Mộc bản còn thì Vĩnh Nghiêm trường tồn - Phật Giáo Việt Nam
10:49 +07 Thứ hai, 13/05/2024

Mộc bản còn thì Vĩnh Nghiêm trường tồn

Thứ bảy - 06/10/2012 07:29
(HDPT) - Nhân dịp này, Đại Đức Thanh Vịnh, Phó trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm đã trao đổi về việc lưu trữ, bảo tồn hệ thống mộc bản này.
 

Ngày 7-10 tới, nhân dân Bắc Giang cùng đông đảo tăng ni, phật tử sẽ tổ chức trọng thể lễ đón bằng công nhận mộc bản kinh Phật ở chùa Vĩnh Nghiêm (Yên Dũng) là Di sản tư liệu trong chương trình Ký ức thế giới của của UNESCO. Đây là niềm vinh dự lớn của nhân dân và chư tôn phật tử Phật phái Trúc Lâm Yên tử trong và ngoài nước.

Nhân dịp này, Đại Đức Thanh Vịnh, Phó trụ trì chùa Vĩnh Nghiêm đã trao đổi về việc lưu trữ, bảo tồn hệ thống mộc bản này.

PV: Thưa Đại đức Thanh Vịnh, mộc bản ở chùa Vĩnh Nghiêm đã trải qua nhiều thời kỳ, có bản tuổi đời khoảng 700 năm. Hiện tại, hệ thống mộc bản này ra sao?

Đại đức Thanh Vịnh: Cơ bản hệ thống mộc bản ở chùa được làm bằng gỗ thị. Đây là loại gỗ trắng, thớ gỗ mịn, ít cong, vênh, khi gỗ còn tươi rất mềm, lúc khô lại dai bền, mặt khác các cụ xưa xử lý kỹ, luộc, luộc xẻ thành ván và khắc ngay sau khi xẻ. Phía sau chùa còn gốc của một trong những cây thị có tuổi đời mấy trăm năm. Mộc bản đến nay vẫn còn rất tốt, in ra bản giấy sắc nét, chất lượng cao

PV: Xin Đại đức chia sẻ ý nghĩa của hệ thống di sản quý giá này?

 

Đại đức Thanh Vịnh (Người mặc áo nâu sồng) giới thiệu với du khách về mộc bản

Đại đức Thanh Vịnh: Hệ thống mộc bản, kinh thư, sách được lưu giữ hiện nay ở chùa Vĩnh Nghiêm hoàn toàn truyền thừa tư tưởng Phật giáo Bắc truyền. Mộc thư khố là lịch sử Phật giáo, thể hiện tư tưởng hành đạo, nhập thế của Thiền phái Trúc Lâm; văn học, phong tục tập quán đất nước. Đây là chứng cứ lịch sử thể hiện sự phát triển nghề khắc in mộc thư và nghệ thuật chạm khắc gỗ Việt Nam.

Mộc bản còn truyền tải cả quá trình lịch sử của chùa Vĩnh Nghiêm, nơi từng thống lĩnh 72 chốn tùng lâm của của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Mộc bản còn thì Vĩnh Nghiêm còn, không lưu giữ được mộc bản thì Vĩnh Nghiêm khó tồn tại. Không thể ngược dòng thời gian mà làm lại mộc bản. Giờ đây có rất nhiều máy móc in hiện đại, tiện lợi, nhưng máy móc không thể làm được mộc bản. Mộc bản phải làm bằng tay, từ khâu làm phôi, phôi phải có kẻ ô, cột cũng như vở ô li có ô, có dòng. Mỗi chữ một ô, chẳng hạn chữ quy tụ 24 nét, chữ đại 3 nét, nhưng đều phải viết gọn trong ô đó. Nét khắc lại rất tinh xảo, vét đế chữ rộng, mặt chữ có nét thanh nét đậm, thế nên mộc bản chỉ có khắc tay được bởi bàn tay những nghệ nhân giỏi, biết chữ. Ý thức được mộc bản là tài sản vô giá, nhà chùa luôn coi trọng việc bảo quản, giữ gìn kho mộc bản này.

PV: Cụ thể việc bảo quản, giữ gìn hệ thống mộc bản ở chùa hiện nay như thế nào?

Đại đức Thanh Vịnh: Hiện tại chùa vẫn bảo quản theo phương pháp cổ truyền, để trong hệ thống tạng. Tạng này được bôi vào chân để kiến, mối mọt không leo lên được. Để chống độ ẩm, các tạng luôn ở trong nhà có nhiệt độ dưới 30 độ. Việc bảo quản, giữ gìn cổ tự ở đây không chỉ có các hoà thượng mà có cả bà con nhân dân, phật tử. Cổ tự Vĩnh Nghiêm giữ được như hôm nay, từ bên trong đến bên ngoài đều nhờ Phật tử. Chính quyền địa phương cũng ủng hộ, luôn tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn cho chùa. Tuy nhiên, hiện chưa có mô hình bảo quản, lưu giữ riêng, hệ thống tủ tạng để chung với kiến trúc thờ Phật trên tam bảo. Khi khách thập phương, phật tử về tế lễ, tham quan, vãn cảnh vẫn có thể động chạm đến tạng, ảnh hưởng đến sự an toàn của mộc bản.

PV: Vậy, nhà chùa sẽ làm gì để giữ gìn mộc bản, thưa Đại đức?

Đại đức Thanh Vịnh: Mộc bản là tài sản vô giá, là niềm vinh dự tự hào của Phật tử cũng như của đất nước vì thế cần tăng cường các biện pháp hiện đại để bảo quản, lưu giữ cho đời sau. Chúng tôi đã từng đi tham quan mô hình bảo quản ở một số nơi và học tập cách bảo quản của họ. Nhà chùa đang đề nghị địa phương cũng như Giáo hội cho xây một nhà sách riêng để bảo quản tốt hơn, có thể chống cháy nổ, chống thất thoát, bảo đảm an toàn để lưu trữ báu vật vô giá này.

PV: Xin cảm ơn Đại đức.

Chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) lưu giữ được 3050 mộc bản rời, chủ yếu là mộc bản của bộ “Đại phương quảng Phật Hoa Nghiêm”, còn lại là mộc bản của các bộ kinh, sách, luật giới, sớ, điệp, lịch pháp, bài thuốc …

Kích thước mộc bản lớn nhất chiều dài hơn 100 cm, chiều rộng 40-50 cm, bản nhỏ 15x20 cm. Chữ khắc trên mộc bản là chữ Hán cổ và chữ Nôm, số ít khắc xen cài chữ Phạn, được khắc ngược trên hai mặt hoặc một mặt mỗi ván, khắc sâu 1-1,5 mm, in giấy dó sắc nét.

Mộc bản này được chế tác qua nhiều thế hệ, niên đại lâu nhất từ thế kỷ 15.

Ngày 16-5-2012, kho mộc bản của Vĩnh Nghiêm được UNESCO khu vực Châu Á – Thái Bình Dương ghi danh là Di sản tư liệu trong chương trình Ký ức thế giới của khu vực.

Theo tài liệu Bảo tàng Bắc Giang

Nguồn: QĐNN Online

 

Đào Đức Hanh

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này