Rối hầu thánh độc nhất xứ Bắc có nguy cơ biến mất - Phật Giáo Việt Nam
04:19 +07 Chủ nhật, 12/05/2024

Rối hầu thánh độc nhất xứ Bắc có nguy cơ biến mất

Thứ sáu - 30/11/2012 14:07
(HDPT) - Xã Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định từ lâu được mệnh danh là "đất trăm nghề". Nhưng ít ai biết, nơi đây còn lưu giữ được vốn di sản quý báu. Đó là nghệ thuật rối đầu gỗ "Ổi lỗi" chùa Đại Bi, hay còn gọi là hát và múa rối hầu thánh...
 
 

Loại hình rối cạn "độc nhất vô nhị"

Chùa Đại Bi được xây dựng từ thời Lý, có tên chữ là Đại Bi Tự. Lễ hội chùa Bi và trò rối cạn Ổi lỗi gắn liền với sự xuất hiện và công lao của Thiền sư Từ Đạo Hạnh. Đây là loại hình rối cạn độc đáo "có một không hai"của xứ Bắc; theo lệ cổ chỉ được diễn một đêm cúng giao thừa và trong dịp lễ hội tại chùa Bi tổ chức vào dịp tháng giêng.

Nghệ nhân Nguyễn Tiến Dũng, cho biết, sự ra đời của rối đầu gỗ gắn với nhiều tích huyền hoặc. Tương truyền, một lần Thiền sư đang đi thuyền dạo trên sông thấy một cái bọc nổi lềnh bềnh, vớt lên xem trong đó có sáu đứa trẻ quái thai. Động lòng trắc ẩn, Thiền sư đem sáu đứa trẻ về chùa nuôi nấng và dạy dỗ . Để tưởng nhớ công lao và đại đức của Thiền sư, nhân dân sáng tạo ra sáu đầu rối.

Hiện nay, ngoài rối Ổi lỗi thì chỉ một số ít nơi còn duy trì được hoạt động múa rối cạn như Định Hóa (Thái Nguyên), Tế Tiêu (Hà Nội). Không đơn thuần như những vùng khác chỉ là hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian để giải trí, rối Ổi lỗi chủ yếu được biểu diễn "hầu thánh". Chính vì mang đậm tính chất lễ nghi, thờ cúng nên những hành động và tiến trình của màn múa không thể tự do mà phải tuân theo quy tắc riêng nhất định. 

 
Nghệ nhân Đoàn Hữu Sòng kể về sự huyền bí rối hầu thánh.
Từ xưa, dân ở đây quan niệm những đầu rối là "thánh tượng" nên không được phép gọi là “con rối”. Trước khi tổ chức hát rối, phải làm thủ tục tế lễ xin phép rước và đưa thánh tượng từ nơi thờ tự ra nơi biểu diễn. Lễ xin phép chia làm bốn phần: lễ thánh y, lễ rước thánh tượng, lễ tắm tượng và lễ dâng tượng. Chỉ những người có vai vế trong phường hát rối mới được phép rước thánh tượng. Lệ cổ duy trì tất cả các thành viên trong phường đều là nam giới, chia làm hai nhóm: Nhóm cấp trước và nhóm cấp sau. Trong mỗi đêm hội, những nghệ nhân biểu diễn mặc áo dài thâm, quần trắng, đội khăn xếp.

 

Yếu tố làm nên sức sống và linh hồn của lễ hội rối cạn chùa Bi là những đầu rối gỗ, hay còn gọi là "Thập nhị thánh tượng" gồm sáu tượng rối lớn và sáu tượng rối nhỏ, có niên đại hơn 400 năm. Sáu tượng rối lớn cùng cỡ được gọi là sáu "ông Lộng", làm từ gỗ mít khoét rỗng sau đó phủ sơn ta. Trong số những đầu tượng này có đôi tượng "chúa Lộng" mang gương mặt của quan văn, quan võ màu đỏ sẫm, với đường nét thể hiện cho bậc chính nhân quân tử: Hai chòm ria vểnh sang hai bên, mắt nhìn thẳng quắc thước. Ngoài ra còn có đôi "Chàng cát" (hay còn gọi là đôi tượng "Cóc vàng") sơn mặt màu hồng nhạt, mang dáng vẻ thư sinh và lão nông. Còn đôi pho tượng "Tùy trắng" có miệng rộng cười khoáng đạt, da trắng, khuôn mặt rạng rỡ, biểu thị cho sự no đủ, khỏe mạnh. Sáu tượng rối nhỏ hơn bằng gỗ đặc, tượng trưng cho sáu nhân vật: Một tượng Chàng đội mũ lục giác, tượng hai nàng tiên, tượng ông Chớp mặt đỏ, tượng hoàng hậu tai đeo hoa và tượng ông Mách mặt to, dáng dữ tợn.

Nhạc cụ minh họa cho trò hát rối này hầu hết thuộc bộ gõ, đều là những nhạc cụ dân gian đơn giản và được chia làm hai nhóm. Nhóm nhạc biểu diễn theo tiết tấu của điệu múa, lời hát rối bao gồm một trống bản, một trống cơm, một thanh la và thêm một số mõ tre. Còn có nhóm nhạc đế với trống túc, chuông đẩu và một trống cái dùng để cầm canh chuyển làn điệu.

Anh Trần Xuân Bình, một người hơn 20 năm trong phường cho biết: Đứng đầu mỗi thôn là một ông trùm, sẽ là những người diễn mở đầu và kết thúc, hay hát những phần lời khó, mang tính chất "bí truyền". Nội dung của hát rối Ổi lỗi chủ yếu ca ngợi công lao của đức thánh Từ, đất nước thái bình thịnh trị, vua sáng tôi hiền.

Để biểu diễn rối Ổi lỗi, người ta dựng một tấm vải sặc sỡ mắc vào hai cây cột giữa tiền đường trong lòng chùa, tượng trưng cho sóng nước mênh mang. Lúc này sáu "ông Lộng" đã được "mặc áo" (gọi là the) phủ từ cổ tượng trở xuống, đồng thời che tay người điều khiển. Các nghệ nhân sẽ đứng sau tấm màn, biểu diễn sao cho đầu rối hướng về phía bàn thờ Phật và Thiền sư Từ Đạo Hạnh, vì thế nghệ thuật này mới có tên gọi khác là rối "hầu thánh". Những tượng rối đầu gỗ với màu sắc tươi sáng, hình dáng lạ mắt, động tác múa nhịp nhàng của người nghệ nhân hòa quyện cùng lời ca câu hát, đã tạo nên sự đặc sắc của một loại hình biểu diễn độc nhất vô nhị.

Liệu rối hầu thánh “Ổi lỗi” có còn?

Hiện nay phường rối chùa Đại Bi có khoảng gần 50 người, phần lớn đều đã cao tuổi. Cụ Chánh trùm phường Vũ Huy Rính năm nay đã bước sang tuổi 79, còn các bậc "lão làng" như ông Đoàn Hữu Sòng, Cao Công Lân, Nguyễn Tiến Dũng, Đoàn Văn Tiến… cũng đều ngấp nghé "thất thập". Vì không có người kế cận nên nguy cơ mai một là rất gần, chưa nói đến bộ Thập nhị thánh tượng với tuổi thọ hơn 400 năm được bảo quản trong điều kiện chật chội và ẩm thấp bắt đầu bị hư hại. Cùng với thời gian, liệu rối nghệ thuật “Ổi lỗi” hầu thánh có còn?

Anh Phạm

 
 

Nguoi Cao Tuoi

Tổng số điểm của bài viết là: 5 trong 1 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này