Sợ đóa hồng phai. - Phật Giáo Việt Nam
10:24 +07 Thứ hai, 20/05/2024

Sợ đóa hồng phai.

Thứ hai - 03/09/2012 19:32
(HDPT) - 25 tuổi đầu, vừa bước qua ngưỡng cửa đại học. Trẻ trung, táo bạo, liều lĩnh! Tôi bay theo những ước mơ!
 
...Mẹ buôn bán tảo tần, lúa nào khô, lúa nào ướt, lúa nào ngon, lúa nào xay ra gạo nhiều tấm ít… thì mẹ biết, chứ mẹ đâu biết được bao nhiêu cái nghề mà tôi đang học! Nghệ thuật là gì? Đẹp xấu ra sao mẹ không hề hiểu… nhưng mẹ biết, mẹ phải ráng để con mẹ có cái áo trắng tinh tươm, cái quần lành lặn...

25 tuổi đầu, vừa bước qua ngưỡng cửa đại học. Trẻ trung, táo bạo, liều lĩnh! Tôi bay theo những ước mơ!
           …
Sống chừng đó thời gian, nghe cả núi ca dao, cả sông tục ngữ, rồi nào thơ, ca, truyện, vè… đủ loại, có hàng trăm thứ viết về mẹ. Nghe đó, xúc động trong phút đó. Qua ngày, khô nước mắt lãng quên. Những bài học trên trường, ngoài đời tôi tiếp thu, khắc sâu trong trí, áp dụng thuần thục. Ấy vậy mà, đi qua hai khóa tu mùa hè, bao nhiêu là băng đĩa thuyết giảng, tôi vẫn chưa thực hành được cách nói hai chữ “yêu thương” đối với mẹ mình. “Con cứng đầu quá phải không mẹ?”
           …
 Mẹ buôn bán tảo tần, lúa nào khô, lúa nào ướt, lúa nào ngon, lúa nào xay ra gạo nhiều tấm ít… thì mẹ biết, chứ mẹ đâu biết được bao nhiêu cái nghề mà tôi đang học! Nghệ thuật là gì? Đẹp xấu ra sao mẹ không hề hiểu… nhưng mẹ biết, mẹ phải ráng để con mẹ có cái áo trắng tinh tươm, cái quần lành lặn. Có nhiều khi giải thích cho mẹ hiểu cái bài tập mà tôi đang làm ở trường là cả một vấn đề. Tôi nghĩ, có nói, chắc mẹ cũng chẳng hiểu, nên thôi vậy, cứ qua loa: “Mẹ không hiểu đâu, nó phức tạp lắm…” 
           …
 Lâu lâu, thấy cuộc sống Sài Gòn này chộn rộn quá, tôi chạy về quê, thăm nhà cho đỡ nhớ cha, nhớ mẹ. Về quê cốt yếu là để nghỉ ngơi, chứ thiệt tình cũng chẳng làm phụ cha mẹ được gì! Công việc của cha mẹ làm thì tôi không hiểu, chuyện nhà thì đã có chị dâu lo. Nên có về thì cũng chỉ tòn ten trên võng đọc mấy quyển truyện ngắn hay tạp văn của Nguyễn Ngọc Tư. Đọc văn của bà thấy yêu quê hương miền Nam lắm, từng câu từng chữ gắn với tình đời tình người và cả tình mẹ nữa. Đọc tới cái cảnh Dì 8 cầm roi đánh con mình vì cái tội không nghe lời thì nhà hàng xóm có bà mẹ trẻ ru con “À ơi, cá không ăn muối cá ươn, con cãi cha mẹ trăm đường con hư…” là tôi trào nước mắt. Tự hỏi, không biết từ lúc còn đỏ hỏn đến giờ tôi đã trải qua bao nhiêu trận đòn roi. Trong đó, được mấy lần tôi hiểu mẹ đánh con, mẹ đứt từng đoạn ruột, mẹ thương con mong con nên người nên mẹ răn mẹ dạy, và bao nhiêu lần tôi oán mẹ vì lằn roi hạ xuống làm da thị tôi đau!
 Về quê, cái điện thoại trên tay, tôi hỏi thăm bạn bè, thầy cô trên Sài Gòn ôn hòa niềm nở. Mẹ trách: “Mẹ mua cái điện thoại cho con, sao không bao giờ thấy con gọi cho mẹ, mà chỉ toàn gọi cho ai!”. Tôi cười gượng, sượng trân chẳng biết trả lời sao!
            …
 Tôi 25! Tôi bay theo những ước mơ và tham vọng của mình, nơi có tiền tài, danh vọng! Tôi mơ tạo ra những tác phẩm nghệ thuật để đời, người ta nhìn vào nó và ngưỡng mộ tôi. Mẹ thì đã già, mẹ chăm sóc cho tôi như một công trình của mẹ, nhưng mẹ mong rằng: người đời nhìn vào công trình ấy không phải để ngưỡng mộ mẹ, mà là ngưỡng mộ tôi. Mẹ mong người ta tôn trọng con mình, mẹ vui thi thấy thằng con trai của mình thành đạt.
            …
 25 năm, tôi đeo đuổi những ước mơ, nên cứ cắm đầu mà chạy. Nay tự hỏi, có bao giờ tôi chịu ngoái đầu để nhìn lại… Mẹ tôi vẫn ngóng trông, lo lắng trên từng bước đi của tôi. Ngày xưa, mẹ sợ con té trên những bước chập chững đầu tiên. Bây giờ, những bước chân vào đời, rời xa vòng tay mẹ - mẹ càng sợ, sợ con mẹ té đau, sợ con yếu mềm không đủ nghị lực để đứng lên đi tiếp… mẹ sợ đủ thứ trên đời, mẹ sợ đến lúc qua đời chưa nguôi! Ngày tháng cứ lặng lẽ trôi, êm đềm, nhưng không bao giờ dừng lại như con kênh trước nhà vẫn chảy, mỗi mùa trăng qua, con chợt sợ đóa hồng phai dần. Đến một ngày, con phải cài hoa màu trắng. Lúc đó, chắc đã muộn màng, nước mắt con sẽ lăn thật nhiều trên má. Nếu đến ngày hôm ấy, con vẫn chưa hiểu là thực hành được hai câu thơ “Con không khóc khi cài hoa màu trắng, vì trong hoa con thấy mẹ con cười!”.
 
“Mẹ ơi, con yêu mẹ”, xin được nói những ngôn từ chân thành ấy từ hôm nay!

Trần Công Trọng

Đại học Mỹ Thuật, TP. HCM

 
(Chùa Hoằng Pháp)
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Trang chủ  |  Giới thiệu  |  Tin tức sự kiện |  Thông báo  |  Văn bản pháp Luật  |  Cư sĩ Phật tử  |  Gia đình Phật tử  |  Tìm hiểu Phật giáo  |  Pháp âm  |  Đời sống  |  Từ thiện |  Gửi bài viết
______________________________________________________________________________________________________________________________________________

Quý vị vui lòng ghi rõ nguồn Phattu.vn khi phát hành lại nội dung từ trang web này