Cháy nhà ra… cổ vật ngàn năm!

Chùa cổ Hội Sơn bị cháy vào tháng 7/2012 đã làm mất mát, hư hại nhiều cổ vật quý hiếm, nhưng lại dẫn đến cuộc khai quật khảo cổ học bị động mà kết quả được công bố cuối tuần qua có nhiều thông tin đáng chú ý.


 

 

Thực tế, di chỉ khảo cổ tại ngôi chùa này đã được phát hiện từ thời Pháp thuộc; những năm 1977, 1987 từng có các cuộc thám sát quy mô nhỏ. Từ khi chùa Hội Sơn được Nhà nước công nhận di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia năm 1993, các cuộc thám sát, khai quật không được tiến hành nữa vì sẽ tác động đến tính nguyên trạng của di tích. Sau vụ hỏa hoạn, được sự cho phép của Bộ VH-TT-DL, Bảo tàng TP.HCM đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ học, thuộc Viện Phát triển bền vững vùng Nam bộ mở hố khai quật ngay dưới nền chánh điện đã bị lửa thiêu rụi, mở hố thám sát xung quanh chùa (1A1 Nguyễn Xiển, Q.9, TP.HCM), với tổng diện tích hơn 100m2.

Theo tiến sĩ Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Bảo tàng TP.HCM, do cuộc khai quật vừa kết thúc nên chưa thể thống kê số lượng hiện vật có tuổi 3.500 đến 3.000 năm, hiện đang được xử lý hóa học, bảo quản tại Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ học. Tuy nhiên, từ kết quả bước đầu, ông Tuấn nhận định di chỉ chùa Hội Sơn đã cung cấp nhiều câu chuyện khảo cổ thú vị. “Người tiền sử đã biết tạo hình một số loại hoa văn trên vật dụng, trong đó có hoa văn vặn thừng mà người ta vẫn nghĩ chỉ mới xuất hiện trong thời hiện đại. Điểm lý thú khác là một số di vật còn cho thấy dấu vết thể hiện kỹ năng sửa chữa công cụ lao động của người xưa”, ông Tuấn nói.

Dọi se sợi, gốm ghè tròn, bi gốm có tuổi 3.500 - 3.000 năm ở di chỉ chùa Hội Sơn

PGS Lê Xuân Diệm cho biết, nhiều vết tích về việc xây dựng lại ngôi chùa lâu đời nhất nhì thành phố được tìm thấy như kết cấu đá ong, gạch ở phần móng công trình, những chân tảng bằng đá ong, sa thạch tương ứng nằm trong khu nền. Nhiều cái mới về tầng văn hóa cũng được phát hiện, tuy nhiên tầng đất dày bên trên các tầng văn hóa là do con người đắp hay do lũ lụt bồi nên đang cần được làm rõ.

Kết quả khai quật cho thấy, dù có nhiều đổi thay về địa hình, địa mạo do quá trình canh tác, xây dựng làm mất đi một phần lớp văn hóa ở vài khu vực, nhưng di chỉ được các nhà khoa học nhận định là giàu tiềm năng khảo cổ. Đặc biệt, những tích tụ khảo cổ tiền sử cho thấy sự liên hệ gần gũi của nó với di tích Bến Đò gần đó và các di tích tiền sử khác nằm dọc hạ lưu sông Đồng Nai thuộc văn hóa Đồng Nai tiền sử. Các loại đồ đá như rìu, cuốc, dao, đục, mảnh tước, chì lưới…, đồ gốm như dọi se chỉ, tay cầm gốm, bi gốm, các loại đồ đựng… thể hiện sự đa dạng trong đời sống sản xuất của cư dân tiền sử.

Dựa trên kết quả cuộc khai quật, các đơn vị sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các vấn đề khoa học và báo cáo chính thức. Bà Vũ Kim Anh, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL TP.HCM khẳng định về nguyên tắc, phải sáu tháng sau khi khai quật, kết quả mới được công bố. Tuy nhiên, di chỉ này khá đặc biệt, vì chùa bị cháy nên mới tổ chức khai quật và phải thông tin nhanh. Bà Kim Anh cho biết, kết quả chính thức sẽ được thông báo đầy đủ sáu tháng sau.

Võ Tiến