Đồng xu của lão ăn mày và quả chuông chùa Keo

Đồng xu của lão ăn mày và quả chuông chùa Keo
Trên những chuông lớn, các đại hồng chung trong chùa thường có khắc chữ. Vậy là ngoài các trang giấy, trang đá… lại còn các trang sách đồng đúc.
 
 
Có thể học trên đó. “Một đàn” học trò đã học nhưng học chẳng đến nơi đến chốn, bị cô giáo – bà chúa thơ nôm Hồ Xuân Hương cho một lời phê để đời: Một đàn thằng ngọng đứng xem chuông/ Nó bảo nhau rằng ấy cái uông…

Nhưng chẳng vì sợ bị chê ngọng mà giấu dốt. Tôi vẫn lên chùa để học chuông. Nếu không đọc được các dòng chữ đồng ghi tên người góp công đức tiền bạc để xây chùa đúc chuông thì cũng được nghe những chữ ấy vang lên thành nhã nhạc.

Rằm tháng Giêng vào lễ chùa Bà trong Chợ Lớn. TP HCM thấy những quả chuông treo bên các thùng lạc quyên. Mỗi khi một khách thập phương nào đó bỏ đồng tiền của mình thì nhã nhạc ấy lại vang lên, một tiếng thôi. Ai bỏ, bỏ bao nhiêu, chuông cũng chỉ gióng một lời vui. Thỉnh chuông như thế vừa như công khai tài chính, tài chủ, lại vừa như bí mật. Cái việc tính đếm tiền bạc qua tiếng chuông chùa, đã thăng hoa thành việc xưng tụng lòng người ở một góc mùa xuân sầm uất chuyện bán buôn.

Tiếng chuông công bằng ở chùa Bà còn rền trong đầu thì nhận được bài viết của một anh bạn công tác ngoài Quảng Ninh, cũng nói chuyện chuông chùa. Nghĩ, học thầy không tày học bạn, xin được chép lại chuyện ấy:

“Dân làng quyên góp đúc chuông. Trong khi những người giàu có gộp tiền muôn bạc vạn thì một ông lão ăn mày xin được góp một xu lấy từ cái bị hành khất. Viên phó lý đứng nhận tiền bực mình ném đồng xu xuống ao nước trước chùa. Thật kỳ lạ, chuông đúc xong thì ở một trong ba núm của chuông khuyết một lỗ vừa bằng đồng xu ném đi ấy, không kêu. Đúc lại đến lần thứ ba chuông vẫn một khuyết tật ấy, vẫn câm. Các bậc trưởng lão trong làng được vấn kế và khi viên phó lý kể lại chuyện ông lão ăn mày hảo tâm thì các bô lão quyết định cho tát ao tìm bằng được đồng một xu kia, sung vào lần đúc thứ tư. Có đồng xu ấy việc đúc chuông thật suôn sẻ, chuông ngân nga cho tới hôm nay. Quả chuông ấy vẫn còn treo ở gác chuông cao nhất chùa Keo, trên thân chuông bên những dòng chữ tượng hình theo lối cổ lại có một dấu chấm kiểu mới, tròn như một đồng xu”.

Tôi đọc xong chuyện này lại nghe tiếng chuông rền, thấy như tiếng chuông thâm trầm đưa đến cho mình một đồng xu mừng tuổi.

 
 

Trần Quốc Toàn (PL&XH)