Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm: Sau vinh danh sẽ là quảng bá rộng rãi - Phật Giáo Việt Nam
08:16 +07 Thứ hai, 13/05/2024

Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm: Sau vinh danh sẽ là quảng bá rộng rãi

Thứ ba - 09/10/2012 07:42
(HDPT) - Sáng 7-10, Lễ đón nhận Bằng công nhận Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm là Di sản ký ức thế giới khu vực Châu Á- Thái Bình Dương và Đại lễ cầu Quốc thái dân an đã được tổ chức trọng thể tại chùa Vĩnh Nghiêm (huyện Yên Dũng, Bắc Giang).
 

Đến dự buổi lễ trọng thể này có bà Phạm Thị Hải Chuyền, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH; ông Trần Sỹ Thanh, Uỷ viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh uỷ Bắc Giang; ông Hà Văn Núi, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; cùng  đông đảo đại biểu và khách thập phương, các doanh nghiệp, các tăng ni phật tử và hàng vạn người dân trong, ngoài tỉnh. 

 
Trước đó, tối 6-10 tại Lễ đón nhận các sự kiện văn hóa và nhận bằng công nhận Di sản ký ức thế giới khu vực Châu Á- Thái Bình Dương diễn ra tại TP Bắc Giang, ông Nguyễn Văn Linh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bắc Giang cho biết, bộ Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được công nhận là Di sản ký ức thế giới của khu vực Châu Á- Thái Bình Dương dựa trên 3 tiêu chí: Đó là tính xác thực; tính quý hiếm và độc đáo; ý nghĩa quốc tế, vị trí vai trò trong khu vực. 
 
Khẳng định những giá trị vượt thời gian của Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm, nhưng ông Linh cũng cho biết việc quan trọng lúc này là phải làm sao phải quảng bá rộng rãi để người dân trong nước cũng như thế giới hiểu rõ hơn về giá trị của di sản có một không hai này. Hiện Bắc Giang đang có nhiều nỗ lực để đưa linh hồn của di sản sống trong cộng đồng, để chính cộng đồng là những người tham gia gìn giữ và phát huy giá trị của kho Mộc bản vô giá ấy. Ông Nguyễn Văn Linh cũng cho hay, vừa qua, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đã đồng ý cho Bắc Giang triển khai một đề tài nghiên cứu bảo quản cũng như phát huy giá trị của các di sản Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Trong thời gian tới, khi đề tài khoa học được triển khai, tỉnh Bắc Giang sẽ kết hợp kinh phí từ ngân sách nhà nước với  nguồn kinh phí xã hội hóa để ưu tiên bảo tồn kho Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm. Cụ thể sẽ tiến hành việc dịch Mộc bản này ra tiếng Việt và tiếng Anh để mọi người hiểu được nội dung của Mộc bản  cũng như những giá trị của Mộc bản trong đời sống hôm nay.
 
Trả lời phỏng vấn của Báo Đại Đoàn Kết nhân dịp Mộc bản chùa Vĩnh Nghiêm được vinh danh di sản ký ức thế giới khu vực Châu Á- Thái Bình Dương, bà Katherine Muller-Marin, Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam bày tỏ: "Tôi xin chúc mừng và cảm ơn chính quyền và nhân dân tỉnh Bắc Giang đã chia sẻ và thúc đẩy thêm một di sản có giá trị nữa của Việt Nam với cộng đồng toàn cầu. 3.050 Mộc bản quý giá khắc chữ Hán và chữ Nôm - bao gồm chủ yếu là các bộ là kinh, sách, giới luật nhà Phật, các tác phẩm thơ, phú, nhật ký của các vị cao tăng Thiền phái Trúc Lâm - được các nhà nghiên cứu đánh giá cao vì giá trị học tập đặc biệt của các mộc bản này. Các mộc bản chứa lượng thông tin phong phú, đa dạng về lịch sử Phật giáo Việt Nam từ quá trình hình thành, phát triển cũng như tư tưởng và triết lý của Thiền phái Trúc Lâm, cho đến các khía cạnh khoa học và kĩ thuật, xã hội và ngôn ngữ. Triết lý ở đây phản ánh tinh thần Tự lực và Tuỳ duyên, nghĩa là tự tin vào bản thân, thuận theo quy luật tự nhiên và xã hội.
 
Mộc bản đánh dấu sự chuyển đổi trong hệ thống chữ viết từ chữ Hán (của Trung Quốc) sang chữ Nôm. Điều này không chỉ cho thấy bước phát triển về mặt ngôn ngữ học và chữ viết mà còn thể hiện ý thức đoàn kết, bản sắc dân tộc và niềm tự hào của người Việt Nam. Các mộc bản cũng là minh chứng sống động cho trình độ điêu luyện của các nghệ nhân khi sử dụng những kỹ thuật chạm khắc rất khó và tinh vi để tạo những mộc bản chữ Hán và chữ Nôm thành các tác phẩm nghệ thuật”.
 
Theo bà Katherine Muller-Marin, việc UNESCO công nhận bộ Mộc bản kinh Phật chùa Vĩnh Nghiêm là một ghi nhận tuyệt vời, góp phần thúc đẩy hơn nữa nỗ lực bảo tồn hai di sản tư liệu khác của Việt Nam cũng được Chương trình Ký ức Thế giới của UNESCO công nhận là: Mộc bản triều Nguyễn và Bia tiến sĩ Văn Miếu - Quốc Tử Giám”.
 

Minh Quang (Đại đoàn kết)

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này