Hội thảo thơ Hoàng Quang Thuận nóng chuyện ‘tiền nhân mượn bút’ - Phật Giáo Việt Nam
11:50 +07 Thứ hai, 20/05/2024

Hội thảo thơ Hoàng Quang Thuận nóng chuyện ‘tiền nhân mượn bút’

Thứ sáu - 10/08/2012 13:36
(HDPT) - Có người cho rằng chuyện Thần, Phật nhập vào nhà khoa học Hoàng Quang Thuận, mượn bút viết thơ là hoang đường, nhưng nhân chứng và người trong cuộc thì xác tín đó là chuyện có thật.
 

Hội thảo “Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tử” do Tạp chí Nhà văn tổ chức diễn ra hôm 8/8 tại Hội trường Hội Nhà văn VN với sự tham dự của các nhà phê bình, một số nhà khoa học, cựu quan chức Bộ Ngoại giao và báo chí. Nhiều người không có giấy mời nhưng vì quan tâm vẫn đến dự, đặc biệt là các phóng viên văn hóa văn nghệ. Nhà phê bình Hoài Nam (VTV) đến ngang chừng hội thảo và nói với eVăn rằng, anh mới chỉ biết đến hội thảo nửa tiếng trước đây, nhà văn Lê Anh Hoài (báo Tiền Phong) cũng mới biết đến sự kiện này chiều hôm trước nhưng cả hai đã thu xếp công việc để có mặt.

Tuy chủ đề hội thảo tập trung vào mảng “Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tử” nhưng nhiều ý kiến bên lề lại tỏ ra quan tâm hơn đến yếu tố tâm linh liên quan đến hai tập thơ “Thi vân Yên Tử” và “Hoa Lư thi tập”. Có người cho rằng việc chọn chủ đề hội thảo như vậy là một cách “né” khôn ngoan của Ban tổ chức, tránh những tranh cãi không có hồi kết. Cũng dễ hiểu, bởi tâm linh là chuyện khó mà chứng minh.

Bám sát đề tài hội thảo, trong phần phát biểu đề dẫn, nhà thơ Hữu Việt (Phó Chủ tịch đoàn) nói: “Hàng trăm năm nay đã có rất nhiều thơ hay về non thiêng Yên Tử được viết ra bởi các thiền sư và thi sĩ nổi tiếng. Có lẽ chính vì vậy mà với người cầm bút hôm nay, làm thơ về Yên Tử là một thách thức nghệ thuật, bởi vì viết ra thì không khó, nhưng viết cho thật hay thì lại khó lắm thay!...”. Tuy vậy, trong phần đề dẫn của Hữu Việt cũng có đề cập đến điểm nóng mà dư luận quan tâm: “Khi người ta tập trung cao độ vào một việc gì đó trong một thời gian dài thì giới hạn giữa vô thức và nhận thức có thể bị xóa nhòa và xảy ra hiện tượng “nhập thần”... Tuy nhiên, “nhập thần” một vài bài thì có thể giải thích được, chứ hơn một trăm bài thơ trong một đêm thì quả thật khó hình dung. Hiện tượng này, qua cuộc hội thảo hôm nay, chúng ta cũng mong muốn sẽ được lý giải phần nào.”.

Nhà phê bình Đỗ Ngọc Yên viết trong bản tham luận “Lạc đạo tùy duyên cùng Thi vân Yên Tử”: “Đối với Hoàng Quang Thuận, không có ma quỷ nào đưa lối dẫn đường cả, mà chỉ có Thần, Phật phù hộ độ trì từ khi ông phát tâm nguyện làm một đệ tử trung thành nơi cửa thiền, để rồi từ đấy những vần thơ thấm đẫm chất linh nghiệm báo ứng của tiền nhân hiện về”. Nhà phê bình Đặng Hiển lại cho rằng, nét đậm nhất của “Thi vân Yên Tử” là dấu tích của Vua Phật Trần Nhân Tông trên Yên Tử. Ông cũng nói thêm “nhưng đó là dấu tích trong lòng người, trong lòng thi nhân”. Nhà phê bình trẻ Thế Trung nhận xét, với hơn một trăm bài thơ, Hoàng Quang Thuận đã vẽ ra trước mắt người đọc một quang cảnh tuyệt mỹ của vùng núi mây Yên Tử, đồng thời được tìm về cội rễ của Thiền phái trúc Lâm. Thế Trung nói: “Thi vân Yên Tử tập hợp những vần thơ vừa thanh tao, tĩnh lặng, vừa huyền diệu, xa vắng, mang nhiều hàm ý sâu xa, lại gần gũi với đời thường dễ dàng thấm sâu vào lòng người”. Đại biểu Đăng Lan lại cảm nhận: “Thi vân Yên Tử - Bằng tâm hồn nhạy cảm, tứ thơ hiền hòa, thanh thoát, ám ảnh đậm chất biểu trưng nên tạo khởi rất nhanh, biến ảo trong cái thế giới liên tưởng trong tâm hồn người đọc. Nó là tiếng nói của cảnh giới xuất thế biểu hiện sự sâu lắng; nơi đây giáp mặt cả bốn bề tâm sự; lắng nghe, tỏ bày, đốn ngộ…”.

Tham luận của một số đại biểu cũng tập trung trả lời câu hỏi có hay không chất Thiền trong thơ Hoàng Quang Thuận và đi sâu phân tích lý giải về chất Thiền, cảm thiền, tâm thiền trong thơ tác giả. Ví dụ như tham luận của nhà phê bình Phạm Quang Trung có tên “Cảnh vật trong cảm thức thiền tông”; tham luận của nhà phê bình Trần Thị Thanh có tên “Thiền vị trong Thi vân Yên Tử của Hoàng Quang Thuận”; tham luận của TS Hà Ngọc Hòa có tên “Không gian Thiền trong Thi vân Yên Tử”; tham luận của Ngô Hương Giang có tên “Cảm hứng thiền trong thơ Hoàng Quang Thuận”; tham luận của Thế Trung có tên “Tình yêu đất nước và chất thiền trong Thi vân Yên Tử”; tham luận của Vũ Bình Lục có tên “Thi vân Yên Tử với tâm thiền Hoàng Quang Thuận”.

Tuy nhận mình “hiểu biết về Phật giáo còn lõm bõm” nhưng nhà phê bình Vũ Bình Lục thẳng thắn nhận định thơ Hoàng Quang Thuận không phải là thơ Thiền. “Thi vân Yên Tử chỉ là những cảm nhận của một người mê Phật, gần hơn là mê đất Phật Yên Tử, mà ở đó có những danh thắng, danh tích, những cổ tự còn ấm hơi Phật… Nhưng có một điều đáng ghi nhận, ấy là Hoàng Quang Thuận đến với đất Phật Yên Tử bằng cái tâm Thiền và ít nhiều thăng hoa nghệ sĩ”, nhà phê bình Vũ Bình Lục viết trong tham luận tham dự hội thảo. Còn nhà phê bình Nguyên An thì lý giải hiện tượng “Phật nhập”, “thơ Thiền” của Hoàng Quang Thuận: “Tâm hồn anh, con người anh đã có nhiều lúc chập nhập được với tư tưởng triết lý của Phật gia một cách tự nhiên. Đấy không phải là cơ may, không hẳn là duyên phận tiền kiếp. Từ cái gốc này anh đã có thơ Thiền”. Tuy nhiên, trong phần “nói thêm”, Nguyên An có nhận xét, phần lớn trong hơn trăm bài thơ của “Thi vân Yên Tử” thuộc loại thơ vịnh cảnh. Nhà phê bình Nguyễn Hòa không đến dự hội thảo nhưng đã có tham luận gửi Ban tổ chức. Trong bài viết anh đưa ra lời “cảnh báo” về việc nhận định thơ Thiền: “Xin chớ nghĩ hễ trong bài thơ có hình ảnh chùa chiền, non cao, bóng núi, cây đa, mây trời, trăng treo, tiếng hạc… là bài thơ sẽ có chất thiền”…

Chủ tịch Hội Nhà văn VN Hữu Thỉnh đến dự với tư cách khách mời đặc biệt và phát biểu ở phần cuối hội thảo. Ngược lại với nhận định của Vũ Bình Lục và Nguyễn Hòa, nhà thơ Hữu Thỉnh cho rằng, thơ Hoàng Quang Thuận “có đủ yếu tố của thơ Thiền, một sự hòa quyện say đắm giữa cảnh, sự và tình, tất cả tạo nên những bức tranh tôn giáo trầm mặc mà sống động, thanh khiết mà run rẩy”. Về nghệ thuật thơ Hoàng Quang Thuận, nếu như nhà phê bình Nguyễn Hòa dùng lời lẽ khá nặng khi viết: “Dù tác giả làm nhiều bài thơ tứ tuyệt, hoặc ghép hai bài tứ tuyệt thành một bài thất ngôn bát cú cho có dáng dấp Đường luật, thì ngay cái việc cố gắng ép vần cũng đã đưa lại ý từ khôi hài…” thì nhà thơ Hữu Thỉnh lại nhận xét khá tinh tế: “Hoàng Quang Thuận đã đặt vào đấy tất cả phần hồn, phần cảm của mình, còn chữ nghĩa vẫn là những vật liệu thông thường như chúng ta thường gặp. Hình như anh không để tâm lắm đến kỹ thuật, đến cách tân, mà cứ thả bút theo dòng xiết của tâm hồn”. Ông Hữu Thỉnh cũng cho rằng, không nên thần bí hóa khi giải thích các bài thơ của Hoàng Quang Thuận. “Làm như thế, vô tình hạ thấp vai trò của chủ thể”, Chủ tịch Hội Nhà văn VN nói.

Nhưng, chính bản thân tác giả Hoàng Quang Thuận và một số đại biểu tham dự hội thảo dường như lại đi ngược lại điều này bằng cách chứng minh những điều kỳ bí là có thật. Có mặt tại hội thảo thơ mình, GS.TS Hoàng Quang Thuận một lần nữa kể lại việc phóng sinh “Kim Xà” tại chùa Hoa Yên, Yên Tử 15 năm trước khi ông cùng đoàn phật tử miền Nam đi lễ Phật, để rồi sau đó Thần Phật linh ứng biến ông từ một người chưa từng làm thơ đã viết thơ với tốc độ chóng mặt trong trạng thái vô thức. Còn trong phần phát biểu trước đó, nhà thơ Dương Kỳ Anh cũng kể lại câu chuyện “khó tin nhưng có thật” xảy ra tại Tràng An, Ninh Bình mà ông là một nhân chứng và từng viết trên một số báo về hiện tượng một đêm làm 121 bài thơ của Hoàng Quang Thuận.

Khá nhiều đại biểu nhắc đến và đánh giá cao những câu thơ viết về Am Ngọa Vân của Hoàng Quang Thuận có tên “Am xưa” như nhà thơ Hữu Thỉnh, nhà thơ Trần Nhuận Minh, nhà thơ Hữu Việt, nhà phê bình Trần Thị Thanh, Ngô Hương Giang: Sớm cưỡi mây chơi cùng non biếc / Đêm về bến nghỉ lót trăng nằm / Tiếng sáo thiền ca vui bất tận / Ngập tràn Yên Tử trăng trong trăng”. Đây cũng là những câu thơ đã được Dương Kỳ Anh tuyển trong tập “Những câu thơ hay đến lạnh người”.

Hội thảo “Hoàng Quang Thuận với non thiêng Yên Tử” thu hút 18 bản tham luận. Một số tác giả có tham luận gửi hội thảo nhưng không có mặt tham dự. PGS.TS Nguyễn Hữu Sơn (Phó Viện trưởng Viện Văn học) giữ vai trò Chủ tịch Đoàn cũng là Chủ tịch Hội đồng thẩm định tham luận trong phần phát biểu tổng kết hội thảo đã nêu lên 4 nội dung chính tập trung vào các vấn đề: Thứ nhất, hội thảo thừa nhận và ghi nhận sự xuất hiện của tập thơ “Thi vân Yên Tử” của tác giả Hoàng Quang Thuận như một hiện tượng văn học; Thứ hai, trong việc định giá thơ Hoàng Quang Thuận còn những băn khoăn và cách hiểu với nhiều mức độ khác nhau; Thứ ba, định tính về những sản phẩm thơ mang cảm quan Phật giáo và thơ viết về vùng đất Phật Yên Tử của Hoàng Quang Thuận là cực khó và chưa dễ tìm được sự đồng thuận; Thứ tư, vấn đề thể thơ và hình thức nghệ thuật của “Thi vân Yên Tử” là vấn đề còn nhiều gợi mở cho bạn đọc và giới phê bình.

Theo: E Văn

 

Dương Tử Thành

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này