc trong cuộc sống.
 
Dưới đây là những chia sẻ của “người hạnh phúc nhất thế giới” về những ý nghĩa của thành công và hạnh phúc cũng như làm cách nào để có được hạnh phúc thật sự từ thành công, trong chính cuộc đời của thầy Matthieu Ricard. Nói cách khác, hạnh phúc thực sự không phải là quá xa vời, ở trong tầm tay, nếu chúng ta nhận thức đúng.
 
Thành công thế gian và thành công từ sự chuyển hóa bản thân
 
Dù dành hầu hết thời gian cho sự tu tập và hành đạo, thầy Ricard vốn xuất thân từ một gia đình danh giá; thầy là người viết sách kiêm họa sĩ, có quan hệ thân thiết với nhà soạn nhạc Igor Stravinsky và nhiếp ảnh gia Henri Cartier-Bresson.
 
Từ khi còn trẻ, thầy đã sở hữu đầy đủ những yếu tố cho sự thành đạt về mặt xã hội như: sức ảnh hưởng, sự kính trọng và tài sản - nhưng “tất cả những thứ này không đồng hành với hạnh phúc”, thầy nói.
 
Phụng sự Phật pháp từ khi còn là một thanh niên, thầy đã nhận thức được rằng hạnh phúc là một kỹ năng, là cái nhìn tinh tế về thế giới - rằng hạnh phúc không song hành mặc nhiên với “những cái bẫy của thành công thế gian”.
 
Thay vào đó, thầy yêu thích “loại hạnh phúc” mà thầy gọi là “sự trưởng dưỡng tự thân”, “hoàn thiện và thực hiện khát vọng sâu thẳm nhất”.
 
Và “khát vọng sâu thẳm nhất” đó - thầy ngụ ý “điều gì đó mạnh mẽ hơn là lương bổng và biệt phủ”. Thành công được định nghĩa bằng sự tự hài lòng về mục tiêu có tác động tích cực đến người khác do mình đặt ra và thực hiện. “Vì thế, hãy chuyển hóa bản thân để phụng sự người khác” - thầy nói.
 
Lựa chọn lý trí nhất đôi khi là tin vào trực giác của bản thân
 
Có thể nhiều người cho rằng, “hành động theo trực giác” là lời khuyên liều lĩnh và thiếu cân nhắc, nhưng những câu chuyện từ thầy sẽ giúp nhận ra rằng nhiều lúc chúng ta cần tin tưởng vào trực giác của mình.
 
Thầy Ricard từng nghiên cứu về di truyền phân tử dưới sự hướng dẫn của nhà khoa học được trao giải Nobel tại Viện Pasteur danh tiếng. Tuy vậy, thầy đã từ bỏ sự nghiệp nghiên cứu để theo đuổi niềm đam mê về Phật giáo ngày càng lớn mạnh trong bản thân và đi đến Darjeeling (Bengal, Ấn Độ) tầm học những bậc thầy tâm linh.
 
Với bằng tiến sĩ khoa học trong tay nhưng đến khi đưa ra quyết định cuộc đời, việc từ bỏ thật sự không mấy khó khăn với thầy.
 
“Đó không phải là quyết định khó khăn” với lựa chọn con đường tu sĩ. “Tôi chưa bao giờ thấy do dự”, thầy so sánh việc đưa ra quyết định này với trái chín muồi trên cây - “Vào thời điểm nào đó, bạn không cần phải kéo nhánh cây để hái được quả mà chỉ cần chạm nhẹ, quả sẽ rơi vào tay bạn”.
 
Thầy đã dành thời gian nhiều năm qua lại Ấn Độ và Pháp để quyết định đâu là nơi thật sự phù hợp với mình. Và khi đã đúng thời điểm, “không cần so tính thiệt hơn trong mỗi lựa chọn”, thầy “chỉ nghe theo con tim và hành động không chút lưỡng lự; từ đó các quyết định quan trọng cũng được thực hiện theo cách đó” - thầy chia sẻ.
 
Chấp nhận điều không thể thay đổi là cần thiết
 
Thầy Ricard viết quyển sách “Tu sĩ và Triết gia” ban đầu chỉ để cùng “trải nghiệm” với người cha của mình, nhưng khi được truyền thông chú ý, thầy quyết định theo hình mẫu của Đức Dalai Lama và sử dụng sự thu hút truyền thông của mình để truyền chuyển và lan tỏa những bài học, chia sẻ về hạnh phúc và sự hài lòng.
 
Và nữa, sau khi tờ Independent (Anh quốc) khám phá những phát hiện về nghiên cứu thiền có sự tham gia của thầy Ricard, họ gọi tên thầy là “người hạnh phúc nhất thế giới”. Dù nhiều lần thầy từ chối nhưng cách gọi này vẫn tiếp tục xuất hiện trong các ấn phẩm khắp nơi trên thế giới.
 
“Thôi kệ. Hãy tận dụng nó cho mục đích tốt đẹp, để phục vụ con người” - thầy Ricard chia sẻ lời khuyên này của thầy mình.

Và như thế, nếu mọi người gọi thầy là “người hạnh phúc nhất thế giới”, thầy phương tiện điều đó để dạy mọi người cách sống hạnh phúc hơn.

10 câu nói về nhận thức và thực hành để có hạnh phúc của thầy Matthieu Ricard

1. Chúng ta nỗ lực để điều chỉnh thế giới bên ngoài quá nhiều nhưng sự kiểm soát của chúng ta về thế giới lại bị giới hạn, mang tính tạm thời và thường là ảo tưởng.

2. Hạnh phúc là trạng thái hài lòng bên trong, không phải sự tưởng thưởng từ khao khát triền miên về những thứ bên ngoài.

3. Tôi nghĩ điều mọi người cần làm, trước khi quá muộn là cam kết thực hiện những điều bản thân muốn làm trong cuộc đời mình.

4. Nhiều người hạnh phúc hơn người khác một cách tự nhiên nhưng hạnh phúc đó cũng mong manh và không hoàn hảo. Đạt được hạnh phúc bền vững là một kỹ năng và đòi hỏi sự nỗ lực bền bỉ trong rèn luyện tâm và trưởng dưỡng sự bình yên bên trong, chánh niệm và yêu thương vị tha.

5. Chúng ta rất giống những chú chim quen sống quá lâu trong lồng và thường quay trở lại chiếc lồng cũ, thậm chí khi có cơ hội bay đi. Chúng ta quá quen thuộc với những lỗi lầm đến mức không thể tưởng tượng cuộc sống sẽ ra sao nếu không có chúng. Ý nghĩ về sự thay đổi làm chúng ta bị tê liệt.

6. Ít người trong chúng ta hối tiếc thời gian hoàn thành một chương trình đào tạo hay nắm vững một kỹ năng cần thiết nào đó. Vậy tại sao chúng ta lại phàn nàn về tính nhẫn nại cần thiết để trở thành một con người có sự cân bằng và lòng bi mẫn thật sự?

7. Hễ ý nghĩ về tầm quan trọng bản thân còn thống trị bạn, bạn sẽ không bao giờ biết được bình an thường hằng.

8. Một người hiểu rằng tất cả chúng sinh đều có sức mạnh để giải phóng chính mình khỏi sự vô minh và không hạnh phúc, nhưng lại không nhận ra sự vô minh và không hạnh phúc đó.

9. Một số người tưởng rằng cách thông minh nhất để đảm bảo cho hạnh phúc bản thân là tách biệt chính mình với người khác và chăm chỉ để có được hạnh phúc mà lại không quan tâm đến những gì người khác đang trải qua. Và họ cho rằng, nếu ai cũng làm vậy thì mọi người sẽ hạnh phúc. Nhưng kết quả hoàn toàn đối lập: thay vì hạnh phúc, họ sẽ bị xé nát giữa hy vọng và sợ hãi, cuộc sống khổ sở hơn và hủy hoại cuộc sống của những người xung quanh.

10. Tìm kiếm hạnh phúc không phải nhìn cuộc sống qua lăng kính màu hồng hay che mắt mình trước những điều không hoàn hảo của thế giới. Hạnh phúc cũng không phải là sự tán dương được kéo dài bằng mọi cách mà chính là sự thải loại các độc chất tinh thần như sự thù ghét và ám thị đầu độc tâm chúng ta.

Hạnh phúc cũng là học cách nhìn nhận mọi việc, giảm bớt khoảng cách giữa biểu hiện bên ngoài và thực chất bên trong. Để kết thúc điều đó, chúng ta phải có sự hiểu biết sâu sắc hơn về hoạt động của tâm và có cái nhìn xác thực hơn về bản chất của mọi thứ, vì khổ đau có liên hệ mật thiết đến sự hiểu biết sai lạc về bản chất của hiện thực.

* Trích trong các tác phẩm: Happiness: A Guide to developing life’s most important skill; The Quantum and the Lotus: A Journey to the frontiers where science and Buddhism meet; và Why meditate?: Working with thoughts and emotions.


 

Richard Feloni - Trần Trọng Hiếu biên dịch (Theo World Economic Forum)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này