Tưởng niệm Anh hùng liệt sỹ Lý Tự Trọng.

Ngày 20/11 nhằm tri ân sự hy sinh anh dũng của người Đoàn viên Thanh niên Cộng sản Việt Nam đầu tiên, ông Nguyễn Bằng Lâm cùng đại diện Việt kiều Nakhonphanom Thái Lan đã tới tượng đài Anh hùng Lý Tư Trọng (Thụy Khuê- Hà Nội ) thắp nến, dâng hương tưởng niệm và bày tỏ lòng tri ân sâu sắc Người đoàn viên thanh niên ưu tú, người chiến sĩ cộng sản kiên trung, bất khuất, đã dâng trọn tuổi thanh xuân cho lý tưởng Cách mạng, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc.

Bà Nguyễn Thị Xuân Loan em gái ông Bằng Lâm  cảm động cho biết, gia đình bà là một gia đình Cách mạng có tên tuổi  được Bác Hồ sống và làm viêc tại nhà trong thời kỳ hoạt động tại Nakhonphanom -Thái Lan. Cha và các cô chú của bà được Bác đặt tên. Khi còn tại thế cha  của bà  thường rất tự hào mỗi  khi nhắc tới tên  Anh hùng Lý Tự Trọng.  Người cùng sinh ra và lớn lên tại mảnh đất Nakhonphanom -Thái Lan cùng trưởng thành và được đào tạo trong đoàn thể thanh niên cách mạng…

Với cảm xúc tôn kính và  vinh dự đó Bà mong muốn  được lan tỏa ý nghĩa lịch sử thiêng liêng, để giáo dục truyền thống cách mạng cho đoàn viên, thanh thiếu niên Việt Nam hiểu sâu sắc hơn  về các vị anh hùng dân tộc, các bậc tiền bối  trong lịch sử dựng nước, đặc biệt là người anh hùng Lý Tự Trọng.

Theo sử sách ghi lại, người Cộng sản Lý Tự Trọng tên thật là Lê Hữu Trọng, sinh ngày 20/10/1914 ở bản Mạy, tỉnh Nakhon Phanom, Thái Lan, nguyên quán huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Bố mẹ ông đều là những Việt kiều yêu nước và sớm giác ngộ cách mạng.

Năm 1926, Lê Hữu Trọng là một trong 8 thiếu nhi Việt kiều được chọn sang Quảng Châu (Trung Quốc) học tập. Đến Trung Quốc Lê Hữu Trọng được đổi tên thành Lý Tự Trọng. Sau đó, chàng thiếu niên được giới thiệu vào học tại Trường Trung học Trung Sơn và được cử làm liên lạc cho Tổng bộ Việt Nam thanh niên cách mạng đồng chí hội.

Năm 1929, Lý Tự Trọng về Sài Gòn – Gia Định với nhiệm vụ làm liên lạc bí mật trong và ngoài nước cho Xứ ủy Nam Kỳ và Trung ương Đảng, đồng thời được giao nhiệm vụ vận động, tập hợp thanh niên trong các nhà máy, trường học để thành lập Đoàn Thanh niên Cộng sản.


Ngày 8/2/1931, các chiến sĩ cách mạng Việt Nam tổ chức một cuộc mít tinh chớp nhoáng nhưng bị mật thám của thực dân Pháp theo dõi.

Lý Tự Trọng bị bắt giam, tra tấn dã man nhưng anh không hề khuất phục. Ngày 21/11/1931, Lý Tự Trọng bị kẻ thù xử chém, lúc bấy giờ mới 17 tuổi.

Trước tòa án của đế quốc thực dân, anh từng hiên ngang tuyên bố: “Con đường của thanh niên chỉ là con đường cách mạng, không thể có con đường nào khác…”.

Câu nói đó sau này trở thành kim chỉ nam cho các thế hệ thanh niên cách mạng Việt Nam.


Tác giả: Diễn đàn Phật tử